Khơi dậy, cổ vũ “Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên’

BVR&MT – Chương trình đối thoại “Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên” đã nhận được hơn 3.000 câu hỏi từ đoàn viên thanh niên tới Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, gửi gắm nhiều mong muốn, hy vọng của thanh niên đến với tổ chức Đoàn.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi cả nước.

Ngày 25/3, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã chủ trì buổi đối thoại với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi cả nước.

Đây là diễn đàn để đoàn viên, thanh-thiếu nhi cả nước trao đổi, đối thoại với thủ lĩnh thanh niên Việt Nam. Chương trình đối thoại được tổ chức định kỳ hằng năm, luôn được đông đảo đoàn viên, thanh niên quan tâm và trở thành hoạt động ý nghĩa, có dấu ấn đậm nét trong Tháng Thanh niên.

Chương trình đối thoại được phát video trực tiếp qua Facebook trên trang “Thông tin Chính phủ”, các fanpage của các đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam…

3.000 câu hỏi từ người trẻ gửi đến đối thoại

Theo tổng hợp của BTC, có hơn 3.000 câu hỏi từ đoàn viên thanh niên gửi tới Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Các vấn đề được bạn trẻ quan tâm là những giải pháp để hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong các nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình không gian sáng tạo trẻ trong nhà trường để tạo ra nhiều sản phẩm mang tính trí tuệ, công nghệ cao của thanh niên, sinh viên. Làm thế nào để có thể cổ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa, ngày càng có nhiều bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, trong năm 2022 và những năm tiếp theo Trung ương Đoàn và các tổ chức của thanh niên Việt Nam đã và đang có những chương trình, đề án, giải pháp gì để tiếp tục khơi dậy, cổ vũ và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế ở nước ta.

Bêncạnh đó, các bạn trẻ còn quan tâm Trung ương Đoàn sẽ có những hỗ trợ như thế nào để ý tưởng sáng tạo của thanh niên được triển khai, thực hiện đi vào thực tế. Trung ương Đoàn sẽ có những phương án, định hướng như thế nào để phát huy vai trò của thanh niên trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhất là việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của đoàn viên thanh niên nông thôn. Tổ chức Đoàn sẽ có những giải pháp như thế nào để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2010) để họ cống hiến tài năng, làm giàu cho bản thân và cho Tổ quốc.

Khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức

Chương trình đối thoại mở đầu với chủ đề về “Khát vọng”: Khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và khoa học công nghệ, khát vọng lập thân lập nghiệp…

“Trong thời gian tới Trung ương Đoàn có những giải pháp gì để hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong các nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình không gian sáng tạo trẻ trong nhà trường, để tạo ra nhiều sản phẩm mang tính trí tuệ, công nghệ cao của thanh niên, sinh viên?”, anh Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đoàn trường THPT Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, đặt câu hỏi:

Toàn cảnh buổi giao lưu với các điểm cầu trong và ngoài nước.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn phối hợp với ngành giáo dục, ngành LĐTB&XH để có đồng hành, hỗ trợ trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ. Đến nay, sự phối hợp đó ngày càng hiệu quả hơn.

Năm 2021, Trung ương Đoàn có chương trình phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH với 5 nhóm vấn đề tập trung triển khai. Đó là, tuyên truyền vận động để thanh thiếu nhi nhận thức được vai trò của việc học, nhất là trong giai đoạn khoa học công nghệ hiện nay. Không chỉ các bạn, chúng tôi – những người đang đối thoại các bạn, cũng phải học hàng ngày.

Tạo môi trường thuận lợi, đủ đầy hơn để đoàn viên, thanh-thiếu nhi về điều kiện học tập, cơ hội tiếp cận giáo dục. Như thời gian qua chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình giúp các bạn trẻ tiếp cận việc học tập như chương trình “Sóng, máy tính cho em”, trang bị không gian đọc, không gian sáng tạo, hỗ trợ các gói học bổng, thư viện cho em…

Chúng tôi có kiến nghị trên cơ sở đề xuất của thanh-thiếu nhi đến ngành giáo dục để đổi mới phương pháp giáo dục học tập để theo hướng người học là trung tâm. Trong 3 năm vừa qua, nhiều không gian sáng tạo được thành lập trong trường học.

Tổ chức những giải thưởng tôn vinh, sân chơi khoa học sáng tạo để phát huy sức sáng tạo, kết nối biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, cũng như cổ vũ niềm đam mê sáng tạo của các bạn trẻ. Tổ chức Đoàn phải tạo được cơ chế đồng hành với các bạn để đưa kết quả nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo được phô diễn trên không gian số như app Thanh niên Việt Nam.

Hãy lên nói lên tiếng nói của mình

Chương trình đối thoại nhận được câu hỏi từ thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Bạn Nguyễn Thảo Nhi, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore, đã đặt câu hỏi cho Bí thư qua hình thức trực tuyến: “Làm thế nào để có thể cổ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa. Ngoài ra Trung ương Đoàn làm cách nào để ngày càng có nhiều thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc?

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Cách đây 12 năm trong chương trình đối thoại của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có một câu hỏi tương tự như thế này. Khi đó đồng chí Nguyễn Minh Triết cho biết, Đảng, Nhà nước cũng có rất nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc.

“Theo tôi, khi bạn đã có tinh thần và khát vọng cống hiến, thì dù bạn ở đâu cũng có thể cống hiến. Hiện Trung ương Đoàn có tới 21 tổ chức đoàn tại nước ngoài, mạng lưới tri thức trẻ sinh viên toàn cầu lên tới 10.000 người. Đây là những cơ chế quan trọng để chúng tôi chia sẻ tình hình thanh niên trong nước với nước ngoài, đồng thời tiếp nhận những đóng góp của các bạn trẻ nước ngoài cho tổ chức đoàn trong nước”.

Đặc biệt, từ năm 2018, Trung ương Đoàn cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức thường niên diễn đàn “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu”, với mong muốn để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.

Diễn đàn “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu” là nơi các bạn có thể đóng góp, kết nối chuyển giao các đề án, đề tài, ý tưởng của các bạn trẻ nước ngoài cho các cơ quan trong nước.

Hiện việc quản lý diễn đàn “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu” đã được giao cho các bạn trẻ và đạt được rất nhiều thành tựu. Nhiều bạn trẻ ở nước ngoài đã có thể cống hiến, đề xuất ý kiến cho Trung ương Đoàn tạo nên nhiều thành tựu.

Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích các bạn đóng góp cho quốc gia, dù là ở trong và ngoài nước, không chỉ những bạn du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam

“Tôi cũng đã từng du học. Tôi thấy rằng không nên ngồi chờ thay đổi cơ chế, thay đổi chính sách mới về nước làm việc, mà hãy lên nói lên tiếng nói của mình để đóng góp, để xây dựng cơ chế mới phù hợp với nhu cầu của bạn thân, hay có thể ở nước ngoài mà vẫn đóng góp cho các cơ quan trong nước”.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn lưu ý, hiện nay, không nên giáo dục các bạn trẻ theo phương pháp dạy dỗ, 1 chiều, đẩy thông tin từ trên xuống, lôi các bạn đến hội trường đóng cửa nói từ sáng đến chiều sẽ không hiệu quả, thậm chí còn phản cảm.

Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Ngoại giao tham mưu với Chính phủ về các chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể hóa các quy định trong Luật Thanh niên năm 2020 về chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, chính sách đối với thanh niên có tài năng ở trong và ngoài nước; nghiên cứu đề xuất cổng thông tin dữ liệu về việc làm dành cho thanh niên Việt Nam ở ngoài nước có nhu cầu trở về nước công tác, làm việc; đồng thời hỗ trợ các bạn trong việc kết nối, cung cấp các thông tin cần thiết cho các bạn sinh viên ngoài nước có nhu cầu được trở về nước và cống hiến, đóng góp sức trẻ, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn lưu ý, hiện nay, không nên giáo dục các bạn trẻ theo phương pháp dạy dỗ, 1 chiều, đẩy thông tin từ trên xuống, lôi các bạn đến hội trường đóng cửa nói từ sáng đến chiều sẽ không hiệu quả, thậm chí còn phản cảm.

Khát vọng lập thân, lập nghiệp

Trước câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Thương, Bí thư Đoàn thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Phạm Thanh Sơn, Trường Trung cấp Kinh tế-kỹ thuật và du lịch tỉnh Ninh Bình về giải pháp giúp học sinh hướng nghiệp, có thể chọn đúng ngành nghề mình đã chọn và có việc làm đúng ngành được đào tạo, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2008, khi phối hợp với Bộ LĐTB&XH để xây dựng đề án về hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, thì có nhiều bạn học sinh tốt nghiệp THPT chưa định hình được tương lai nghề nghiệp, đôi khi chọn nghề ngẫu nhiên hoặc theo lời khuyên bố mẹ hoặc truyền thông gia đình… Đặc biệt, giai đoạn này, việc phân luồng giữa đi học đại học với cao đẳng, trung cấp nghề còn chưa cao.

Tuy nhiên, sau khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp, hiện tượng trên đã thay đổi nhiều. Hiện tỉ lệ phân luồng nghề nghiệp đã hơn 90%, lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT tốt hơn rất nhiều. Hàng năm, ngoài Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn, còn có nhiều đơn vị của Trung ương Đoàn như Báo Tiền phong, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ và chính các nhà trường đã có nhiều hoạt động định hướng và giáo dục nghề nghiệp từ sớm cho học sinh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp, trong đó, có sử dụng và hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo để kiểm tra xu hướng nghề nghiệp, sự phù hợp nghề nghiệp với học sinh cuối cấp THCS, THPT”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nói. “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học sinh THPT và học sinh THCS cuối cấp. Hoạt động này có phần thuận lợi hơn khi có sự ứng dụng công nghệ số, trên cơ sở dự báo nhân lực của đất nước. Bên cạnh đó là làm tốt hơn việc giới thiệu việc làm, trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng cuộc sống cho các bạn trẻ”.

Điều quan trọng nhất định hình nghề nghiệp cho thanh niên không chỉ là nhà trường, Đoàn thanh niên, mà còn có vai trò của gia đình, người thân và bản thân người thanh niên.

“Nhân diễn đàn hôm nay, tôi kêu gọi các bạn, bây giờ là kỷ nguyên mới, ngoài kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, thì phải chọn được con đường đi đúng phù hợp với đam mê, mong muốn đóng góp của mình. Không có đam mê, không có mong muốn khẳng định mình trong từng công việc nhỏ thì các bạn sẽ không có lựa chọn đúng đắn, phù hợp”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn bày tỏ.