Khe Sán – Bao giờ tươi sáng?

BVR&MT – Khe Sán là thôn khó khăn nhất của xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái), chủ yếu là người Mông và người Dao sinh sống. Cả thôn có 72 hộ dân, thì có tới 15 hộ nghèo bởi nơi đây vẫn đang còn nhiều cái không: không điện, không đường, không sóng điện thoại, trạm y tế, trường học xa nơi ở…

Dù trời đã hửng nắng, nhưng đường vào Khe Sán vẫn là thử thách nguy hiểm với những người đi xe máy.

Nhiều cái không

Đến Châu Quế Thượng vào đúng ngày trời mưa to tầm tã do ảnh hưởng bởi đợt áp thấp nhiệt đới, lãnh đạo xã cho biết, trời mưa không thể vào được thôn Khe Sán do đường trơn trượt, nhiều khe suối nước chảy xiết rất nguy hiểm. Kế hoạch đành phải dời lại vào hôm sau.

Sáng hôm sau, tôi gặp được anh Triệu Văn Nhất, Bí thư chi bộ thôn Khe Sán ở trung tâm xã. Anh Nhất ra xã họp từ ngày hôm trước, nhưng vì trời mưa to không về được nên cũng phải ở lại.

Khởi hành từ lúc 7h30 phút sáng, quãng đường chỉ 7km, nhưng đầy thách thức cho người cầm lái, bởi liên tục là những vũng bùn, khe suối vắt ngang qua đường ngập cả bánh xe. Nhiều đoạn, tôi phải xuống chạy bộ, thôi thì để cho chắc ăn, cho an toàn vậy.

Khe Sán nằm lưng chừng núi, với 72 hộ dân, chủ yếu là người Mông và người Dao, sinh sống rải rác. Mất cả tiếng đồng hồ vật lộn chúng tôi mới vào tới thôn. Đây cũng chính là lý do như lời của Bí thư Chi bộ thôn Khe Sán Triệu Văn Nhất, chi phí làm một ngôi nhà ở trong này, bằng hai ngôi nhà ở ngoài trung tâm xã. Anh Triệu Văn Nhất bảo, người dân mong mỏi có con đường đi lại để thuận tiện phát triển kinh tế, các cháu đi học đỡ vất vả hơn.

Dẫn chúng tôi về thăm nhà, căn nhà của anh Nhất khá rộng, tuy nhiên trong nhà chỉ có chiếc ti vi nhỏ đã bám đầy bụi. Anh Nhất giải thích, để ti vi cho nó đẹp chứ có dùng được đâu. Mấy năm rồi, làm ăn cũng khá hơn, gia đình cũng dành dụm được chút ít tiền, muốn sắm ti vi, tủ lạnh, các thiết bị điện tử khác nhưng không có điện đành chịu.

Chỉ vào chiếc bóng tiết kiệm điện duy nhất giữa phòng khách, anh Nhất nói, tận dụng dòng suối chảy qua thôn nên anh đã mua chiếc máy phát để chạy. Chiếc máy ấy chỉ chạy được 1 thiết bị, khi muốn sử dụng máy bơm, thì phải tắt tủ lạnh, còn buổi tối thì tắt hết các thiết bị để bóng này sáng.

Mỗi khi trời mưa, người dân Khe Sán phải chịu cảnh lầy lội.

Dẫn tôi đi một vòng quanh thôn, anh Nhất chỉ cho tôi nơi đặt vị trí máy phát điện của gia đình. Anh nói, hôm nào trời mưa, rác mắc vào máy thì sẽ không phát được điện; nhiều hộ không có tiền, không sắm được máy phát điện. Khi anh mới được bầu làm Trưởng thôn (năm 2012), trong thôn có hơn 80% là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ làm ruộng, nuôi thêm con lợn, con gà, kinh tế tự cung tự cấp.

“Đến nay, dù người dân đã nỗ lực làm ăn, trồng cây lấy gỗ và trồng quế, tranh thủ xen canh cây ngắn ngày nhưng vì thiếu đường, nên hàng hoá ứ đọng lại không có ai trao đổi, thiếu điện, không có sóng điện thoại nên khó khăn đủ bề; thôn chỉ có 72 hộ, nhưng có tới 15 hộ nghèo”, anh Nhất chia sẻ.

Gặp ông Cư Seo Lầu, dân tộc Mông, đang dắt trâu từ nương về. Hỏi chuyện, ông Lầu bảo: Nhà có đứa con gái lấy chồng xa lâu không thấy về nhà chơi, mà cũng không biết liên lạc thế nào. Ở đây không có sóng điện thoại nên không gọi được, muốn gọi điện thì phải chọn ngày trời quang đãng, chạy lên mãi ngọn núi cao nhất thôn để bắt sóng.

Trời bắt đầu mưa nặng hạt, đám trẻ nhỏ đầu trần, chân đất đang chơi đùa trong khoảng đất trống. Thấy người lạ, đám nhỏ có vẻ ngại ngùng chạy đi.

Bí thư Chi bộ Triệu Văn Nhất bộc bạch: Thương bọn trẻ, không có chỗ vui chơi nên chỉ biết nghịch đất cát. Vì không có sóng điện thoại, không có Internet nên đám nhỏ cũng không có cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngoài. Người dân cũng mất đi cơ hội nắm bắt những thông tin hữu ích về cách làm ăn, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở các địa phương khác.

Nhà văn hóa của thôn được chuyển đổi thành trường mầm non để có nơi dạy dỗ, chăm sóc trẻ em.

Dẫn tôi tới căn nhà cấp 4 nhỏ, anh Nhất giới thiệu, đây là trường mầm non của thôn. Trước kia đây là nhà văn hóa, nhưng vì thôn không có điểm trường nên phải lấy tạm căn nhà này để cho các cháu học.

Khi lên lớp 1, các cháu sẽ ra Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú- Tiểu học và THCS ở ngoài xã để học, thứ 2 đi thì thứ 6 về với gia đình. Đến nay, thôn chưa có ai từng học đại học, cao đẳng; thường thì học hết cấp II là nghỉ về với gia đình làm nương; vì muốn học cấp III phải xuống đến trung tâm huyện, cách nhà tới 60km.

Mong một ngày tươi sáng

Bí thư Chi bộ thôn Khe Sán còn bộc bạch, lo nhất là khi ốm đau, người dân trong thôn phải ra tận Trạm y tế xã, cách nhà gần 10km, đường đi lại khó khăn. Những hôm trời nắng thì không sao, trời mưa đường trơn trượt thì không biết xoay sở thế nào. Có nhiều trường hợp phụ nữ đến ngày sinh nở, chưa ra đến trạm y tế thì đã đẻ trên đường…

Đem tâm tư của bà con Nhân dân Khe Sán trao đổi với bà Đinh Thị Hồng Loan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Châu Quế Thượng, bà Loan cho biết, Khe Sán là thôn khó khăn nhất của xã, không điện, không đường, không sóng điện thoại. Thôn có 100% đồng bào DTTS sinh sống, đường từ trung tâm xã vào thôn khá xa, dân cư thưa thớt sống rải rác, nên việc đầu tư các công trình dân sinh cũng còn hạn chế, vì vậy người dân nơi đây còn nghèo và khó khăn lắm.

Những đứa trẻ ở Khe Sán.

“Trước mắt, 2km đường bê tông vào Khe Sán sẽ do Nhà nước và Nhân dân cùng làm, chính quyền xã cũng đang đề xuất xin các nguồn hỗ trợ 100% để thi công 5km còn lại. Về điện, Sở Công thương tỉnh đã khảo sát các tuyến cụ thể tại 2 thôn, nhưng chưa biết bao giờ sẽ được triển khai”, bà Loan cho biết.

Với mục tiêu phấn đấu xây dựng xã Châu Quế Thượng đạt chuẩn nông thôn mới vào Quý IV năm 2022, và những thông tin từ Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng, hy vọng thôn Khe Sán sẽ sớm có con đường mới để đi, có điện để phát triển sản xuất, để tiếp cận được thông tin, kinh nghiệm phát triển kinh tế… từng bước đẩy lùi được cái khổ, cái nghèo đeo bám lâu nay.

Theo kế hoạch, khoảng 2km đường bê tông vào Khe Sán sẽ được đầu tư trong thời gian tới từ vốn xây dựng nông thôn mới. Có đường rồi sẽ kéo được điện, có sóng điện thoại… để người dân có điều kiện phát triển sản xuất.