Khẩn trương tái đàn lợn để bình ổn giá và nguồn cung cho thị trường

BVR&MT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa có Công văn số 9523, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp triển khai nuôi tái đàn lợn để phục vụ tăng trưởng chung của ngành, cũng như bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và đầu năm 2020.

Trang trại nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học của người dân trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội) vẫn phát triển ổn định.

Chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương…

* Tại Công văn số 9524 gửi các doanh nghiệp chăn nuôi, Bộ NN và PTNT đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tổ chức nuôi tái đàn lợn thận trọng, hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, tổ chức chăn nuôi, sản xuất bảo đảm bình ổn giá; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá mặt hàng lợn thịt để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, nâng giá lên cao bất thường…

* Đến nay, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau đang phải đối phó với xâm nhập mặn. Tính đến ngày 21-12, hạn mặn xâm nhập không chỉ từ hướng Biển Đông mà cả hướng Biển Tây. Nguy hiểm hơn, nước mặn đang lan đến sát TP Cần Thơ, địa phương nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tỉnh Bến Tre đã ghi nhận độ mặn từ 1‰ đến 4‰ xâm nhập sâu vào địa bàn 60 đến 70 km…

* Số liệu quan trắc tại nhà máy nước trong Khu công nghiệp Sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (giáp ranh với TP Cần Thơ) cho thấy, tỷ lệ mặn đang tăng dần tại cửa thu nước (trên sông Hậu) của nhà máy. Cụ thể tuần đầu tháng 12, độ mặn được ghi nhận là 0,08‰, đến nay đã tăng lên 0,17‰, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,1‰.

* Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN và PTNT nhận định, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ đông xuân 2019-2020 sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở hai vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng mà hạn hán sẽ xảy ra ở Trung Bộ. Hiện nay mực nước các hồ chứa trong vùng đang ở mức thấp, diện tích lúa đông xuân có nguy cơ thiếu nước khoảng từ 4.500 ha đến 9.000 ha, trong đó, chủ yếu tập trung ở Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

* Ngày 21-12, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị năm 2019 với sự tham dự của đại diện 11 Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và các hợp tác xã có sản phẩm kết nối tiêu thụ. Trong khuôn khổ hội nghị, các hợp tác xã của các địa phương đã mang tới giới thiệu các đặc sản nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng chất lượng…

* UBND tỉnh Hà Giang vừa tổ chức công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019, có 69 sản phẩm của 43 chủ thể được cấp giấy chứng nhận. Đặc biệt, có hai sản phẩm trà xanh và hồng trà của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì) được UBND tỉnh đề nghị Bộ NN và PTNT xem xét, đánh giá xếp hạng cấp quốc gia.

* UBND tỉnh Đồng Tháp vừa trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao đối với 70 sản phẩm của 30 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc chương trình OCOP của tỉnh. Trong đó, có 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Kết quả chứng nhận xếp hạng sao sản phẩm có giá trị trong ba năm.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh đang xảy ra cả DTLCP trên lợn và dịch lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò. Đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 332 hộ/148 thôn/58 xã, phường của tám huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tổng số lợn bị tiêu hủy 2.570 con. Dịch LMLM trên trâu, bò đã xảy ra tại 20 thôn, bản của năm xã thuộc hai huyện Lệ Thủy và Minh Hóa, làm 515 con trâu, bò bị ốm, chết.