Khởi sắc xuất khẩu sầu riêng, cẩn trọng khi phát triển “nóng”

BVR&MT – Giá trị xuất khẩu sầu riêng ngày càng tăng, các địa phương đẩy mạnh vùng trồng là cơ hội nhưng cũng có rủi ro cho người nông dân.

Tăng vùng trồng sầu riêng

Giữa tháng 11/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin, tỉnh Bình Phước hiện có hơn 5.000ha sầu riêng được trồng rải rác khắp các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này là giai đoạn cây sầu riêng chuẩn bị ra hoa và cũng là lúc nông dân tập trung chăm sóc để cây cho năng suất cao hơn trong mùa vụ sắp tới.

Gia đình ông Lê Thanh Viễn ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh có vườn sầu riêng bước sang năm thứ 7. Ông Viễn cho biết, thời tiết năm nay không thuận lợi, mưa nhiều nên việc chăm sóc sầu riêng giai đoạn ra hoa cũng vất vả hơn.Thời tiết bất thường nên nếu không để ý, sầu riêng sẽ chỉ ra đọt lá non mà không nhú mầm hoa (hay còn gọi là nhú mắt cua), làm ảnh hưởng năng suất.

“Nếu thấy cây sầu riêng ra đọt nhiều là phải có biện pháp hãm lại. Vì nếu ra đọt nhiều, cây sẽ không ra mầm hoa được. Cây sầu riêng muốn ra hoa đậu trái tốt thì phải kết hợp nhiều yếu tố, như thời tiết thuận lợi, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây khỏe”, ông Viễn nói.

Theo các nông hộ, thời điểm này, cây sầu riêng thường xuất hiện rệp sáp, rầy xanh phá hoại hoa nên nông dân phải theo dõi tình trạng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, ông Lê Hoàng Hiệp, ngụ xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy trước đây có 4 công đất canh tác lúa. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, ông Hiệp đã mạnh dạn lên liếp để trồng gần 90 gốc sầu riêng Monthong.

Ông Hiệp cho biết: “Hết vụ lúa này, mảnh ruộng còn lại cũng sẽ lên liếp để trồng sầu riêng. Sầu riêng chịu đất ở đây nên phát triển tốt lắm. Trồng sầu riêng bây giờ chỉ sợ nước mặn, nhưng nghe tỉnh đầu tư các cống ngăn mặn nên cũng yên tâm”.

Theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, cây sầu riêng phát triển “nóng” trên địa bàn tỉnh một phần cũng từ việc loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái của huyện là 23.000ha. Những năm gần đây, diện tích sầu riêng và mít Thái tăng nhanh. Khi có Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng tăng rất cao. Lợi nhuận của trồng sầu riêng cao hơn lúa từ 15 – 16 lần. Do đó, nhiều người dân đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Bài toán phát triển bền vững

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đến hết tháng 10/2023, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 700 triệu USD, tăng 4,7 % với tháng trước và tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,912 tỷ USD tăng 78,4% so cùng kỳ năm 2022. Sầu riêng dự kiến đóng góp hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm 2022.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, hết tháng 10/2023, xuất khẩu sầu riêng thu về xấp xỉ 2 tỷ USD. Có khả năng, cả năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 2,2 – 2,3 tỷ USD.

Nói về lợi thế sầu riêng Việt Nam, ông Nguyên cho hay, sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có theo vụ. Bên cạnh đó, chi phí logistics của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thấp hơn Thái Lan. Chất lượng sầu riêng của Việt Nam cũng rất tốt, do đó, dù chúng ta mới tham gia thị trường sầu riêng nhưng kết quả tốt.

Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD trong năm 2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng: “Với việc tăng cường chất lượng, cùng việc được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mở cửa thêm nhiều thị trường, trong thời gian tới chúng ta hoàn toàn có thể đạt được 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sầu riêng”.

Chuyên gia nông nghiệp, GS.TS Trần Văn Hâu chỉ ra, sự phát triển “nóng” của cây sầu riêng trong những năm qua, vượt qua mức quy hoạch 85.000ha của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra nhiều thách thức cần phải giải quyết cho tất cả thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành hàng.

Nông dân ở các vùng trồng mới chưa biết kỹ thuật thiết kế vườn, kỹ thuật tạo tán tỉa cành cho cây, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên cây chậm cho trái, năng suất thấp, không biết kỹ thuật quản lý sâu bệnh làm giảm năng suất và chất lượng trái.

Đặc biệt, phát triển sầu riêng ở những vùng có điều kiện đất đai có nhiều trở ngại như đất phèn, thiếu nước tưới nên cây phát triển không tốt, tỷ lệ cây chết cao gây lãng phí rất lớn cho bản thân nông dân và xã hội.

“Cán bộ khuyến nông và quản lý ngành nông nghiệp có kiến thức về kỹ thuật trồng sầu riêng ở địa phương không phát triển kịp thời để hỗ trợ nhà vườn. Vật tư, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh của các công ty chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến hiệu quả không cao”, ông Hâu phân tích.

Vì vậy, việc phát triển vùng trồng sầu riêng cầu xây dựng đội ngũ kỹ thuật thu hoạch, hệ thống cơ sở thu mua, đóng gói, xử lý sau thu hoạch,…

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá năm 2025, trị giá thị trường sầu riêng Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 – 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Trong đó, 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc. Trên thị trường 1,4 tỷ dân này, sầu riêng Việt Nam chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia.

Do vậy, nông dân cần tính đến yếu tố bền vững, tăng cường chất lượng sản phẩm và giống. Sầu riêng Việt Nam phải sẵn sàng cạnh tranh về số lượng, đồng thời tăng cường chất lượng để từ đó chiếm ưu thế trên thị trường.