Khí thải CO2 sẽ là nguồn nhiên liệu trong tương lai

BVR&MT – Phải mất tới hàng trăm triệu năm để thiên nhiên sản sinh ra nhiên liệu hóa thạch. Trước nguy cơ khan hiếm nguồn năng lượng, các nhà khoa học đang tìm cách tận dụng lại khí thải CO2 để sản xuất nhiên liệu cho tương lai.

Trong tương lai, nguồn khí thải CO2 có thể sử dụng để tạo ra nhiên liệu. (Ảnh: cwizner)

Để hạn chế những tác động từ biến đổi khí hậu, trái đất cần phải giảm đáng kể nguồn thải CO2 do các hoạt động của con người, vốn đang duy trì ở mức 32 metric gigaton. Cùng với những nỗ lực trực tiếp giảm phát thải CO2, các nhà khoa học đang tìm tòi phương pháp thu giữ carbon từ các nguồn thải như nhà máy nhiệt điện than, và tận dụng trong các quy trình công nghiệp khác, gọi tắt là phương pháp CCU (carbon capture and utilisation).

Một ứng dụng của phương pháp CCU là tạo ra các chất hóa dầu như khí đốt. Trong đó, CO2 được hydro hóa để tạo ra khí đốt thay vì sản xuất trực tiếp từ nhiên liệu hóa thạch.

Một phương pháp áp dụng hiệu quả hơn phản ứng hydro hóa mới đây đã được giới thiệu trên tạp chí Nature Communication. Một nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Trung Quốc đã tìm ra một hợp chất xúc tác đa năng mới có khả năng biến CO2 và hydro thành khí đốt.

Trong những thử nghiệm trước đó, chỉ chưa tới một nửa lượng hydrocarbon thu được có thể sử dụng cho các phương tiện vận tải. Thế nhưng, hợp chất xúc tác do các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm ra lại có thể sản sinh tới 78% hydrocarbon tương đương với khí gas.

Ge Qingjie, một trong các tác giả khẳng định đây không chỉ là một bước tiến về mặt kĩ thuật mà còn là đột phá về mặt thương mại.

Tuy nhiên, theo nhà khoa học Jiang Kejuan tại Viện nghiên cứu Năng lượng, quy trình hoạt hóa và hydro hóa CO2 thành khí đốt có thể gặp trở ngại bởi CO2 là một lượng tử trơ và ổn định. Vì vậy, cần một lượng năng lượng đáng kể để tăng nhiệt độ và áp suất cần thiết. Nếu áp dụng ở quy mô công nghiệp, quy trình hydro hóa sẽ tiêu tốn khá nhiều năng lượng, do đó hiệu quả tổng thể có thể sẽ không đáng kể.

Ông Ge Qingjie cũng thừa nhận, mặc dù công nghệ mới sử dụng hợp chất và các công cụ khá gần với ngành công nghiệp hóa dầu, giá thành và mức độ sẵn có của khí hydro cũng là một hạn chế lớn. Vì vậy, quy trình này có thể chỉ phù hợp trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như ở những nơi có nguồn hydro rẻ và phát thải CO2 cao.

Vẫn còn nhiều chướng ngại khác như cần sử dụng các nguyên liệu thô thực sự nguyên chất. Nếu các nhà khoa học có thể giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng, công nghệ mới này có thể sẽ được đưa vào thực tiễn trong vòng 5 năm tới.

Ngân Kim (Theo Chinadialogue)

Tags:
CHIA SẺ