Khởi sắc vùng biên giới Phong Thổ, Lai Châu

BVR&MT – Mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh COVID-19, nhưng năm qua huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) vẫn có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực, nhất là về nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, tạo bước đột phá vững chắc đưa huyện biên giới ngày càng phát triển toàn diện, khẳng định vị thế nằm trong trục kinh tế trọng điểm của tỉnh Lai Châu.

Diện mạo nông thôn mới ở xã biên giới Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ (Lai Châu) ngày một khởi sắc. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới, nằm phía Bắc của tỉnh Lai Châu với gần 100km đường biên giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Toàn huyện có 17 xã, thị trấn; trong đó, có 12 xã biên giới giáp Trung Quốc.

Đến huyện vùng biên Phong Thổ những ngày này dễ dàng nhận thấy sự đổi thay bộ mặt nông thôn. Những con đường giao thông liên bản, liên xã được đầu tư cứng hóa hay những căn nhà mái ngói đỏ tươi nổi bật giữa núi đồi. Có được những thay đổi đó là nhờ sự “chuyển mình” trong tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của chính quyền và người dân địa phương.

Tung Qua Lìn là xã nhỏ vùng biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Toàn xã có 5 bản với 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông, Hà Nhì. Trình độ dân trí thấp, ít đất sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nghèo cao ở nơi đây.

Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ người dân vượt khó, thoát nghèo; trong đó, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là giải pháp hàng đầu.

Ông Giàng A Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Tung Qua Lìn cho biết, hàng năm, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con các bản thay đổi tập quán, canh tác; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương từ trồng cây ăn quả, cây dược liệu.

Thời điểm này, xã đang chỉ đạo các bản đôn đốc nhân dân tập trung chăm sóc 60ha ngô vụ Xuân Hè, 85ha cây thảo quả, gần 11ha cây lê, hơn 0,64ha cây thất diệp nhất chi hoa.

Với lợi thế là vùng núi cao, phù hợp với chăn nuôi đại gia súc, xã Tung Qua Lìn còn tích cực vận động bà con chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn theo hướng hàng hóa thị trường; nhân rộng quy mô đàn gia cầm. Hiện toàn xã có hơn 400 con trâu, bò và trên 530 con lợn; tổng đàn gia cầm gần 3.450 con.

Ông Vàng A Sử ở bản Căng Ký, xã Tung Qua Lìn chia sẻ, để có kinh tế ổn định, gia đình ông tập trung chăn nuôi lợn, nuôi trâu vỗ béo kết hợp sinh sản. Cùng với chăn nuôi, vợ chồng ông Sử còn trồng ngô, sắn và làm máy xay xát gạo để lấy cám cho lợn, trồng cỏ voi cho trâu ăn nhằm giảm chi phí chăn nuôi. Mỗi năm, ông nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 12-20 con, duy trì 2 con trâu sinh sản và vài con trâu vỗ béo rồi bán. Trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập 50 triệu đồng, từ hộ gia đình thuộc hộ nghèo đến nay trở thành hộ gia đình khá ở bản.

Từ nhiều giải pháp đồng bộ, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã biên giới Tung Qua Lìn có những chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân năm 2021 đạt gần 14 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 41,43%. Năm 2022, xã Tung Qua Lìn tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo nghị quyết, đề án của tỉnh, huyện.

Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; phấn đấu, toàn xã giảm thêm 5,58% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2022.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho hay, năm 2021, Phong Thổ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể như việc làm tốt việc quy hoạch, nhất là quy hoạch về lĩnh vực nông nghiệp, được thể hiện qua Đề án “Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với kinh tế cửa khẩu”. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như chè, mắc-ca, mía, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc.

Đặc biệt, huyện còn chú trọng việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, với hệ thống khu du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ; Lễ hội Then Kin Pang của người Thái, ở Khổng Lào, Mường So; Lễ hội Gầu Tào của người Mông, ở Dào San đã thu hút hơn 25 nghìn lượt khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm.

Cùng đó, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông toàn huyện Phong Thổ được đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện; giao thương hàng hóa giữa các xã vùng biên với trung tâm huyện, thành phố Lai Châu dễ dàng hơn.

Đáng lưu ý, việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiểu kết quả nội bật, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí với 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 13,88 tiêu chí.

Mặt khác, chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), với 11 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Lai Châu công nhận đạt 3 sao. Đặc biệt, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn huyện đạt 23 triệu USD, tăng 5,4 triệu USD so với năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên rõ rệt.

Có được những khởi sắc trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Phong Thổ, các xã, thị trấn cùng nhân dân trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ; trong đó, tổ chức rà soát, đánh giá, quy hoạch từng vùng sản xuất nông nghiệp dựa trên điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi địa phương.

Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng; đổi thay phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng quy mô phát triển cây dược liệu, đàn vật nuôi.

Cùng với đó, huyện Phong Thổ chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Trung ương, tỉnh Lai Châu về cung cấp cây, con giống cho các hộ dân; lồng ghép nguồn vốn các dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới phòng học, trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, đường lên khu sản xuất.

Mặt khác, quan tâm thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng, lợi thế; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào địa bàn đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng; khuyến khích nhân dân khai thác tiềm năng khí hậu, cảnh quan làm điểm du lịch kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhờ đó, năm 2021, Phong Thổ có sản lượng lương thực đạt gần 37 nghìn tấn, trong đó quy hoạch vùng lúa chất lượng cao với quy mô hơn 193ha lúa tẻ râu và nếp tan; tổng giá trị sản xuất đạt gần 4.820 tỷ đồng. Vận động nhân dân chăm sóc vùng nguyên liệu mía hơn 64ha, gần 300ha chè, 1.000ha thảo quả; hơn 4.500ha cây ăn quả; phát triển đàn vật nuôi 210 nghìn con.

Trong năm qua, huyện đã thu hút Hợp tác xã Nông sản Lai Châu, Công ty Giống cây trồng Tây Bắc ký kết bao tiêu thóc tẻ râu, mía cho bà con; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện 28 dự án thủy điện có tổng công suất lắp máy khoảng 372MW. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,51%.

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Phong Thổ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới; đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đến từng người dân; huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.