BVR&MT – Không thể phủ nhận vai trò tối quan trọng của cây đối với các hệ sinh thái tự nhiên. Một khu rừng khỏe mạnh có thể giữ nước để chống hạn, cung cấp thức ăn cho động vật và con người, đồng thời lưu giữ cacbonic để bầu khí quyển trong lành hơn. Tuy nhiên, cây cối đang bị chặt hạ trên quy mô lớn. Một nghiên cứu năm 2015 cho biết có khoảng 46% số cây trên hành tinh đã bị đốn hạ kể từ khi bắt đầu nền văn minh nhân loại và hiện thế giới chỉ còn khoảng 3 nghìn tỷ cây.
Sự suy tàn của những cánh rừng là động lực chính thôi thúc nhiều sáng kiến và quan điểm ủng hộ tái trồng rừng. Các sáng kiến đều có phạm vi rất xa và rộng, từ việc thiết kế các ứng dụng trồng cây cho người dùng cho đến các nỗ lực quốc tế quy mô như Thách thức Bonn với mục tiêu phục hồi 350 triệu ha rừng vào năm 2030 hay cam kết trồng 210 triệu ha cây xanh của các chính phủ và cơ quan trên thế giới. Điều này cho thấy trồng cây ngày càng được xem là một phương thức hiệu quả giúp hấp thụ khí thải carbon của thế giới.
Hiện có hai phương pháp tái trồng rừng chính để đáp ứng các mục tiêu toàn cầu là trồng cây và tái sinh tự nhiên (rừng được phục hồi tự nhiên, đôi khi có sự hỗ trợ của con người). Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên bối cảnh, nguồn lực và ưu nhược điểm của từng phương pháp.
Trồng cây
Trồng cây để hỗ trợ phục hồi rừng là một chủ đề gây tranh cãi. Một số nhấn mạnh trồng cây có thể giúp thẩm thấu bể khí nhà kính do con người tạo ra nhưng một số khác cho rằng trồng cây thường dẫn đến việc trồng độc canh các loài không phải bản địa có thể gây hại cho hệ sinh thái địa phương nếu không được thực hiện cẩn trọng.
Theo báo cáo năm 2019 do tác giả Thomas Crowther thuộc Viện Kỹ thuật liên bang Zurich (ETH Zurich) phụ trách, có khoảng 1,7 tỷ ha đất – xấp xỉ bằng diện tích của Hoa Kỳ – có thể được trồng với 500 tỷ cây, giúp giảm khoảng 2/3 lượng khí thải carbon do con người thải ra kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tuy nhiên, ngày càng nhiều báo cáo cảnh báo về các chính sách khuyến khích các nỗ lực trồng cây được quản lý và thiết kế kém cũng như việc đánh giá quá cao khả năng lưu trữ carbon của cây.
Các nhà khoa học lâm nghiệp đã phản hồi mạnh mẽ quan điểm đa diện này với thông điệp về nguyên tắc cơ bản để trồng cây thành công, trong đó nhà khoa học Ramni Jamnadass thuộc Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm quốc tế (ICRAF) nói một cách ngắn gọn rằng: “Hãy trồng đúng cây, đúng chỗ và đúng mục đích”.
Trồng cây có thể được thực hiện dưới các hình thức rừng trồng, đồn điền, trồng xen canh cây nông nghiệp kết hợp chăn nuôi thông qua mô hình nông lâm kết hợp hoặc chăn nuôi dưới tán rừng. Mỗi loại hình có một mục đích khác nhau và mang lại lợi ích khác nhau, chẳng hạn như sự trở lại của đa dạng sinh học thông qua rừng trồng, nguồn cung cấp lương thực linh hoạt hơn nhờ phương thức nông lâm kết hợp, gỗ có thể hỗ trợ nhanh hơn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sinh học thông qua các đồn điền và lý tưởng hơn là giúp giảm áp lực khai thác lên rừng tự nhiên.
Manuel Guariguata, nhà khoa học về sinh thái rừng nhiệt đới và quản lý rừng để sản xuất và bảo tồn tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) cho biết Thách thức Bonn sẽ xem xét kết hợp các biện pháp can thiệp. Trong đó, trồng cây có lẽ là biện pháp cho kết quả nhanh nhất và là lựa chọn yêu thích vì bạn có thể kiểm soát những gì bạn trồng. Tuy nhiên, ông giải thích thêm rằng: “Bạn cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và lưu ý các chi phí khởi điểm như vườn ươm, phân bón, thậm chí cả hạt giống và cây con. Bạn có thể cần vận chuyển cây giống từ địa điểm này đến địa điểm khác và nếu bạn không [đầu tư vào cơ sở hạ tầng] tốt, cây giống của bạn sẽ chết khi chúng đến [địa điểm trồng] bởi những rung động cơ học trong ô tô hoặc xe tải”.
Bất chấp những thách thức, trồng cây còn có thể góp phần tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thông qua việc tạo ra việc làm. Tuy nhiên, Guariguata cho rằng đầu tư vào người dân địa phương mới là yếu tố quan trọng hơn cả bởi họ là lực lượng chính chăm sóc, duy trì cây cũng như áp dụng các kiến thức về cảnh quan trong trồng trọt nhằm đảm bảo sự sống còn của cây.
Song song với hoạt động trồng cây thủ công, các công nghệ mới cũng đang được phát triển để có thể trồng cây hiệu quả trên quy mô lớn. Lauren Fletcher, nhà phát minh công nghệ gieo hạt giống bằng máy bay không người lái đã lưu ý trong một diễn đàn kỹ thuật số gần đây về trồng cây rằng máy bay không người lái có thể phát tán hạt giống hoặc quả bóng hạt giống (gồm một hoặc nhiều loại hạt được cuộn trong một quả bóng bằng đất) trên một khu vực theo một mô hình cụ thể, có khả năng trồng tới 400.000 cây mỗi ngày và có thể sử dụng hàng trăm máy bay không người lái để trồng cùng lúc.
Dù có nhiều ưu điểm như vậy, song cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về cảnh quan, cách trồng cây và rủi ro lâu dài của chúng cũng cần được tính đến. Năm 2016, thị trấn Fort McMurray của Canada từng hứng chịu trận cháy rừng kinh hoàng đã trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử nước này. Khi các vùng đất than bùn ban đầu bị rút cạn và cây vân sam đen được trồng để lấy gỗ, mực nước ngầm liền giảm xuống. Những tán cây rộng lớn hơn của những cây mới đã hủy hoại lớp rêu than bùn chống cháy ban đầu, chúng được thay thế bằng một loại rêu khác khô hơn hoạt động như mồi nhen lửa. Khi đám cháy rừng xảy ra, phần lớn carbon được tích trữ trong cây và than bùn khô đã bị giải phóng và thoát vào khí quyển.
“Thật không may, nhiều chương trình trồng cây chỉ trồng những loài dễ tiếp cận và sẵn có, thậm chí thường xuyên trồng những loài không phù hợp với sinh thái môi trường, thiếu tính đa dạng và không giải quyết được nhu cầu kinh tế – xã hội của cộng đồng địa phương, do đó, dễ dẫn đến thảm họa”, Jamnadass nói.
Các dự án phục hồi rừng cần đảm bảo sử dụng các loài bản địa có sẵn và phù hợp để trồng nhằm ngăn chặn những thảm cảnh tương tự.
Ezra Neale, người phụ trách giám sát và đánh giá tại Dự án trồng rừng Eden nhấn mạnh các tổ chức trồng rừng trên thế giới cần đặc biệt chú trọng việc lựa chọn cây bản địa để tái trồng rừng. “Việc phục hồi rừng rụng lá khô ở Madagascar đã mang lại môi trường sống cho nhiều loài đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng như các loài vượn cáo Propithecus coquereli, Propithecus tattersalli, Propithecus diadema perrieri và loài động vật ăn thịt lớn nhất của hòn đảo là Cryptoprocta ferox”, Neale cho biết.
Tái sinh tự nhiên
Tốc độ, hàng hóa, gỗ, tăng trưởng kinh tế là những lợi ích dễ nhìn thấy từ việc trồng cây. Tuy nhiên, tái sinh tự nhiên cũng mang lại rất nhiều giá trị. Thời gian để rừng mọc lại một cách tự nhiên chuyển thành mức độ đa dạng sinh học với các loài thực vật bản địa thường cho kết quả cao hơn khi tái sinh tự nhiên. Một nghiên cứu cho thấy rừng tái sinh tự nhiên chứa nhiều đa dạng sinh học hơn về thực vật, chim, động vật không xương sống và cấu trúc thảm thực vật được phục hồi tốt hơn so với rừng trồng ở các vùng nhiệt đới.
Rừng tái sinh tự nhiên cũng có xu hướng lưu trữ carbon an toàn hơn. Một báo cáo gần đây trên tạp chí Nature nói rằng tiềm năng thu giữ carbon của rừng mọc lại tự nhiên có thể đã bị Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đánh giá thấp 32%.
Việc để rừng phát triển tự nhiên không chỉ đơn giản về kỹ thuật với chi phí rẻ hơn nhiều mà còn cho phép người dân địa phương sử dụng rừng theo cách truyền thống của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quá trình tái sinh tự nhiên không thể diễn ra, tùy thuộc vào mức độ suy thoái của khu vực cụ thể và nhiều nơi không dễ bề tiếp cận bằng máy phát tán hạt giống. Hạt giống của nhiều loài tuy vẫn được phát tán bởi động vật bản địa, chẳng hạn như chim, nhưng ở những khu vực mà những loài động vật này đã biến mất thì những loài cây trọng yếu cần phải được trồng lại.
Joice Ferreira, nhà nghiên cứu tại Embrapa Amazônia Oriental nói rằng phần lớn khu vực ở Amazon có lợi cho quá trình tái sinh tự nhiên vì nhiều khu vực có lịch sử chuyển đổi sử dụng đất khá mới và cường độ sử dụng đất ở các vùng chuyển đổi tương đối thấp. Ngoài ra, lượng mưa dồi dào và nhiệt độ thuận lợi cũng là lợi thế lớn để Amazon tái sinh rừng.
Tuy nhiên, bà lưu ý khả năng tái sinh tự nhiên trên đất đã trải qua nền nông nghiệp cơ giới hóa thì vẫn chưa chắc chắn. Quá trình hữu cơ dài hơn và lâu hơn có nghĩa là vùng đất nơi rừng đang tái sinh sẽ bị “bỏ hoang” trong một thời gian dài trước khi rừng trưởng thành mọc lại.
“Trong nhiều trường hợp, sự tái sinh tự nhiên còn bị xem là điều không mong muốn bởi khi đó, nó cho thấy đất đai không được làm việc”, Guariguata cho biết và giải thích thêm: “Nó trông không đẹp cho lắm. Ý tôi là, nó không phải là một hàng cây được trồng đều tắp. Nó có thể lộn xộn. Một đồn điền được trồng thẳng hàng thường tạo ra một ấn tượng khác, vì vậy có một vấn đề về nhận thức ở đây”.
Guariguata nhấn mạnh rừng chỉ nên được phục hồi thông qua tái sinh tự nhiên nếu đất không bị áp lực phát triển và người quản lý đất có thể đảm bảo rằng rừng sẽ tồn tại dài lâu.
Ferreira cảnh báo tỷ lệ phá rừng ở rừng thứ sinh cao hơn 40% so với rừng nguyên sinh và cần có thêm các quy định của chính phủ để bảo vệ rừng tái sinh tự nhiên.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, các khu vực trên thế giới đang tái sinh một cách tự nhiên. Các khu vực của châu Âu đã và đang tái sinh tự nhiên trên đất canh tác bị bỏ hoang, thường là do các yếu tố kinh tế và sự suy giảm dân số nông thôn. Điều này đi kèm với sự phát triển của các quần thể động vật có vú lớn, chẳng hạn như gấu, linh miêu, heo rừng và hươu.
Cộng đồng là chìa khóa quan trọng nhất để phục hồi rừng thành công
Phương pháp tốt nhất để phục hồi rừng phụ thuộc vào điều kiện cảnh quan, mục đích của rừng và loài cây có sẵn để trồng lại rừng. Bất kể phương pháp nào được lựa chọn, cộng đồng địa phương phải đồng ý với cách sử dụng đất.
“Sự chấp nhận và đồng lòng của các bên tham gia trong khu vực cảnh quan là chìa khóa quan trọng nhất. Nếu bạn không có điều kiện tiên quyết đó, rất có thể cây sẽ không sống được. Chúng có thể không được bón phân hoặc tưới nước vì mọi người không thấy lợi ích lâu dài ở chúng”, Guariguata cho biết.
Jamnadass minh họa ở Kenya, nhiều cây đã bị chặt từ các khu vực đầu nguồn để phục vụ đun nấu hoặc bán lấy tiền. “Chính phủ thực sự cần hiểu cộng đồng cần gì. Họ cần năng lượng, vì vậy họ sẽ tiếp tục chặt cây trừ khi nhu cầu năng lượng của họ được đáp ứng”.
Chính sách của chính phủ cũng phải hỗ trợ các chính sách tái trồng rừng, chẳng hạn như bằng cách tạo ra các khu bảo tồn và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm bao gồm cả hành vi phá rừng để lấy đất trồng trọt hoặc khai thác trái phép.
“Các dự án phục hồi rừng chỉ có thể thực hiện được thông qua quan hệ đối tác chặt chẽ với cộng đồng và chính phủ”, Neale nhấn mạnh.
Ý Nhi (Theo globallandscapesforum.org)