Khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp nơi vùng cao biên giới

BVR&MT – Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới của Tổ quốc, với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp.

Dựa vào cây chè, nhiều hộ dân ở huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã có thu nhập cao và xóa nghèo. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Những năm qua, tỉnh luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Đến nay, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần giảm nghèo và xây dựng bức tranh vùng biên ngày một khởi sắc.

Cụ thể hóa các chính sách

Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Chính phủ, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Lai Châu đã ban hành 4 chính sách và 3 Đề án để hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Theo đó, 4 chính sách gồm chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; chính sách phát triển rừng bền vững; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

3 đề án gồm đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025; đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 – 2025; đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn có các chính sách Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Tại huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu là Than Uyên , nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, địa phương đã chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025; xây dựng bản đồ nông nghiệp của huyện, xác định rõ cây, con chủ lực phù hợp với tình hình thực tế của huyện để thực hiện hiệu quả các chính sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Cùng đó, huyện tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Than Uyên có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Than Uyên đã nỗ lực vận động người dân tham gia sản xuất, mở rộng quy mô, thay đổi phương thức từ nhỏ lẻ sang tập trung; liên kết, giới thiệu, thu hút đầu tư các doanh nghiệp để phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Hiện huyện đang tập trung vào các dự án nông nghiệp phát triển sản xuất chuyên canh với quy mô lớn như: gạo chất lượng cao, cao su, chè, quế, chăn nuôi tập trung đại gia súc, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng, bản Chát.

Đặc biệt, huyện đã mạnh dạn đưa vào một số loại cây trồng tập trung có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm như mô hình ngô ngọt, chanh leo (thực hiện liên kết sản xuất giữa huyện Than Uyên với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chi nhánh Sơn La). Qua đánh giá chất lượng cho thấy cây ngô ngọt, chanh leo trồng ở Than Uyên phù hợp, năng suất cao, chất lượng đảm bảo, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Từ đó góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung, hiệu quả; một số vùng nông sản đã hình thành và ngày càng ổn định.

Thời quan qua, với mục tiêu đẩy mạnh thâm canh, hạn chế đất nông nghiệp bỏ trống, vụ Xuân Hè năm nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thực hiện mô hình sản xuất thử nghiệm giống Ngô ngọt HIBRIX 53 gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình thử nghiệm được triển khai với quy mô 4 ha tại bản Hua Than, xã Mường Than và bản Nà Đình, xã Mường Kim. Qua 3 tháng trồng thử nghiệm cho thấy cây ngô phù hợp với đặc điểm khí hậu do thiếu nước, khô hạn tại các chân ruộng một vụ; từ đó bà con tận dụng được đất canh tác, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, hạn chế đất nông nghiệp bỏ trống.

Gia đình ông Tòng Văn Dân đã mạnh dạn đầu tư thuê 1.000m2 đất ruộng một vụ chuyển đổi sang trồng giống ngô ngọt HIBRIX 53. Khi tham gia mô hình thử nghiệm ông Dân được Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hỗ trợ giống, phân bón, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy giống ngô ngọt này có thời gian trồng ngắn ngày, năng suất trung bình đạt 14 – 16 tấn/ha bắp tươi, trừ chi phí đầu tư thu lãi gần 30 triệu đồng/ha.

Ông Tòng Văn Dân chia sẻ, quá trình thực hiện mô hình được sự hỗ trợ của xã và Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất đạt cao. Ông thấy yên tâm khi được hỗ trợ về giống, phân bón và khi thu hoạch được công ty thu mua, không phải lo lắng đầu ra. Gia đình ông sẽ tiếp tục nhân rộng và trồng cây ngô ngọt bởi đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa.

Hiện nay, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã liên kết với các huyện trong tỉnh Lai Châu tạo vùng trồng nguyên liệu trên 100ha hanh leo, 15 ha dứa. Sau hiệu quả của mô hình trồng thử nghiệm 4ha giống ngô ngọt HIBRIX 53, công ty tiếp tục mở rộng vùng trồng khoảng 200 ha ngô và khảo sát thổ nhưỡng tại xã Tà Mung để trồng thử nghiệm rau cải chân vịt. Đây là điều kiện thuận lợi giúp nông dân Lai Châu có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp hàng hóa địa phương, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tương tự, mô hình cây chanh leo của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên ở xã Mường Than có quy mô rộng 4 ha. Hợp tác xã triển khai trồng từ năm 2019, có sản lượng quả mỗi năm đạt 7 tấn/ha. Năm 2022, Hợp tác xã được huyện hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón năm thứ nhất và hỗ trợ công chăm sóc, phân bón năm thứ 2, thứ 3 trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.

Anh Hoàng Văn Ngơi, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp sạch và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên cho biết: “Gia đình mình đã trồng hơn 2ha chanh leo. Khi thực hiện mình cũng được huyện hỗ trợ nhiều về vốn đầu tư, Công ty Đồng Giao cũng hướng dẫn kỹ thuật và thu mua quả với giá 14.000 đồng/kg. Sau hơn 3 năm trồng chanh leo, mình thấy đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây trồng lúa, trừ chi phí mỗi năm mình có thu nhập 100 triệu đồng”.

Hình thành các sản phẩm chủ lực

Người dân xã Mường Than, huyện Than Uyên, cắt, tỉa lá chanh leo để tập trung phát triển quả. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, huyện Than Uyên đã hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng hàng hóa tập trung.

Theo Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Nguyễn Văn Thăng, triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện chú trọng thực hiện chương trình sản xuất nông sản hàng hoá tập trung. Đến nay, huyện đã xây dựng được các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực như: các loại lúa đặc sản Séng cù, lúa nếp Tan Pỏm, lúa Japonica – tẻ, hạt tròn, Bắc thơm, Hương thơm, nếp, với quy mô trên 1.500 ha, sản lượng đạt 8.172,1 tấn; diện tích chè hơn 1.706 ha, sản lượng đạt trên 6.000 tấn chè búp tươi; trên 300 ha cây ăn quả như: chanh leo, nhãn, bưởi, xoài….

Trong chăn nuôi, huyện có 66 cơ sở chăn nuôi tập trung, với số lượng gia súc toàn huyện 52.761 con và tổng đàn gia cầm đạt trên 328.000 con. Huyện có 189 ha diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản với 825 lồng, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt trên 800 tấn/năm.

Đặc biệt, huyện còn chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Lai Châu công nhận đạt từ 3-4 sao. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Góp phần giảm hộ nghèo toàn huyện xuống còn 13,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh Lai Châu hiện có trên 526 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 58,06% diện tích đất tự nhiên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho hay, với 82% dân số sống ở lĩnh vực nông thôn và 65% số dân trong độ tuổi lao động, vai trò của phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp rất quan trọng. Từ khi chia tách và thành lập tỉnh đến nay, nhiệm kỳ nào Lai Châu cũng đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp và ban hành các nghị quyết hỗ trợ, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Đến nay, Lai Châu hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá quy mô tập trung, hiệu quả như: vùng trồng mắc ca (6.603 ha); cây chè (9.316,7) ha; cây cao su (12.945 ha); lúa hàng hóa (3.936 ha); cây ăn quả (trên 8.200 ha). Lai Châu có 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; phát triển mới 5.893 thùng ong; phát triển mới 55.512 m3 cá lồng và chú trọng chuyển đổi hơn 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua quảng bá, thu hút đầu tư phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn.