Khi môi trường biển xanh – sạch

BVR&MT – Suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn kiên định và quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” bền vững. Trong đó, tỉnh đã đưa công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Quảng Ninh sở hữu chiều dài bờ biển trên 250km, diện tích vùng biển khoảng 6.000km2. Đây là lợi thế vô cùng lớn, điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển kinh tế biển. Nhận thức rõ lợi thế về biển, Quảng Ninh đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ môi trường biển, cùng với đó là tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Và những kết quả tích cực từ môi trường biển thời gian qua là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh.

Mới đây, ở khu vực Vịnh Hạ Long và Cảng Ao Tiên (Vân Đồn), người dân nơi đây đã bắt gặp những chú cá heo tung tăng bơi lội, săn bắt mồi. Hay trước đó, một ngư dân trú tại thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, đang câu cá ở gần khu vực hòn Chuột, cách đảo Cô Tô lớn 3 km thì phát hiện một đàn 5 con cá heo đang đuổi theo một đàn cá nhỏ. Những con cá heo màu xám, nổi lên mặt nước nhiều lần trong 5 phút rồi bơi đi.

Còn tại khu vực cồn Phài, cách bờ biển thị trấn Cô Tô khoảng 2 – 3km xuất hiện đàn cá heo khoảng 30 con. Đây là số lượng cá heo xuất hiện nhiều nhất tại vùng biển này từ trước đến nay.

Thời gian qua, việc cá heo, cá voi, rùa biển xuất hiện nhiều trên vùng biển Quảng Ninh không còn là hiện tượng hiếm. Vào giữa tháng 12/2023, một đàn cá voi cũng xuất hiện ở phía Đông Nam đảo Cô Tô, cách bờ khoảng 6 hải lý. Trong năm 2023, khu vực biển Quảng Ninh như Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái liên tục xuất hiện nhiều đàn cá heo, cá voi, cá thể rùa quý hiếm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển của tỉnh đang ngày càng trong sạch, trù phú, thân thiện với các loài sinh vật đại dương quý hiếm.

Cá heo xuất hiện trên vùng biển Cô Tô.

Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang được cải thiện tích cực, ngày càng trong sạch hơn và nguồn thức ăn dồi dào trở lại chính là lý do khiến một số loại động vật quý hiếm như rùa, vích, cá heo, cá voi quay lại sinh sống, săn mồi.

Việc các loài sinh vật đại dương quý hiếm liên tục xuất hiện trên vùng biển Quảng Ninh là tín hiệu đáng mừng cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển của tỉnh đang ngày càng cải thiện tốt lên…

Có được những kết quả tích cực về bảo vệ môi trường là nhờ Quảng Ninh những năm qua đã có nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển. Tiêu biểu ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về “Tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Thực hiện chỉ thị, các địa phương, sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, xử lý nghiêm tình trạng tàu sử dụng nghề, ngư cụ cấm, tận diệt trong khai thác hải sản. Từ việc quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU, nguồn lợi thuỷ sản từ biển đã được tái tạo tích cực.

Hay năm 2018, tỉnh ban hành Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm. Cùng với đó, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành được tỉnh ban hành, như: Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 “Về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022”; Nghị quyết số 10 – NQ/TU ngày 26/9/2022 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030″… Trong đó, Nghị quyết số 10-NQ/TU là một trong những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ của tỉnh trong giai đoạn mới, trên cơ sở kế tiếp các đề án, quy hoạch bảo vệ môi trường trước đây cũng như định hình cho giai đoạn dài 2022-2030, đáp ứng các tiêu chí bền vững.

Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện hiệu quả chủ trương vận động nhân dân sắp xếp lại vùng nuôi biển theo hướng bền vững, có quy hoạch, không sử dụng phao xốp gây ảnh hưởng đến môi trường biển, sử dụng phao bằng vật liệu thân thiện với môi trường; thiết lập mô hình quản lý dựa vào cộng đồng; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường biển…

Với những chủ trương xuyên suốt trong bảo vệ môi trường, đến nay Quảng Ninh đã có môi trường và vùng biển trong sạch hơn. Tỷ lệ rừng ngập mặn sinh trưởng tốt, những đàn cò, đàn chim trời trở về cư ngụ ở vùng đất, vùng nước tự nhiên có hệ sinh thái phù hợp trên địa bàn; những đàn cá heo, cá voi, rùa biển quý hiếm xuất hiện liên tục trên vùng biển Quảng Ninh. Đây thực sự là những tín hiệu tốt về môi trường, đặc biệt là môi trường biển.