Khởi động Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm

BVR&MT – Sau thời gian dài chuẩn bị, dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm chính thức được khởi động tại tỉnh Điện Biên, với tổng số vốn trên 981 tỷ đồng.

Đoàn công tác Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên trao đổi các bước triển khai dự án.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 170/QĐ-TTg, ngày 4/2/2021. Tổng vốn thực hiện dự án trên 981 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA là 665,5 tỷ đồng; vốn đối ứng 275,028 tỷ đồng và vốn EU viện trợ không hoàn lại là 40,5 tỷ đồng; giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan chủ đầu tư dự án.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn trên 981 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai 2 hợp phần thuộc dự án. Trong đó, hợp phần 1 (hợp phần công trình) gồm: xây dựng kè chống sạt lở hai bờ sông Nậm Rốm có tổng chiều dài 14,7 km; mở rộng dòng chảy và nạo vét một số đoạn sông; xây dựng đập dâng. Hợp phần 2 (hợp phần phi công trình), gồm các phần việc: xây dựng, hoàn thiện hệ thống giám sát; tăng cường năng lực quản lý đa thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; các hoạt động thông tin truyền thông…

Nhằm triển khai dự án, ngày 30/9/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1770/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm, nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên; giao Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Thực hiện nhiệm vụ giao, đến nay, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất, hiện đang hoàn thiện bản vẽ thiết kế, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên-Môi trường phê duyệt.

Cầu Mường Thanh-một trong những cây cầu nối hai bờ sông Nậm Rốm, tới đây tiếp tục được đầu tư nâng cấp, bảo vệ.

Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Điện Biên trong triển khai dự án, tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam với UBND tỉnh Điện Biên về việc triển khai Dự án được tổ chức sáng ngày 21/2, bà Cécile Vigneau, Tham tán thứ nhất Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Trưởng đoàn công tác đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án trong sản xuất, đời sống nhân dân tại tỉnh Điện Biên. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên nhiên, thì Dự án còn có tầm quan trọng đặc biệt trong giữ gìn cảnh quan thiên nhiên cho khu vực sông Nậm Rốm nói riêng, cảnh quan tỉnh Điện Biên nói chung. Bà Cécile Vigneau đề nghị, thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục quan tâm chỉ đạo để dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.

Trao đổi thêm về sự cần thiết triển khai dự án, ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên, cho biết, không chỉ là dòng sông phục vụ đời sống, sản xuất của người dân vùng lòng chảo Điện Biên, dòng sông Nậm Rốm còn có ý nghĩa đặc biệt gắn với lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Điện Biên suốt chặng đường qua. Song trước biến đổi nhanh, khó lường của thời tiết, biến đổi khí hậu, những năm gần đây, dòng sông Nậm Rốm chịu tác động không nhỏ do thiên tai, điển hình như: lũ lụt, lũ quét, hạn hán, lũ ống…

Chính vì vậy, việc đầu tư dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm có tầm quan trọng nhằm bảo vệ sản xuất của nhân dân, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Khi dự án hoàn thành sẽ giảm thiểu thiệt hai do thiên tai liên quan đến nước nhằm bảo vệ an toàn cho khoảng 40 nghìn dân thuộc các phường, xã của thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên; đồng thời tăng khả năng thoát lũ, giảm ngập cho khoảng 150 km2 khu vực lòng chảo Điện Biên, bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển hạ tầng đô thị.

Với ngành nông nghiệp, Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm còn góp phần tăng cường khả năng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 18 nghìn ha, bổ sung nước mặt và nước ngầm để tăng khả năng cấp nước sinh hoạt với công suất 2.000 m3/ngày đêm cho người dân vùng lòng chảo và cấp nước công nghiệp cho các nhà máy trong khu vực.