BVR&MT – Tập trung, tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương cũng đang triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích công tác này. Tuy nhiên, về tổng thể, vẫn cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai để phát huy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề cập các nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa…; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất…
Linh hoạt hỗ trợ tích tụ ruộng đất
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Hồ Thanh Phương, để khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân thuê đất mở rộng diện tích lên ít nhất 3ha. Bước đầu, tỉnh thí điểm ở các Hợp tác xã Tân Cường, Phú Bình và Tân Tiến. Có 29 hộ nông dân được xét duyệt hỗ trợ lãi suất thuê đất và san phẳng mặt ruộng bằng tia laser với diện tích 126ha, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng (hỗ trợ một lần cho 3 năm). 29 hộ này sở hữu hơn 45 ha đất trồng lúa và thuê thêm của những hộ bên cạnh gần 80ha.
Giai đoạn 2015-2019, tỉnh hỗ trợ cho 9 hợp tác xã thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, với tổng diện tích 146.352m2 (theo Báo cáo số 265/BC-UBND ngày 3/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Đến nay, tỉnh đã cho thuê đất đối với các hợp tác xã: Bình Thành, Định An (huyện Lấp Vò); Láng Biển (huyện Tháp Mười), Tịnh Thới (thành phố Cao Lãnh)… Tuy nhiên, số hợp tác xã được thụ hưởng chính sách này không nhiều do quỹ đất công hiện nay hạn chế hoặc vị trí không phù hợp. Một số địa phương có quỹ đất công lại chưa tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã, chưa khuyến khích đầu tư; thủ tục hành chính của hợp tác xã chậm được giải quyết do các nguyên nhân từ nguồn gốc đất còn vướng mắc.
Đối với huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, quá trình xây dựng cánh đồng sản xuất lớn đối mặt nhiều khó khăn do tâm lý ngại thay đổi, sợ khó khăn; sợ mất đất trong phân chia ruộng sản xuất sau khi phá bờ thửa của một bộ phận người dân; cấp ủy, chính quyền một số địa phương thiếu tập trung, sợ khó khăn, lấy nhiều lý do để không thực hiện…
Để hóa giải những khó khăn đó, huyện Thạch Hà đã ban hành quy trình 7 bước thực hiện tích tụ, chuyển đổi ruộng đất, công khai lấy ý kiến của người dân và niêm yết tại các hội quán thôn, hướng dẫn lập bản cam kết tham gia dồn điền đổi thửa đến tận hộ dân. Cùng với đó, các xã sẽ xây dựng phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trình phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm tra và được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, huyện Thạch Hà phấn đấu hoàn thành việc phá bờ thửa nhỏ hình thành ruộng sản xuất lớn diện tích 858ha.
Tại thành phố Hà Tĩnh, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Trần Quang Hưng cho biết: Sự phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố thời gian qua gặp khá nhiều lực cản. Trong đó, yếu tố khách quan là quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp và chia nhỏ các vùng sản xuất.
Thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, đưa nông nghiệp đô thị phát triển theo hướng sinh thái và giá trị cao. Nổi bật là các mô hình sản xuất trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều nông dân đô thị lựa chọn. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau, củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh) Nguyễn Đăng Mạnh, chia sẻ: Từ 3.000m2 diện tích nhà màng trồng dưa lưới theo công nghệ Israel, đến nay hợp tác xã vận động nông dân tập trung được hơn 20.000m2 đất liền kề để mở rộng mạng lưới nhà màng và trồng rau, củ quả ngoài trời. Hiện trên địa bàn thành phố đã có hơn 30.000m2 diện tích nhà màng, mỗi năm có thể sản xuất được 3-4 vụ/năm, tùy vào đối tượng cây trồng.
Đổi mới cơ chế, chính sách đất đai
Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) nhấn mạnh: “Hiện nay, cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn. Cùng với đó là tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã ly hương, đề phòng bất trắc, coi đất đai như một “cuốn sổ bảo hiểm”.
Nông dân cứ giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất, kinh doanh. Để phát triển mô hình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của trình độ sản xuất ngày càng cao đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chiến lược, mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này, là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai.
Chính sách mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất. Song, để tháo gỡ một cách thực chất và đồng bộ các điểm nghẽn rất cần sự quan tâm thỏa đáng và có những giải pháp đồng bộ toàn diện.
“Theo đó, cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã”- ông Nguyễn Văn Huy kiến nghị.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nêu quan điểm: Cần xem xét bản chất chính sách “hạn điền” (nhận chuyển nhượng không quá 10 lần hạn mức giao đất của Nhà nước) và chính sách hạn chế thời hạn sử dụng đất nông nghiệp (không quá 50 năm)… nhằm tạo sự yên tâm cho người sử dụng đất trong đầu tư chiều sâu, đầu tư dài hạn về hạ tầng và công nghệ cao, đầu tư chiều rộng trên quy mô lớn về đất đai để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Việc loại bỏ tình trạng nông dân yếu thế không có đất sản xuất sẽ được thực hiện bằng hệ thống quản trị tốt về đất đai.
Cùng vấn đề giao đất, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, Nhà nước cần ban hành chính sách giao đất dài hạn cho nông dân, nhất là ở các vùng nông nghiệp ổn định nên giao lâu dài nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển mô hình nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Cần có chính sách khuyến khích hình thành các trung tâm phát triển quỹ đất để nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, sau đó cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất. Nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình ngân hàng đất đai, trong đó các hộ gia đình, cá nhân gửi đất vào ngân hàng và được hưởng các lợi ích từ đất. Sau thời hạn gửi (tùy theo loại dự án), người dân được nhận lại đất.
Việc xây dựng chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội là chủ trương lớn đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đây cũng là điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới. Để chính sách này sớm phát huy hiệu quả toàn diện, cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật đất đai về các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; hoàn thiện quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp…
Điều này vừa góp phần quan trọng trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa vừa là cơ sở để phân công lại lao động trong nông nghiệp, nông thôn, phát huy tiềm năng đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các giải pháp về chính sách đất đai nêu rõ: Hoàn thiện chính sách đất đai trên cơ sở thị trường quyền sử dụng đất như quyền tài sản với nguyên tắc vận hành thuận lợi, chi phí giao dịch thấp, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp đạt thu nhập cao; người dân dễ dàng chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thế chấp trong thị trường giao dịch thống nhất. Hỗ trợ các nông dân sản xuất hiệu quả tích tụ đất nông nghiệp làm trang trại. Hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua, thuê hoặc nhận vốn góp bằng đất nông nghiệp của các hộ nông dân; rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp để tạo quỹ đất…; bổ sung “đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” trong phân loại đất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất. Đối với diện tích đất trên, cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp. Từng bước mở rộng phạm vi đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ. |