Khởi động mô hình chợ giảm rác thải nhựa tại Đà Nẵng

BVR&MT – Ngày 17/7, tại Chợ Hàn, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) “Khởi động mô hình Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” và hoạt động “Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp”.

Trao tặng túi đi chợ cho các tiểu thương đăng ký tham gia mô hình.

Chợ Hàn là 1 trong 4 chợ lớn loại I của thành phố, là chợ thương mại thu hút người dân, khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, mua sắm. Theo báo cáo khảo sát của WWF-Việt Nam, năm 2021, mỗi ngày Chợ Hàn có khoảng 896 người mua sắm hằng ngày, kéo theo đó là khoảng 800-1.000kg chất thải rắn được thải ra. Trong đó, rác thải nhựa chiếm 15,1%, và có tới 66,4% là nylon. Khoảng 10kg túi nylon được phân phát qua con đường mua bán hàng hóa hằng ngày. Trong đó túi loại 4L và 7L chiếm phần lớn, gấp đôi lượng túi nylon loại dưới 1L và 12L.

Quầy sinh thái thu hút người dân, tiểu thương tới đổi rác.

Việc thay đổi thói quen sử dụng túi nylon trong cuộc sống hằng ngày, hướng tới hoạt động mua sắm bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng 1 lần là hết sức cần thiết.

Vì vậy, mô hình được khởi động tại Chợ Hàn nhằm nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi, trách nhiệm của tiểu thương, người dân. Theo đó, chợ sẽ thí điểm dán nhãn sinh thái tại các quầy hàng đăng ký; trao tặng thùng rác phân loại 2 ngăn; thực hiện Quầy hàng sinh thái trước cổng chợ.

Quầy hàng sẽ được thực hiện mỗi tháng 2 lần vào ngày cuối tuần. Người dân, tiểu thương tại chợ có thể tới để đổi rác lấy quà tặng, mua sắm các sản phẩm tẩy rửa sinh học với giá ưu đãi và quầy cũng thu gom túi nylon sạch trong cộng đồng để tái sử dụng tại chợ.

Là một trong những tiểu thương đầu tiên đăng ký tham gia để dán nhãn sinh thái, chị Nguyễn Thị Thu, quầy gia vị thực phẩm chia sẻ: “Tôi đã được nghe thông báo về mô hình và cảm thấy bản thân có thể thực hiện được nên sẵn sàng đăng ký ngay. Hiện tại tôi đã tuyên truyền người dân tới mua hạn chế dùng nhiều túi, như mỗi khách hàng tới dù mua nhiều đồ tôi vẫn chỉ sử dụng 1 túi nylon, hoặc bỏ luôn vào làn, giỏ đi chợ, qua đó cũng giảm được rất nhiều túi”.

Mô hình sẽ được thực hiện đến hết năm 2023 với một số mục tiêu cụ thể như: trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ thu hồi rác tái chế đạt 30%; 30% các quầy hàng trong chợ đăng ký và thực hiện giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; 30% quầy hàng đăng ký thực hiện “không cung cấp túi nylon khi chưa được yêu cầu”.