Khởi động 2 dự án mới bảo vệ động vật hoang dã

BVR&MT – Mới đây tại Hà Nội, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chính thức khởi động 2 dự án nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng.

Chăm sóc, bảo tồn loài động vật hoang dã. (Ảnh: ĐVCC)

Được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 2 dự án có tổng ngân sách hơn 2 triệu USD do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) thực hiện. Đây cũng là 2 dự án đầu tiên trong lĩnh vực phòng chống buôn bán động vật hoang dã được USAID tài trợ trực tiếp cho các tổ chức địa phương của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Debra Mosel, Phó Giám đốc USAID Việt Nam cho biết: Buôn bán động vật hoang dã trái phép là một vấn đề toàn cầu đã dẫn đến sự cạn kiệt và suy giảm của nhiều loài động vật nguy cấp. Đây là một vấn đề đặc biệt đáng lo ngại tại Việt Nam, nơi là trung tâm tiêu thụ động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Việt Nam hiện đang đứng thứ 14 thế giới về mức độ phong phú của đa dạng sinh học và là nơi cư trú của nhiều loài quý hiếm. Tuy nhiên, nhiều loài trong số đó đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng và thật đáng buồn khi biết rằng loài tê giác đã tuyệt chủng ở Việt Nam từ năm 2010.

USAID đang tập trung hỗ trợ các tổ chức địa phương nhằm đảm bảo sự bền vững cho các kết quả phát triển. Với việc giao quyền thực hiện dự án cho các tổ chức trong nước, USAID khẳng định tầm quan trọng của sự tham gia tích cực và vai trò dẫn dắt của các đơn vị địa phương trong nỗ lực bảo tồn.

Hai dự án do USAID tài trợ lần này sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực bảo tồn tại các khu vực như Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai và Rừng đặc dụng Hương Sơn ở Hà Nội. Đây là những khu vực trọng yếu về bảo vệ đa dạng sinh học và cần được bảo vệ trước sự tàn phá của hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.

Các dự án không chỉ tập trung vào việc ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã, mà còn hướng đến giảm cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã thông qua việc tăng cường nhận thức của cộng đồng. Cụ thể, hai dự án sẽ thực hiện một loạt hoạt động như nâng cao năng lực cho các nhân viên tại các khu bảo tồn, triển khai ứng dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART, sử dụng công nghệ bẫy ảnh để giám sát tình trạng động vật hoang dã, cũng như cải thiện việc tuần tra rừng và bảo vệ môi trường sống của các loài.

PV BVR&MT