Khó như tìm nhà mới cho tê giác Java

BVR&MT – Vườn quốc gia Ujung Kulon thuộc huyện Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia là sinh cảnh cuối cùng của tê giác Java. Đây thực sự là ngôi nhà tự nhiên lý tưởng cho khoảng 67 cá thể một sừng còn lại. Tuy nhiên, mối đe dọa từ núi lửa và sóng thần tại khu vực này đã đặt ra bài toán khó cho các nhà bảo tồn, đó là việc tìm kiếm “ngôi nhà” thứ hai cho tê giác Java.

Một lịch sử lâu dài đã tô màu cho cuộc hành trình của loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng này, từ vùng đất ban đầu qua miền đông Ấn Độ, Bangladesh, lục địa Đông Nam Á đến những cá thể cuối cùng còn lại ở bán đảo Ujung Kulon nằm trên mũi phía Tây của đảo Java, Indonesia.

Các loài động vật sống trong những vùng đất bị thu hẹp nhanh như tê giác Java được gọi là “cổ sinh vật” và dễ bị tuyệt chủng hơn cả những loài đặc hữu có sinh cảnh hạn chế. IUCN xếp tê giác Java (Rhinoceros sondaicus) vào nhóm cực kỳ nguy cấp hoặc chỉ một bước nữa là tuyệt chủng.

Các nhà bảo tồn trong Vườn quốc gia Ujung Kulon (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay).

Vụ phun trào lớn ở núi Anak Krakatau xảy ra vào cuối 2018 đã gây ra một cơn sóng thần ập vào bờ eo biển Sunda, tác động mạnh vào một phần của Vườn quốc gia Ujung Kulon. May mắn là quần thể tê giác vẫn an toàn. Mặc dù bị nhiều rủi ro bủa vây, song Ujung Kulon vẫn là ngôi nhà lý tưởng cho loài tê giác.

Bán đảo được bao bọc bởi eo biển Sunda ở phía bắc và Ấn Độ Dương ở phía nam. Năm 1980, khu vực này được đề xuất thành lập vườn quốc gia  nhưng 12 năm sau mới chính thức được công nhận, tổng diện tích của Vườn khoảng 1.230 km2.

Bán đảo được chia thành ba phần bao gồm những ngọn núi nằm ở phía tây các con sông Cibunar và Ciujungkulon; khu vực giữa rộng lớn với những ngọn đồi và vùng đất thấp trải dài từ phía đông bắc đến phía nam; khu vực đầm lầy thủy triều ở phía bắc rừng ngập mặn kéo dài từ Jamang về phía đông, sát với eo đất ở Tanjug Telereng.

Các con sông chính ở Ujung Kulon được phân biệt bởi hai kiểu dòng chảy. Những dòng sông bắt nguồn từ các ngọn đồi xung quanh đỉnh Payung và đỉnh Cikuya có dòng chảy khá xiết trong khi những dòng sông khác bắt nguồn từ đỉnh Talenca. Hầu hết các con sông đều không bao giờ cạn trong suốt cả năm.

Thông tin cho thấy bán đảo Ujung Kulon đã không có người ở kể từ vụ phun trào ở Krakatau vào năm 1883. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 20, sự hiện diện của con người bao phủ khắp đồng cỏ ở một số vùng phía bắc, bao gồm Nyiur, Jamang, Cikuya và Cidaon. Điều này ảnh hưởng đến cấu trúc của thảm thực vật cũng như hoạt động tìm kiếm thức ăn của nhiều loài động vật khác nhau.

Mặc dù có nhiều biến cố về tự nhiên, xã hội, song Ujung Kulon là khu rừng nguyên sinh dường như chưa bao giờ bị xáo trộn.

Khu rừng nhiệt đới này là sinh cảnh tự nhiên cuối cùng của tê giác Java – nơi có đủ loại cây ăn được dành cho tê giác, bao gồm năm loại thảm thực vật phức tạp là rừng ven biển, rừng đầm lầy nước ngọt, rừng mưa nhiệt đới đất thấp, đồng cỏ, và các loài thực vật được đưa đến.

Việc tìm một sinh cảnh thứ hai cho tê giác Java bên ngoài ngôi nhà tự nhiên của chúng ở Ujung Kulon vì vậy không hề dễ như một số chuyên gia và nhà hoạt động bảo tồn vẫn nghĩ. Đó là chưa kể đến khu vực sinh cảnh thứ hai phải được nghiên cứu dựa trên suy xét hành vi tự nhiên của tê giác Java. Sinh cảnh hiếm hoi đó phải thực sự đảm bảo cho tê giác Java được an toàn, thoải mái và có thể sinh sản.

Nhật Anh (Theo Mongabay.com)