Khánh Thượng (Ba Vì – Hà Nội): Trại lợn ô nhiễm môi trường, trách nhiệm thuộc về ai?

BVR&MT – Mặc dù sự việc đã diễn ra cách đây hơn hai tháng song những hệ lụy từ sự cố ô nhiễm môi trường trại lợn của ông Nguyễn Xuân Dũng vẫn ám ảnh người dân thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội).

Cổng vào trang trại chăn nuôi lợn của ông Dũng đã bị phong tỏa sau sự cố môi trường hồi cuối tháng 9/2021.

Theo tìm hiểu, trang trại chăn nuôi quy mô khoảng 4.000 con lợn của ông Nguyễn Xuân Dũng được xây dựng trên địa bàn thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng, Ba Vì từ năm 2014. Đây là trang trại chăn nuôi gia công liên doanh giữa ông Dũng với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (trại Diệp). Theo phản ánh của người dân trên địa bàn thôn Hương Canh, nhiều năm trước, trang trại chăn nuôi lợn của ông Dũng đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở xung quanh như xả thải chất thải ra con suối chảy vòng quanh xã, mùi hôi thối từ trại lợn phát tán ra dân làng xung quanh.

Cao điểm là từ ngày 25/9/2021 vừa qua, người dân thôn Hương Canh đã rào đường, lập barie ngăn không cho xe chở thức ăn chăn nuôi ra vào trại lợn. Nguyên nhân được nhiều người dân Hương Canh phản ánh, do từ ngày 25/9, người dân phát hiện trại Diệp đã xả một lượng lớn phân ra ngoài môi trường, theo dòng suối chảy vòng qua địa bàn 4 thôn (Hương Canh, Đồng Tôm, thôn Mít và thôn Bắt Còn Chèm), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Những ngày cuối tháng 9, nước xả thải từ trại lợn ra dòng suối bên cạnh đen ngòm, toàn chất thải chăn nuôi.

Trước sự việc này, vào 18h30 tối 5/10, lãnh đạo UBND huyện Ba Vì, UBND xã Khánh Thượng do ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện chủ trì đã có cuộc đối thoại với khoảng 100 người dân thôn Hương Canh và Đồng Sống để tìm ra giải pháp xử lý.

Tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Văn Hoàng, đại diện cho phần lớn các hộ dân phản ánh, gần 10 năm nay, kể từ khi trang trại lợn đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến nguồn nước và không khí cho các hộ dân. “Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều lần lên chính quyền xã, rằng cần phải có giải pháp xử lý ô nhiễm đối với trang trại lợn này hoặc là di dời nhưng đến nay không được trả lời. Chúng tôi ở đây vẫn sử dụng nước giếng khơi, nên việc xả thải từ trang trại ra con suối rồi ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của người dân. Rồi nguồn nước sản xuất nông nghiệp lấy từ con suối này cũng không thể sử dụng được nữa do đã bị ô nhiễm nặng nề từ chất thải trang trại”, anh Dũng phản ánh.

Về phía đơn vị để xảy ra sự cố, ông Nguyễn Xuân Dũng, chủ trang trại lợn Diệp cho biết, trang trại của ông có quy mô 4.000 con lợn nhưng hiện tại chỉ đang nuôi khoảng 1.200 con gồm lợn nái và lợn giống. “Sự việc xảy ra vào ngày 25/9 vừa qua chỉ là sự cố bục bể sinh học (bể chứa chất thải) nên mới gây ra việc chất thải ra ngoài môi trường khiến bà con bức xúc như vậy, chứ chúng tôi không cố tình xả thải chất thải chưa xử lý. Tương tự, vào ngày 30/9 trong khi chúng tôi đang khắc phục thì bể lại tiếp tục bị bục chứ không phải tôi lật kèo, không giữ lời hứa với bà con”, ông Dũng phân trần.

Đưa ra hướng xử lý, ông Dũng xin huyện Ba Vì và người dân thôn Hương Canh cho thời gian 45 ngày để xử lý bể sinh học, thuê đơn vị về môi trường để xử lý chất thải, mùi đến khi nào đạt theo yêu cầu mới thôi. “Nếu trong 45 ngày tôi không làm được, trại lợn vẫn xả nước bẩn, vẫn phát thải mùi hôi ra môi trường xung quanh tôi xin cam kết đóng cửa”, ông Dũng cam kết.

Báo cáo số 656/BC-UBND ngày 22/10/2021 của UBND huyện Ba Vì về kết quả công tác chỉ đạo thực hiện, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường tại thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng.

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thông tin, trang trại lợn của ông Dũng xả thải ra suối chảy dọc thôn Hương Canh và các thôn khác của xã Khánh Thượng gây ô nhiễm nên đã bị huyện ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng vào ngày 4/10, đồng thời yêu cầu từ ngày 6/10 trang trại phải chuyển bớt số đầu lợn tại đây để giảm ô nhiễm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Xung quanh sự cố ô nhiễm môi trường trại lợn của ông Nguyễn Xuân Dũng tại thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật An Ninh, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, việc thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí là một trong những hành vi bị cấm. Ngoài ra, sắp tới đây khi Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực thì sẽ cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trừ nuôi động vật làm cảnh, trong phòng thí nghiệm và không làm ô nhiễm môi trường.

Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, tổ chức cá nhân khi gây ô nhiễm, gây thiệt hại cho người khác phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định. Cùng với đó, Điều 603 Bộ luật Dân sự hiện nay nêu rõ, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Lúc này, việc nuôi lợn khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân xung quanh thì chủ nuôi phải có trách nhiệm bồi thường. Mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất… và tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu.

Trại lợn của ông Nguyễn Xuân Dũng tại thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) nằm ngay cạnh dòng suối cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân khu vực.

“Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới các cơ quan ban ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi heo nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường”, luật sư Chung nhấn mạnh.

Ngoài ra cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bảo vệ môi trường đối với các trang trại nuôi heo đã đi vào hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường của tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tham mưu đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật. Kiểm tra đôn đốc các cơ sở chăn nuôi heo phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ về môi trường; các cơ sở chăn nuôi mới đầu tư trước khi hoạt động chính thức phải được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.

Hậu Thạch