Khó giải tỏa các đối tượng lấn chiếm rừng đặc dụng Nam Ka

BVR&MT – Những năm qua, tình trạng người dân vào rừng đặc dụng Nam Ka nằm trên địa bàn huyện Krông Ana và Lắk, tỉnh Đắk Lắk để lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái phép và mua bán, sang nhượng đất canh tác ngày càng gia tăng. Đặc biệt, một số hộ dân đã lấn chiếm trồng các cây công nghiệp lâu năm trong rừng đặc dụng như cà phê, hồ tiêu, điều… nhưng công tác kiểm tra, xử lý, giải tỏa đưa các hộ dân này ra khỏi rừng đặc dụng của Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Nam Ka và chính quyền địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Rừng đặc dụng Nam Ka tại tiểu khu 1023 bị các đối tượng chặt phá để lấy đất sản xuất.

Theo kết quả kiểm tra, rà soát mới nhất của UBND huyện Krông Ana tại khu vực Láng Ma thuộc rừng đặc dụng Nam Ka nằm trên địa phận xã Bình Hòa, huyện Krông Ana hiện có 51 hộ dân lấn chiếm đất rừng đặc dụng để sinh sống và trồng cây nông nghiệp, tăng chín hộ so với kết quả rà soát vào tháng 10-2017. Diện tích bị lấn chiếm lên tới 198,2 ha, tăng 11,4 ha so với tháng 10-2017. Trong đó, diện tích đã trồng cà phê là 46,81 ha; trồng điều là 5,18 ha; trồng cà phê xen canh hồ tiêu, điều, bơ là 19,52 ha; còn lại 115,7 ha chủ yếu là cây ngắn ngày canh tác một vụ như lúa nước, ngô, khoai lang, sắn, trong đó sình lầy và ao tích nước là 7,92 ha. Phần lớn diện tích này được khai phá sản xuất trước năm 2006.

Trong khu vực này người dân đã dựng lên 32 chòi, nhà tạm, chủ yếu là nhà gỗ lợp tôn có diện tích từ 10 đến 40m2 để ở và sản xuất, trong đó có hai căn nhà xây, mái lợp tôn diện tích 30 và 40 m2.

Qua kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng huyện Krông Ana và BQL rừng đặc dụng Nam Ka còn phát hiện tại tiểu khu 1023 rừng đặc dụng Nam Ka có bốn điểm phát rừng, đốt rừng xảy ra trong tháng 2 và tháng 4-2018, với tổng diện tích rừng bị đốt phá, lấn chiếm là 6,55 ha, nhưng chưa phát hiện được đương sự. Ngày 8-5, các đối tượng tiếp tục đốt dọn các diện tích đã phát trước đó làm cháy lan rừng le tái sinh với tổng diện tích 2,9 ha. Trước đó, BQL rừng đặc dụng Nam Ka cũng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hai trường hợp đưa máy xúc vào rừng đặc dụng để đào ao trữ nước tưới cây trồng.

Trên kết quả kiểm tra, rà soát này, UBND huyện Krông Ana đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện, Công an huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện, UBND xã Bình Hòa phối hợp với BQL rừng đặc dụng Nam Ka tiến hành điều tra, xác minh hiện trạng, kiểm đếm số lượng cây bị chặt hạ, thu thập các thông tin liên quan để điều tra và xử lý theo quy định. Đối với diện tích rừng bị cháy 2,9 ha, UBND huyện yêu cầu BQL rừng đặc dụng Nam Ka tiếp tục điều tra rõ để xử lý. Trước mắt tập trung lực lượng ngăn chặn, không cho người dân vào trồng cây hoa màu trên diện tích đất này để tái sinh thảm thực vật vùng đệm cho rừng đặc dụng.

Đối với 51 hộ dân sinh sống và trồng cây nông nghiệp trên lâm phần quản lý của BQL rừng đặc dụng Nam Ka với diện tích 198,2 ha, theo UBND huyện Krông Ana phần lớn diện tích này được khai hoang sản xuất từ năm 2006 trở về trước. Các hộ dân lấn chiếm đất ở đây là hộ nghèo thiếu đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay huyện không có quỹ đất để bố trí sau khi cưỡng chế di dời các hộ dân trên.

Hơn nữa, trong tình hình hiện nay nếu cưỡng chế, phá bỏ diện tích canh tác trên, người dân dễ bị kích động gây mất ổn định an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Do đó, biện pháp hiện nay mà huyện Krông Ana và BQL rừng đặc dụng Nam Ka thực hiện chỉ là tăng cường công tác quản lý rừng đặc dụng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai của Đảng, Nhà nước, vận động người dân không canh tác, lấn chiếm đất lâm nghiệp; tổ chức cho người dân ký cam kết không lấn chiếm đất rừng trái phép… UBND huyện Krông Ana cũng đã báo cáo thực trạng này cho UBND tỉnh Đác Lắc và Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh để có hướng chỉ đạo xử lý phù hợp.

Rừng đặc dụng Nam Ka có tổng diện tích tự nhiên 20.678 ha, là vùng núi cao hiểm trở, địa hình phức tạp được bao bọc bởi sông Krông Nô. Do địa hình nằm ở khu vực chuyển tiếp từ núi cao đến đồi gò, đồng cỏ, đầm hồ, sông suối tạo nên một vùng sinh thái đặc sắc nên có đủ các kiểu thảm thực vật, là môi trường sống lý tưởng của nhiều loài động, thực vật rừng. Ở đây có các kiểu rừng chủ yếu là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, rừng kín lá rộng nửa rụng lá nhiệt đới, rừng thứ sinh tre, nứa… Hệ sinh vật rừng Nam Ka có 586 loài thực vật bậc cao, 140 loài chim, 56 loài thú, 50 loài lưỡng cư, bò sát và nhiều loài cá nước ngọt, đặc biệt còn có một số loài thú quý hiếm như: cầy giông, gà lôi, gà tiền, cu li nhỏ…

Bên cạnh đó, trong khu vực rừng đặc dụng Nam Ka có hệ thống nước mặt rất phong phú với sông Krông Nô bao bọc ở phía tây và nam, hàng chục con suối và ba hồ tự nhiên lớn, gồm: Hồ Ea Boune có diện tích hơn 79 ha, hồ Ea Tyr có diện tích 132 ha và hồ Ea R’bin có diện tích 235 ha. Rừng đặc dụng Nam Ka giữ vai trò bảo vệ các hệ sinh thái rừng, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài đặc hữu; bảo vệ rừng đầu nguồn các con sông, suối lớn như sông Sê-rê-pốc; điều hòa và cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa nước ở hai vùng trọng điểm sản xuất lúa nước của tỉnh Đắk Lắk là huyện Krông Ana và Lắk.

Với hệ sinh thái phong phú và đặc trưng đó, rừng đặc dụng Nam Ka cần được bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế sự tác động của con người. Tuy nhiên, ở khu vực này có công trình thủy điện Buôn Tua Srah, công suất lắp máy 86 MW, dung tích hữu ích của hồ chứa khoảng 430 triệu m3 đi vào hoạt động từ năm 2011.

Giám đốc BQL rừng đặc dụng Nam Ka Nguyễn Văn Nhật cho biết: Trong những năm qua, cùng với tình trạng người dân vào lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng để lấy đất sản xuất ngày càng gia tăng, thì hoạt động của nhà máy thủy điện này đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của rừng, thay đổi dòng chảy sông, suối và khả năng điều hòa nguồn nước khiến một số loài động, thực vật biến mất hoặc bị suy giảm về số lượng.

Bên cạnh thủy điện Buôn Tua Srah, một công trình khác cũng đang được xây dựng gần rừng đặc dụng Nam Ka là thủy điện Chư Pông Krông. Sau khi nhà máy thủy điện này đi vào hoạt động cũng sẽ ít nhiều tác động tiêu cực đến sinh cảnh, dòng chảy, hệ sinh thái của rừng đặc dụng Nam Ka.

Thời gian qua, BQL rừng đặc dụng Nam Ka đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng người dân vào lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác rừng trái phép để lấy đất sản xuất. Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, do diện tích rừng đặc dụng Nam Ka trải dài trên địa bàn sáu xã thuộc hai huyện Lắk và Krông Ana. Nhiều khu vực có địa hình phức tạp, hiểm trở. Bên cạnh đó, xung quanh rừng đặc dụng Nam Ka có khoảng 20 nghìn hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Ea R’bin, Đắk Nuê, Nam Ka của huyện Lắc và Bình Hòa, huyện Krông Ana sinh sống bao đời nay.

Do tập quán canh tác du canh của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và những năm gần đây dân di cư tự do từ các nơi đổ về làm ăn sinh sống ngày càng đông, trong đó nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất nên kéo nhau vào rừng đặc dụng để lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái phép lấy đất sản xuất khiến áp lực giữ rừng gia tăng. Đặc biệt là công tác cưỡng chế, giải tỏa di dời các hộ dân đã sinh sống, sản xuất trong rừng đặc dụng ra ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề này cần có sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh chứ chỉ riêng BQL rừng đặc dụng và chính quyền địa phương thì khó thực hiện được.