Khi nước về với xã nghèo Ayun

BVR&MT – Từ một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, với tỷ lệ hộ nghèo trên 75% vào năm 2016, đến nay xã Ayun, huyện Chư Sê đã vươn lên mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 13,8%. Để có được “cú hích” đó là nhờ sự quan tâm, đầu tư đồng bộ các công trình phúc lợi dân sinh của các cấp chính quyền, trong đó có công trình thủy lợi Plei Keo. Từ đó xã Ayun đã giải được bài toán thủy lợi, giúp người dân canh tác lúa 2 vụ, tạo tiền đề tăng thu nhập, thoát nghèo.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai vào tháng 4/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất trăn trở về những khó khăn của người dân ở xã Ayun. Sau khi xem xét các đề xuất của lãnh đạo địa phương, Tổng Bí thư thống nhất tiếp tục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo tại xã Ayun; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành tính toán, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Gia Lai đẩy nhanh triển khai dự án, tạo điều kiện cho bà con có nước sinh hoạt, sản xuất để vươn lên, đưa xã Ayun thoát nghèo.

Già làng Đinh A Nhu đang vận động người dân trong làng cố gắng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Xã đặc biệt khó khăn

Toàn xã Ayun hiện có 6 thôn, làng, đồng bào DTTS chiếm 97%, đa số là người Gia Rai và Ba Na. Ayun cách trung tâm huyện Chư Sê chỉ chừng 19km, nhưng lại biệt lập như một “ốc đảo”. Già làng Đinh A Nhu (làng A Chông), cho biết, Ayun vẫn còn nghèo lắm. Vì điều kiện khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm, nên người dân chỉ trồng được lúa 1 vụ theo phương thức trọc trỉa và trồng thêm các loại cây ngắn ngày như sắn, bắp nhưng năng suất thấp, nên vẫn còn đói ăn vào mùa giáp hạt. Ngoài ra, cái đói nghèo ở Ayun còn do người dân chưa mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm , còn thụ động trong cách làm kinh tế.

Theo bà Phạm Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun, thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm phần lớn ở Ayun là do trình độ dân trí còn thấp, các phong tục tập quán còn lạc hậu. Từ bao đời nay, bà con chỉ biết trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Mặt khác, vì thiếu nước tưới, việc làm nông nghiệp của bà con chỉ trông vào nguồn nước trời, nên chỉ trồng được lúa một vụ. Cũng bởi lẽ đó, sự đói nghèo vẫn luôn thường trực trên mỗi nếp nhà ở xã Ayun.

Để giúp người dân vươn lên phát triển, chính quyền huyện Chư Sê và xã Ayun đã dồn mọi nguồn lực, trong đó có hỗ trợ các giống cây trồng như bắp, mì… để người dân làm ăn. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Từ sự bất lợi của khí hậu, sự thụ động trong cách làm kinh tế, và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đời sống của người dân của Ayun trong suốt một thời gian dài luôn trong cảnh đói nghèo, lạc hậu. Theo báo cáo của UBND xã Ayun, năm 2016, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THCS lên cấp PTTH, học nghề… chỉ chiếm 23%; nhà dột nát chiếm 14,9% toàn xã; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 75%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,52 triệu đồng/người…

“Cú hích” quan trọng

Để tháo gỡ những khó khăn, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ để giúp người dân xã Ayun vươn lên phát triển. Đặc biệt, một “cú hích” quan trọng đưa xã Ayun phát triển vượt bậc trong vài năm trở lại đây, đó là việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo dẫn nước về giúp Nhân dân xã Ayun có nước để trồng lúa 2 vụ, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhờ có công trình thủy lợi Plei Keo mà người dân xã Ayun có thể mở rộng diện tích canh tác và làm lúa 2 vụ để vươn lên thoát nghèo. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Nhờ có công trình thủy lợi Plei Keo, người dân xã Ayun đã mở rộng được diện tích lúa 2 vụ. Nếu trước đây diện tích gieo trồng của toàn xã chỉ khoảng 35 – 40ha, thì vụ đông xuân 2020 – 2021 đã tăng lên 107ha. Ngoài “cú hích” quan trọng là nguồn nước dồi dào của công trình thủy lợi Plei Keo, huyện Chư Sê và xã Ayun cũng tập trung các nguồn lực từ Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), xây dựng Đề án phát triển KT-XH và xây dựng NTM cho xã Ayun giai đoạn 2017 – 2020, với kinh phí hơn 44 tỷ đồng.

Trong giai đoạn vừa qua, Đề án đã hỗ trợ giống lúa, giống cây ăn quả, cây điều, phân bón; hỗ trợ 25 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất nhằm giảm công sức lao động của Nhân dân và tăng năng suất. Hỗ trợ 142 chiếc thuyền, 710 tấm lưới đánh bắt cá; hỗ trợ 235 con bò cái giống; mở 12 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân về cây trồng, vật nuôi cho 600 học viên. Ngoài các loại cây trồng chủ lực, Đề án cũng đã hỗ trợ bà con đã mở rộng thêm được 30,5 ha cây ăn quả.

Chia sẻ về sự phát triển của Ayun, bà Phạm Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: “Hiện tại cơ sở hạ tầng ở xã Ayun đã được đầu tư đồng bộ, kênh mương nội đồng được đầu tư đưa nước về đồng ruộng, giúp người dân mở rộng diện tích canh tác. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 13,8%; thu nhập 30,56 triệu đồng/người. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế để giúp người dân vươn lên phát triển”.

Xã Ayun được biết đến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê và tỉnh Gia Lai. Với gần 100% là đồng bào DTTS, đời sống con gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian qua huyện đã tập trung mọi nguồn lực, các chương trình, dự án hỗ trợ người dân vươn lên mạnh mẽ. Bà Rmah H’Bé Nét, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho hay.