Khi cộng đồng cùng vun đắp Sơn Trà

BVR&MT – Sau nhiều năm thai nghén, Trung tâm Giáo dục Trải nghiệm Thiên nhiên đã chính thức ra mắt tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng như một minh chứng cho tình yêu thiên nhiên của đất và người Sơn Trà. Đây cũng là “đứa con tinh thần” đầu tiên mà Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) ấp ủ. Còn gì ý nghĩa hơn khi mô hình giáo dục mang tính trải nghiệm và sáng tạo được vun đắp từ chính tấm lòng và nhiệt huyết của người dân Sơn Trà.

Trong niềm hân hoan của ngày ra mắt, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Nước Việt Xanh (GreenViet) đã có những chia sẻ vô cùng ý nghĩa về ý tưởng và quá trình khởi tạo Trung tâm.

Voọc chà vá tại bán đảo Sơn Trà (Ảnh: GreenViet).

PV: Là một tổ chức khá trẻ cả về lịch sử hình thành và nguồn nhân lực, song GreenViet đã có những đóng góp không nhỏ cho công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói chung và bán đảo Sơn Trà nói riêng. Tuy nhiên, dường như GreenViet không chỉ muốn dừng ở các hoạt động nghiên cứu, tư vấn hay vận động chính sách, thưa ông?

Ông Trần Hữu Vỹ: Đúng vậy. Sứ mệnh cao nhất của GreenViet là giúp cộng đồng hình thành lối sống thân thiện với thiên nhiên, trong đó, phổ biến kiến thức về đa dạng sinh học thông qua giáo dục trải nghiệm cho thế hệ trẻ là một công cụ, phương tiện và hướng đi phù hợp để thực hiện sứ mệnh ấy.

Đội tình nguyện viên tham gia hỗ trợ hoàn thiện Trung tâm (Ảnh: GreenViet).

PV: Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về quá trình khởi tạo cũng như đối tượng, mục đích và các hoạt động trải nghiệm tại Trung tâm? Các hoạt động này sẽ đóng góp như thế nào đến công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Sơn Trà?

Ông Trần Hữu Vỹ: Ý tưởng thành lập Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên được thai nghén từ cuối năm 2015. Từ đó đến nay, GreenViet đã trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị để biến ý tưởng thành hiện thực. Do đây là mô hình mang dấu ấn từ sự ủng hộ, đóng góp của cộng đồng nên chúng tôi cần chọn đúng thời điểm để sinh “đứa con” ra đời. Trong ba năm qua, những câu chuyện liên quan đến bán đảo Sơn Trà không ngừng lắng xuống, thậm chí có những lúc là tâm điểm của cả nước và quốc tế nên thu hút rất lớn sự quan tâm của cộng đồng và giúp cộng đồng nhận thấy rõ hậu quả của việc ưu tiên phát triển hơn bảo tồn đối với một hệ sinh thái rừng tự nhiên vô cùng quý giá trong lòng một thành phố trẻ. Đây cũng là lý do thôi thúc cộng đồng chuyển dần từ sự quan tâm đến hành động cụ thể để bảo vệ giá trị đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà. Nhờ vậy, ý tưởng thành lập Trung tâm Giáo dục Trải nghiệm thiên nhiên cũng được đón nhận nhiệt thành, thậm chí cộng đồng sẵn sàng ủng hộ và khai sinh cho “đứa con tinh thần” của mình.

Mục đích của Trung tâm là thúc đẩy lối sống thân thiện với thiên nhiên thông qua các hoạt động học tập và trải nghiệm thiên nhiên. Đối tượng chính là học sinh, tuy nhiên đây cũng là môi trường để cộng đồng từ người dân, du khách, nhà quản lý đến nhà nghiên cứu khoa học có thể đến tham quan, tìm hiểu bởi hàm lượng thông tin về đa dạng sinh học Sơn Trà rất đa dạng, phong phú và có rất nhiều hoạt động phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Hiện nay, với diện tích được sử dụng lên tới 300 m2, Trung tâm đã chia thành nhiều phân khu khác nhau để cung cấp thông tin về đa dạng động, thực vật, về loài Chà vá chân nâu. Ngoài ra, các trò chơi và hoạt động tương tác, trực quan, sinh động cũng được xây dựng nhằm giúp người tham quan, học tập dễ tiếp thu và hứng thú khám phá, tìm hiểu về thiên nhiên, đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà.

Việc ra đời Trung tâm Giáo dục Trải nghiệm thiên nhiên không chỉ giúp khẳng định vai trò hệ sinh thái tự nhiên của bán đảo Sơn Trà đối với lĩnh vực giáo dục học sinh mà còn góp phần thúc đẩy cộng đồng có những hành vi thân thiện hơn với thiên nhiên cũng như có những đóng góp cụ thể đổi với công tác bảo tồn tại bán đảo thông qua các hoạt động ưu tiên bảo tồn như: trồng cây phục hồi sinh cảnh sống cho loài Chà vá chân nâu, thu gom rác thải tránh lây lan bệnh tật cho động vật hoang dã, thay đổi những hành vi không đúng khi tham quan bán đảo, đặc biệt, tiếp tục giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên trước những áp lực lớn của hoạt động phát triển.

PV: Hẳn là ông rất tâm đắc và kỳ vọng với sự vun đắp của cộng đồng đối với Trung tâm?

Ông Trần Hữu Vỹ: Đúng vậy. Điều tôi tâm đắc nhất chính là sự đóng góp của cộng đồng đối với tương lai của Sơn Trà nói riêng và các hệ sinh thái trọng yếu của Việt Nam nói chung, vì thế, Trung tâm còn được gọi là Trung tâm giáo dục của cộng đồng. Hiện nay, Trung tâm đã chuyển từ giai đoạn kêu gọi cộng đồng ủng hộ sang giai đoạn cộng đồng tự tìm đến góp sức vì đây là nơi để cộng đồng bộc lộ tình yêu thiên nhiên, củng cố niềm tin và thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường tự nhiên, với thế hệ con cháu và với sự phát triển bền vững của đất nước này.

PV: Sơn Trà là một báu vật của không chỉ riêng Đà Nẵng. Để giữ cho Sơn Trà mãi xanh và nguyên vẹn, theo ông, cần ưu tiên thực hiện những giải pháp nào?

Ông Trần Hữu Vỹ: Theo tôi, giải pháp giáo dục nâng cao nhận thức là giải pháp quan trọng và bền vững nhất vì mọi quyết định và hành động của chúng ta xuất phát từ ý thức và sự hiểu biết. Tuy cuộc sống có nhiều cám dỗ khó chối từ nhưng trong mỗi chúng ta ai cũng có lòng tự tôn, tính hướng thiện và tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước. Hy vọng những giá trị quý giá đó sẽ góp phần dẫn đường cho những hành động đúng về bảo tồn và phát triển bền vững.

Cảm ơn ông!

Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà chính thức ra mắt vào ngày 28/12/2018 tại địa chỉ 70 Lý Tử Tấn, Sơn Trà, Đà Nẵng. Trung tâm được thiết kế gồm 5 phân khu chính, trong đó phân khu thứ nhất là nơi giới thiệu chung, cung cấp các thông tin tổng quan về Sơn Trà; phân khu 2 giới thiệu các loài động thực vật ở Sơn Trà, các đặc điểm thích nghi của giới động thực vật nơi đây; phân khu 3 giới thiệu về đặc điểm, tập tính sinh học, môi trường sống của loài Voọc; phân khu 4 cảnh báo các mối đe dọa, tác động đến hệ sinh thái Sơn Trà; phân khu 5 là các giải pháp bảo tồn, cộng đồng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học Sơn Trà. Được biết, Trung tâm đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp của hơn 60 tổ chức với tổng kinh phí 820 triệu đồng và nhiều hiện vật bổ ích.

 

Hồng Ngọc