Khơi dậy tiềm năng du lịch vùng đất Thánh Tản Viên

BVR&MT – Bên cạnh bề dày văn hóa mang đậm nét Việt cổ, Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng hệ thống sông, suối, núi, rừng với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, với các danh thắng: Vườn Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh-Suối Tiên, Ao Vua, Thác Đa, Thiên Sơn-Thác Ngà, Đầm Long-Bằng Tạ, Đồi Cò-Ngọc Nhị… Đặc biệt, quần thể di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ trên núi Tản Viên là điểm đến của du khách về du lịch văn hóa, bản sắc dân tộc và du lịch tâm linh.

Mảnh đất giàu tiềm năng

Trên bản đồ TP. Hà Nội, Ba Vì có diện tích khá lớn, gần bằng tổng diện tích các quận nội thành. Tự nhiên ban tặng cho Ba Vì những điều kiện thuận lợi mà không quận, huyện nào của Hà Nội có được. Ðịa hình nơi đây chia làm ba vùng rõ rệt là vùng núi, vùng đồi gò và đồng bằng. Vùng núi Ba Vì chiếm 42% diện tích toàn huyện, với trung tâm là ngọn núi Ba Vì cao 1.296 m, cùng hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm. Khu vực sườn đông núi Ba Vì, có thác, có suối, có rừng nguyên sinh đẹp và thơ mộng là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái.

Du lịch tâm linh tiếp tục phát triển mạnh ở Ba Vì. Trong ảnh: Lễ hội Miếu Mèn (thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì).

Ba Vì cũng nổi tiếng với những di tích văn hóa, lịch sử có kiến trúc độc đáo gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng của dân tộc, danh nhân văn hoá như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì, khu di tích K9, Khu di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ… Nhiều di tích có tầm cỡ quốc gia như: Đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Thụy Phiêu được các nhà khoa học đánh giá là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại 1531- thời Nhà Mạc.

Bên cạnh đó, hệ thống các di tích liên quan đến các Danh nhân trong lịch sử phong kiến Việt Nam cũng rất nhiều như Nhà thờ Nguyễn Bá Lân, Nguyến Sư Mạnh ở xã Cổ Đô, Nhà thờ Tiến sĩ, Thượng thư Trần Thế Vinh ở xã Phú Châu, Nhà thờ tiến sỹ, thượng thư Lê Anh Tuấn ở làng Mai Trai – xã Vạn Thắng. Rồi khu Di tích Miếu Mèn thuộc thôn Nam An, xã Cam Thượng. Khu di tích này thờ bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà Trưng. Đền Bà Chúa Đá Đen được dựng trên một tảng đá nguyên khối, thờ Bà Chúa Thượng Ngàn…Có thể thấy với khối lượng di tích đồ sộ được công nhận như vậy, Du lịch Ba Vì hứa hẹn nhiều điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách.

Hướng đi đúng đắn

Nhận thức rõ về tiềm năng, lợi thế đó, suốt nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, Đảng bộ huyện Ba Vì luôn ban hành Nghị quyết đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm để phát triển du lịch huyện tương xứng với tiềm năng. 5 năm qua, từ 2016 đến 2020, huyện Ba Vì đã tranh thủ nguồn lực của thành phố, huy động xã hội hóa để tiếp tục phát triển mạnh ngành kinh tế trọng điểm này.

Với thế mạnh sẵn có, Ba Vì quyết tâm phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Với thế mạnh sẵn có, Ba Vì quyết tâm phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Đỗ Mạnh Hưng – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để phát triển du lịch, huyện Ba Vì luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các điểm du lịch, hình thức du lịch của huyện, xây dựng và phát triển du lịch Ba Vì trở thành ngành kinh tế trọng điểm, phát triển bền vững, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trong khu vực. Tập trung phát triển các loại hình du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện như du lịch sinh thái, tâm linh, hội thảo, nghỉ dưỡng… Phấn đấu tốc độ tăng trường 8% đến 10%/năm. Doanh thu từ khách du lịch tăng từ 18% đến 20%. Ngày lưu trú của khách du lịch là 1,5 ngày/khách. Tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại các điểm du lịch và khu vực xung quanh…

Tuy đã thu được nhiều kết quả khả quan, nhưng việc phát triển du lịch ở Ba Vì chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Đó là công tác quy hoạch tổng thế của huyện Ba Vì về du lịch còn chậm tiến độ, nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng vẫn chưa triển khai. Điển hình là dự án khu du lịch cao cấp Tản Viên (Hồ Suối Hai), dự án sân Gôn, resort hồ đập Cẩm Quỳ… Hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế, chưa được cải tạo đồng bộ, khớp nối giữa các khu du lịch với nhau. Chưa có hệ thống nước sạch cung cấp cho các điểm du lịch. Hệ thống điện cũng chưa đáp ứng các khu du lịch. Chưa có điểm liên kết, kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Sản phẩm du lịch thì nghèo nàn, chậm đổi mới. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế. Nguồn nhân lực các khu du lịch còn hạn chế, đào tạo chưa bài bản.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, chủ một cơ sở du lịch cộng đồng tại xã Cam Thượng, huyện Ba Vì bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới UBND huyện và các đơn vị chức năng tiếp tục cải thiện môi trường, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm, loại hình du lịch theo hướng vừa hiện đại, đặc sắc, vừa phát huy giá trị văn hóa vùng núi Tản, sông Đà.

Để đạt được kết quả trên, huyện tiếp tục đề nghị thành phố quan tâm tạo điều kiện hoàn thành các quy hoạch phát triển du lịch Ba Vì, xúc tiến đầu tư vào du lịch Ba Vì, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch, quảng bá du lịch Ba Vì…

Hậu Thạch