Khởi động tiếp chiến dịch bảo vệ Sao la trước thềm COP15

BVR&MT – Ngày 6/10, WWF-Việt Nam và Google khởi động giai đoạn 2 chiến dịch Giữ lại dấu chân Sao la nhằm nhấn mạnh vai trò của các cá nhân trong việc cứu lấy loài động vật quý hiếm này bằng cách chặn đứng sự mất mát đa dạng sinh học đang diễn ra trên toàn cầu.

WWF cho biết giai đoạn 1 đã được thực hiện trong tháng 7 nhằm giới thiệu với công chúng về sao la và tầm quan trọng của loài đối với đa dạng sinh học qua mô hình Sao la AR 3D trên Google tìm kiếm khả dụng trên thiết bị di động.

Hình ảnh Sao La được ghi lại ở khu vực Trung Trường Sơn (Ảnh: WWF)

Ở giai đoạn 2, chiến dịch muốn nhấn mạnh sự mất mát đa dạng sinh học và kêu gọi mỗi cá nhân nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới. Hình ảnh của Sao la AR trong giai đoạn 1 sẽ được tái hiện qua game tương tác với người chơi, qua đó, mỗi cá nhân có thể tự trả lời được câu hỏi: chúng ta có thể làm gì để bảo vệ sao la, các loài hoang dã và phục hồi đa dạng sinh học?

Chiến dịch được thực hiện trong bối cảnh các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ tụ họp tại Côn Minh, Trung Quốc vào tháng 10 này tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP15) nhằm đưa ra những cam kết hành động cụ thể để phục hồi Thiên nhiên từ nay tới năm 2030.

Khoảng hơn 20 năm trước, Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) in dấu chân khắp khu vực Trường Sơn nhưng giờ đây ước tính chỉ còn khoảng 50 cá thể ngoài tự nhiên. Lần cuối cùng hình ảnh sao la ngoài tự nhiên được ghi nhận là năm 2013 thông qua bẫy ảnh của WWF và đối tác.

Câu chuyện của sao la là trường hợp điển hình cho việc mất mát đa dạng sinh học của Việt Nam. Sinh cảnh sống bị suy giảm hoặc bị thu hẹp, dính bẫy, biến đổi khí hậu, khai thác gỗ bất hợp pháp, các hoạt động phát triển không bền vững….là những nguyên nhân đẩy sao la và rất nhiều loài thú vào tình trạng hiện nay.

Thế giới cũng mất đi 68% quần thể các loài hoang dã có xương sống trong vòng 50 năm qua.

COP15 được kỳ vọng sẽ đề ra những cam kết mạnh mẽ nhằm chặn đứng sự suy thoái đa dạng sinh học vào năm 2030 và tiến tới phục hồi hoàn toàn Thiên nhiên vào năm 2050. Tuy nhiên, để có thể đạt được điều này, rất cần sự chung tay của tất cả mọi thành phần trong xã hội từ doanh nghiệp, tổ chức tới các cá nhân.

PV

Tags:
CHIA SẺ