‘Khát’ nước sạch do xâm nhập mặn

BVR&MT – Cứ vào mùa nắng nóng, hàng nghìn hộ dân vùng ven biển huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) lại chung nỗi lo thường trực về tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Công trình đập ngăn mặn chậm tiến độ ảnh hưởng tới đời sống người dân các xã ven biển huyện Nga Sơn. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Nga Phú là một trong số nhiều xã ven biển của huyện Nga Sơn đến thời điểm này vẫn chưa có nước sạch. Hiện hầu hết những hộ dân ở xã Nga Phú đều dùng nước giếng khoan, giếng đào hoặc xây bể chứa nước mưa… Thế nhưng, nguồn nước này đều bị nhiễm mặn, nhiễm phèn hoặc chứa nhiều tạp chất ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng. Dù biết đây là nguồn nước không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nhiều gia đình vẫn phải sử dụng vì thiếu nước sạch. Nguồn nước không bảo đảm đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây.

Anh Đoàn Văn Vũ, xóm 6, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn cho biết, từ xưa đến nay, quanh vùng này nước ngọt, nước sạch không có. Trong vài năm trở lại đây, lượng mưa ít, hạn hán ngày càng gay gắt và kéo dài nên nhu cầu nước sinh hoạt của gia đình cũng như bà con xã Nga Phú ngày càng cao. Người dân cũng nghe có nhà máy nước sạch sắp đi vào hoạt động nên cũng phấn khởi và chờ đợi. Người dân Nga Phú rất hy vọng sớm có nước sạch để sinh hoạt hàng ngày đỡ vất vả.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn (xóm 5, xã Nga Phú) cũng luôn sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Để chủ động nguồn nước, 10 năm trước, gia đình ông đã xây bể nước mưa kiên cố để tích trữ nước. Nguồn nước này được sử dụng tiết kiệm cho việc ăn uống, còn tắm giặt, sinh hoạt khác thì vẫn dùng nguồn nước giếng khoan bơm lên rồi lọc qua bể lọc dùng tạm.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, xóm 5, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn chia sẻ, bể nước mưa tích trữ đến mùa khô là gần cạn nên gia đình thường phải mua thêm nước bình lọc, nước đóng chai để uống và nấu ăn. Gia đình cũng hạn chế mặc đồ sáng màu, vì nguồn nước giếng khoan dù đã qua bể lọc nhưng cứ một thời gian ngắn là quần áo trắng đem giặt sẽ bị ố vàng. Cuộc sống của gia đình rất vất vả vì thiếu nước sạch.

Nga Phú hiện có 7 thôn với trên 7.000 khẩu thì ở cả 7 thôn, người dân đang thiếu nước sạch để dùng. Mong mỏi lớn nhất của người dân nơi này là sớm có nguồn nước sạch để sinh hoạt, sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Để chủ động nguồn nước, 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn (xóm 5, xã Nga Phú) phải xây bể nước mưa kiên cố để tích trữ nước. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Ông Đinh Văn Viết, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Phú, huyện Nga Sơn cho biết, tình trạng thiếu nước sạch tại cụm dân cư ven biển trên địa bàn xã Nga Phú đã diễn ra nhiều năm qua. Vài năm gần đây, nhiều gia đình phải khoan thêm giếng mới với độ sâu hơn hàng chục mét so với giếng cũ để tìm nguồn nước nhưng nước bơm lên rất mặn, chỉ tắm giặt chứ không sinh hoạt được.

Để bảo đảm cấp nước sạch hợp vệ sinh cho người dân, huyện Nga Sơn đã phối hợp với doanh nghiệp tiến hành xây dựng mới hệ thống cấp nước sạch tập trung cho các đối tượng dùng nước. Trên địa bàn hiện có 2 dự án Nhà máy nước sạch phía Nam và phía Bắc Nga Sơn; trong đó, nhà máy nước sạch phía Bắc Nga Sơn đã thử test nước lên hệ thống đường ống để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, do chi phí lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch cao so với thu nhập, nên dù “khát” nước sạch nhưng người dân một số xã trên địa bàn huyện Nga Sơn vẫn chưa mặn mà với việc đấu nối cấp nước.

Bên cạnh đó, hàng năm UBND huyện Nga Sơn đều tiến hành đắp đập tạm để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn trên lưu vực sông Càn, mùa mưa thì ngăn lại, mùa cạn lại dỡ ra. Đồng thời đóng âu Báo Văn để ngăn mặn và giữ ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho huyện Nga Sơn.

Bà Quách Thị Khuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nga Sơn cho biết, đối với dự án nhà máy nước Nam Nga Sơn và Bắc Nga Sơn, UBND huyện Nga Sơn đã yêu cầu chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm đi vào hoạt động, giải quyết nhu cầu cấp thiết về nguồn nước sạch, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân. Huyện cũng tăng cường xây dựng phương án chống hạn hán, xâm thực mặn năm 2023, đặc biệt là kế hoạch bơm nước ngọt, tích trữ vào sông ngòi, kênh mương phục vụ chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Hàng năm, UBND huyện Nga Sơn đều tiến hành đắp đập tạm để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn trên lưu vực sông Càn, mùa mưa thì ngăn lại, mùa cạn lại dỡ ra. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Ông Đỗ Doãn Thành Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa cho biết, để đáp ứng nhu cầu bức thiết về nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân của các xã vùng biển huyện Nga Sơn, trung tâm đã và đang chỉ đạo Nhà máy nước Nga Sơn thường xuyên kiểm soát, theo dõi chất lượng nước đầu vào và đầu ra, theo dõi chặt chẽ tình trạng triều cường, xâm nhập mặn từng giờ, bảo đảm cung cấp nước ổn định về lưu lượng và chất lượng đến người dân, nhất là trong mùa nắng nóng.

Được biết, tháng 5 và 6 là 2 tháng cao điểm của nắng nóng, tình hình xâm nhập mặn dự báo sẽ diễn biến phức tạp; trong khi đó người dân vùng ven biển Nga Sơn vẫn đang gồng mình với thử thách mang tên “khát nước sạch”.