BVR&MT – Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với nhiều chương trình, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) đã tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương khu vực miền núi phía bắc. Ðể KHCN luôn được coi là giải pháp then chốt, thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp, cần thêm các chính sách mang tính đột phá, các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN).
“Ðiểm nghẽn” cần tháo gỡ
Không chỉ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ ứng dụng KHCN ở lĩnh vực nông nghiệp, mà việc nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ KHCN nói chung ở Lai Châu cũng có những khó khăn đặc thù. Theo Giám đốc Sở KHCN Lai Châu, Dương Ðình Ðức, tỉnh Lai Châu luôn phải đối mặt với những biến đổi bất thường của thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: sạt lở, lũ lụt, mưa rét, hạn hán, sương muối. Trong mùa mưa bão năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 1.800 ha cây ăn quả bị thiệt hại do mưa đá, gió lốc, chính là nguyên nhân khiến một số mô hình cải tạo vườn cây ăn quả của Sở KHCN không thể đánh giá được kết quả ứng dụng. Ngoài ra, do điều kiện địa lý cho nên việc kêu gọi sự tham gia của các tổ chức khoa học đầu ngành từ dưới xuôi cũng khó hơn. Ðịa bàn rộng, đi lại khó khăn song định mức dành cho nghiên cứu khoa học vẫn chưa có cơ chế đặc thù ưu tiên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, cộng với nhận thức hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào các DTTS khiến nhiều nhà khoa học còn chưa mặn mà với việc nghiên cứu, đưa các ứng dụng KHCN vào khu vực này. Lai Châu có thế mạnh về phát triển cây dược liệu, cá nước lạnh, cây nông nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản, phát triển các sản phẩm đặc hữu ôn đới… Tuy nhiên, nhiều mô hình, sản phẩm sau chuyển giao còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, không nhân rộng được hoặc phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Có thể kể đến mô hình phát triển cây chanh leo ở huyện Tam Ðường được thử nghiệm ở sáu xã với mục tiêu sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhưng chất lượng quả của ba xã ở vùng sâu, vùng khó khăn đạt rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu do khâu chăm sóc và kỹ thuật thu hái. Ðáng kể là ở vùng đồng bào DTTS đặc biệt ít người, như vùng người Mảng, La Hủ… thì mô hình đều kém hiệu quả, ứng dụng KHCN hiện mới chỉ dừng ở việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi giúp cải thiện đời sống, thu nhập mà chưa tạo ra được sản phẩm hàng hóa hay vùng nguyên liệu phục vụ thị trường. Dự án hết, mô hình hết thì mọi thứ cũng dừng, không có hoặc có rất ít sự phát triển, tái đàn, tái sản xuất. Khó khăn trong việc nhân rộng sau khi dự án, hỗ trợ của chương trình kết thúc cũng diễn ra tại Ðiện Biên. Từ những dự án có tác động tích cực đến việc thay đổi tập quán canh tác, đến năng suất lao động, đời sống kinh tế của bà con, dễ nhận thấy hiệu quả khi các nhà khoa học thực hiện ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân, nhưng khi dự án kết thúc một thời gian, nhiều nơi quay lại phương thức sản xuất cũ. Theo các chuyên gia, nguyên nhân một phần là do một số bất cập, “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách đang cần khắc phục, nhất là việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ là người DTTS tham gia các hoạt động KHCN.
Ðánh giá về các chương trình, dự án dành riêng cho đồng bào DTTS tại Ðiện Biên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) thẳng thắn cho rằng: Khi áp dụng khoa học và tuân thủ đúng quy trình sản xuất, chăn nuôi, các mô hình đều cho hiệu quả rõ rệt cả về năng suất, chất lượng và sản lượng, song việc duy trì, nhân rộng mô hình lại chưa được quan tâm. Về nguyên nhân, Sở NN và PTNT Ðiện Biên chỉ rõ, một phần do phương thức hỗ trợ dàn trải; định mức hỗ trợ thấp trong khi việc duy trì các mô hình cần thời gian dài để đầu tư, nhất là với cây trồng dài ngày thì ngoài kinh phí, người dân rất cần thời gian tổ chức lại sản xuất, kết nối thị trường. Cùng với đó, có phần nguyên nhân do tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân khi được lựa chọn tham gia mô hình; một số người tích cực lại thiếu vốn đầu tư dài hạn và mở rộng quy mô. Có thể nói, các nhiệm vụ KHCN triển khai tại vùng đồng bào DTTS và MN do hạn chế về kinh phí cho nên việc triển khai, nghiên cứu, tiến độ và kết quả thực hiện bị ảnh hưởng. Hiện kinh phí ngân sách Nhà nước dành cho KHCN chỉ chiếm khoảng 0,5% ngân sách tỉnh, trong khi luật quy định ngân sách dành cho KHCN phải là 2% tổng ngân sách.
Trước những bất cập về cơ chế, chính sách, các địa phương như Lai Châu cũng có cơ chế hỗ trợ cho công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, mức hỗ trợ tối đa một lần không quá 500 triệu đồng cho một mô hình, nhưng hiện cũng rất ít doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận được. Từ khoa học đến ứng dụng thực tế cần có thời gian thử nghiệm nhất định cho nên nhiều doanh nghiệp cũng chọn lối đi tắt hoặc dựa vào kết quả, phương pháp khoa học đã có sẵn trước đó… Có thể nói, vẫn còn ít doanh nghiệp nông nghiệp và các doanh nghiệp có thế mạnh của vùng DTTS và MN theo kịp nhu cầu sản xuất để kết nối giữa KHCN và thị trường. Ðánh giá này được đưa ra tại hội thảo đóng góp ý kiến vào định hướng phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa vừa được Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức. Trong những năm qua, rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đặt hàng với nhà khoa học, chủ yếu nhà khoa học tự nghiên cứu và đề xuất. Chính quyền địa phương trong phạm vi quản lý chưa chủ động quan tâm đặt hàng với nhà khoa học mà phần lớn các đề xuất nhiệm vụ đều do các nhà khoa học tìm đến các sở, ngành…
Biến khó khăn thành cơ hội phát triển
Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động ứng dụng KHCN vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, ở khu vực miền núi phía bắc chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Theo Bộ KHCN, số lượng dự án phê duyệt phụ thuộc vào mục tiêu, nội dung của Chương trình Nông thôn miền núi và tình hình ngân sách bố trí hằng năm cho nên chỉ đáp ứng được một số lượng nhất định đề xuất dự án từ địa phương. Ðể Chương trình KHCN phục vụ nông thôn miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện hiệu quả, Thứ trưởng KHCN Nguyễn Hoàng Giang cho biết: “Các Sở KHCN cần tăng cường hơn nữa vai trò tham mưu cho UBND các tỉnh/thành phố trong việc đề xuất dự án để bảo đảm lựa chọn trúng các vấn đề cấp thiết tại địa phương, lựa chọn đúng đơn vị có năng lực thực hiện dự án. Xây dựng dự án phải chủ động được từ khâu sản xuất giống, vùng nguyên liệu, chế biến ra sản phẩm cuối cùng và phải gắn với thị trường tiêu thụ nhằm ổn định sản xuất. Các mô hình phải phát huy tối đa các lĩnh vực là thế mạnh của các địa phương”. Ðể hoạt động KHCN thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường, góp phần tạo bước đột phá trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và MN, trong thời gian tới, Bộ KHCN cùng các bộ, ngành xây dựng, điều chỉnh các chính sách để triển khai tốt nhiệm vụ của Nghị quyết số 88/2019/QH14 “Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS và MN để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc” và Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp ứng dụng KHCN trong thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030.
Ðối với các địa phương, lựa chọn các giải pháp đột phá dựa trên những thế mạnh, lợi thế của mình, thông qua việc thực hiện tập trung nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Khắc phục “điểm nghẽn” khi triển khai các mô hình khuyến nông áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, Ðiện Biên chủ động rà soát, ban hành chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, nghiên cứu đề tài thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chuyên môn, Sở NN và PTNT đề nghị chủ động tham gia nghiên cứu, xây dựng các đề tài, dự án khoa học – kỹ thuật để triển khai; đổi mới phương thức xây dựng mô hình trình diễn; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực về tổ chức và quản lý sản xuất cho người dân, tổ hợp tác sản xuất, HTX và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ ở Ðiện Biên mà tại các địa phương như Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu…, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trong đó khuyến khích liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, vừa bao tiêu được sản phẩm đầu ra, vừa tạo ra được vùng nguyên liệu hàng hóa và quan trọng hơn là mối liên kết đó bền vững hơn. Trong quá trình liên kết, doanh nghiệp sẽ đầu tư sâu hơn cho người dân về quy trình kỹ thuật, ứng dụng KHCN vào sản xuất chính những sản phẩm mà thị trường cần. Ngoài ra, một số địa phương hạn chế trực tiếp tham gia thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng KHCN mà đổi lại, tạo điều kiện thuận lợi, đứng ra làm cầu nối cho các doanh nghiệp, HTX và người dân liên kết với nhau để thực hiện các mô hình. Kinh phí, kỹ thuật do doanh nghiệp, HTX lo, đất và nhân công do người dân đóng góp. Những mô hình đã phát huy hiệu quả tại huyện Tam Ðường và Phong Thổ (Lai Châu) có thể là bài học kinh nghiệm cho triển khai thực tế tại nhiều nơi ở các tỉnh miền núi phía bắc, nơi có đông đồng bào DTTS.
Cách làm của Bắc Kạn cũng đáng chú ý khi tỉnh tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm về mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch, phát triển thêm các chỉ dẫn địa lý… Bên cạnh đó, việc chọn, đặt hàng, xét duyệt được thực hiện chặt chẽ, đi đôi với việc xây dựng quy chế ứng dụng, nhân rộng (lựa chọn các HTX, nhóm hộ, tổ hợp tác tham gia nghiên cứu, ứng dụng để họ có thể áp dụng được ngay). KHCN là một trong những động lực cho tăng trưởng, phát triển nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội, được Bắc Kạn phê duyệt trong Ðề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2035. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Kạn hiện tập trung giải ngân, cho 30 lượt HTX được vay vốn với tổng số tiền vay là hơn 3,3 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động ứng dụng KHCN thông qua các HTX, tổ hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu. Giám đốc Sở KHCN Bắc Kạn, Ðỗ Thị Hiền cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 40% số sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC.
Bài toán giải quyết thực trạng khó khăn khi nhân rộng các mô hình được các địa phương đồng tình và nỗ lực thực hiện, đó là sự chung tay hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn của bốn nhà (nhà quản lý – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông). Theo Bộ KHCN, trong mối liên kết giữa các bên, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng thúc đẩy thành công ứng dụng KHCN, từ tiếp cận các công nghệ mới, lập kế hoạch sản xuất, mô hình tổ chức kinh doanh, đến đầu tư cơ sở hạ tầng và huy động vốn, đầu mối thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp ứng dụng KHCN cần được tháo gỡ. Ðể khắc phục những khó khăn, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, cách làm mà nhiều địa phương miền núi phía bắc đang làm là hướng dẫn người dân từng bước thay đổi nhận thức, tiếp tục thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Ðây cũng là cách nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa… Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc và gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… trên địa bàn.