Khám phá vương quốc pơ mu

BVR&MT – Xe vào đến cửa rừng thì trời ngả sang chiều. Khoảng cách 120 km từ TP Hội An lên huyện Tây Giang (Quảng Nam) đường núi quanh co, đi ô-tô mất gần năm giờ mới tới huyện lỵ, lại đi thêm hai giờ nữa mới đến bìa rừng.

Một trong những cây pơ mu cổ thụ trong quần thể cây di sản ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Từ đây, phải vượt thêm 7 km đường đất đầy ổ gà, ổ voi để vào lõi rừng. Nhưng bốn chữ “Vương quốc pơ mu” hấp dẫn quá, chẳng ai để ý đến đường sá xa xôi…

Chuyến đi này chúng tôi may mắn được làm khách Đồn Biên phòng Axan. Thượng tá Dương Đệ Châu, Trưởng đồn cho biết, đang kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 nhưng các chiến sĩ vẫn ứng trực đủ 100% quân số. Tây Giang có chung đường biên giới với huyện Kalum, tỉnh Sekong của nước bạn Lào. Từ năm ngoái, công tác bảo vệ biên giới duy trì nghiêm ngặt, không để người nhập cảnh trái phép, đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 vào nước ta.

Nhưng không phải không có ngoại lệ! Anh Châu kể, mới đây thôi, một sản phụ người Lào đau đẻ ba ngày không sinh được, gia đình cầu cứu bộ đội biên phòng Việt Nam.

Đang mùa Covid, về nguyên tắc, không thể cho sản phụ nhập cảnh. Nhưng tuy khác quốc tịch, người dân biên giới cũng là người dân tộc Cơ Tu, tình huống cấp bách này phải xử lý nhanh. Anh Châu một mặt đề nghị huyện Tây Giang điều xe cấp cứu lên, mặt khác lệnh cho chiến sĩ băng rừng đưa sản phụ đến nơi gần đường ô-tô nhất. Về đến bệnh viện huyện, với sự trợ giúp của các bác sĩ Việt Nam, buổi chiều sản phụ sinh em bé, mẹ tròn, con vuông.

Ngay sau đó cả chiến sĩ biên phòng và mẹ con sản phụ phải vào khu cách ly đủ 14 ngày mới được đưa hai mẹ con trở về bên kia biên giới.

“Những khi bão lũ hoặc thiếu đói, anh em chúng tôi không phân biệt bà con Việt hay Lào, phân chia đồ cứu trợ như nhau, thậm chí còn hỗ trợ phía bạn nhiều hơn” – anh Châu chốt chắc nịch: “Muốn bảo vệ tốt biên giới phải dựa vào dân, muốn bảo vệ rừng cũng vậy, lát nữa các anh sẽ thấy”. Anh Quốc, một cựu chiến binh đi cùng chúng tôi, nghe xong tấm tắc: “Có lần sang Lào công tác, tôi nghe một đồng chí cán bộ cao cấp nước bạn nói, biên giới Việt – Lào là biên giới trong trái tim người dân hai nước. Bây giờ tôi mới hiểu!”.

Đường đất xấu, xe xóc lên xóc xuống, anh Châu cười, vẫn còn may, nếu trời mưa, đất núi nhão ra, trơn trượt thì không xe nào đi vào nổi. Ô-tô dừng lại bên một nhà bia nhỏ đánh dấu ranh giới bắt đầu khu vực rừng di sản. Ở độ cao hơn 1.200 m, thời tiết mát mẻ. Chúng tôi háo hức, chiêm ngưỡng những cây thông to lớn, thân thẳng tắp, cao vút như cây côn khổng lồ trỏ lên trời xanh. Không gian yên tĩnh, thanh sạch vô cùng. Anh Châu chỉ một thân cây pơ mu đường kính quãng hơn 60 cm nằm cạnh nhà bia nói, cây này bị bão làm gãy đổ, có anh cán bộ định lấy làm của riêng đem ra khỏi rừng, vừa rồi bị tòa xử hơn bảy năm tù. Rừng di sản nên bảo vệ nghiêm lắm, cây đã chết hay còn sống, ở đâu phải để nguyên ở đó!

Bắt đầu nghe tiếng suối róc rách chảy, thấp thoáng bóng nhà sàn xa xa. Chúng tôi ngỡ ngàng khi tiến vào làng pơ mu (cách gọi dân dã Làng du lịch sinh thái di sản pơ mu huyện Tây Giang) mới xây dựng cách đây vài năm. Nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, trên một khoảng đất rộng bằng phẳng bao quanh bởi con suối Zi’liêng, có 11 ngôi nhà sàn theo phong cách truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Nhiều ngôi nhà do bà con người dân tộc làm tặng, chính quyền chỉ đóng góp vật tư. Một người đàn ông trung niên chào nhanh chúng tôi rồi tất bật đưa chăn, nệm vào các ngôi nhà dành cho khách. Chúng tôi rất áy náy khi biết đó là già làng Hốih’ Mia, người phụ trách làng pơ mu. Già năm nay 54 tuổi, trước đây là bí thư chi bộ, trưởng thôn Ganil; từ năm 2017 được phân công phụ trách làng du lịch sinh thái. Từ khi có đại dịch Covid-19, làng vắng khách cho nên chỉ có già và vài ba người dân ở lại lo việc trông coi, bảo vệ. Đang dịp nghỉ lễ, già cho người về hết, tự mình thu xếp nơi ăn nghỉ cho khách.

Anh Trương Đức Việt, Phó Trưởng đồn Axan đón chúng tôi. Anh bảo, khi chưa có dịch Covid-19, trong làng đông vui lắm. Du khách được trải nghiệm văn hóa cùng bà con Cơ Tu như: đánh trống, chiêng, múa, chơi trò chơi dân gian, thi ném vòng mây, thi đổ nước vào ống tre…, tham gia lễ mở cửa rừng. Giờ thì phải chờ hết dịch đã. Tuy nhiên, hôm ấy chúng tôi vẫn có những trải nghiệm riêng khi đêm xuống, ở giữa vùng lõi của rừng, không có sóng viễn thông (bộ đội biên phòng liên lạc bằng bộ đàm), được sống chậm, không điện thoại, email, Facebook, chát chít…, ngồi trò chuyện bên đống lửa bập bùng, dưới bầu trời thăm thẳm, cảm nhận được hương thơm hăng hắc đặc biệt của cây pơ mu, lắng nghe gió thổi lẫn trong tiếng thú tác gọi nhau mơ hồ ngoài xa.

Già làng Hốih’ Mia cho biết, rừng di sản pơ mu nằm trên địa bàn hai xã Axan và Tr’hy, dân số khoảng 300 người, rừng nhiều, người ít, 100% là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Khu vực lõi của rừng rộng 450 ha, việc bảo vệ dựa vào dân địa phương là chính. Người Cơ Tu coi rừng là mẹ, là người thân của mình. Rừng pơ mu lại càng linh thiêng, là báu vật nghìn năm, là vương quốc che chở cho dân làng, nếu không gìn giữ để mất đi là có tội với tiên tổ. Bà con tham gia bảo vệ rừng bằng cách lập các tổ tự quản, ai phá rừng sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật và lệ làng. Nhiều năm qua, rừng khu vực này được bảo vệ rất tốt.

Anh Châu gật đầu xác nhận: Các anh đi với chúng tôi thì không sao, chứ tự ý vào rừng, tai mắt của nhân dân đâu cũng có, sẽ báo kiểm lâm hoặc biên phòng ngay!

Rừng pơ mu Tây Giang được coi là quần thể có tuổi đời cao nhất và số lượng tập trung dày đặc nhất loài cây “sách đỏ” ở Việt Nam. Tính đến thời điểm này, kiểm đếm có tổng cộng 2.011 cây, trong đó 1.146 cây được công nhận là cây di sản. Những cây tuổi đời cao nhất tới hơn 1.800 năm; cây to nhất có đường kính 3,5 m, chu vi thân cây 11 m, chiều cao dưới tán lá là 19,5 m, tuổi đời 1.328 năm, tên gọi là cây Cụ Bà hay cây Mẹ Pơ mu. Chúng tôi háo hức hỏi: Cây Cụ Bà ở đâu, có đi xem được không? Già làng Hốih’ Mia đáp, cây nằm trên tuyến đường tham quan số 6, cách đây hơn 1 km đường rừng, gần thôi mà.

Từ khi khai thác du lịch, vương quốc pơ mu được chia thành sáu tuyến tham quan, tuyến số 1 ở xa nhất còn tuyến số 6 gần làng nhất. Trên tuyến này có nhiều cây to đặc trưng dành cho du khách không có nhiều thời gian thăm rừng. Tất cả các cây di sản đều được đánh số, đặt tên căn cứ theo đặc điểm hình dáng: Mẹ Pơ mu, Ngũ Hổ, Rồng, Voi, Khỉ, Tê Tê, Bạch Tuộc, Gấu Trèo…, lại có những cái tên lãng mạn như: Hẹn Hò, Vú Nàng, Dỗi Đá, Chùa Cầu, Đình Làng…

Hồi còn làm bí thư chi bộ thôn, già làng Hốih’ Mia đã cùng cán bộ huyện, xã và kiểm lâm đi bộ hơn hai tháng giời mới đánh số hết hơn hai nghìn cây pơ mu. Nếu muốn tham quan đầy đủ vương quốc pơ mu du khách phải dành từ hai đến ba ngày mới tạm đủ. Chuyện về rừng nói mãi không dứt và chúng tôi chỉ chịu đi ngủ khi già làng hứa sáng mai sẽ đích thân dẫn vào rừng.

Mới 6 giờ mà trời đã sáng bảnh. Nắng từ ngọn cây bò rất nhanh xuống sân làng. Vách núi đất hoàng thổ có nắng chiếu vào bật lên mầu vàng đặc trưng, giống như những thỏi vàng mười vừa khò qua lửa. Già làng Hốih’ Mia tay cầm dao rừng, nhìn chúng tôi tủm tỉm cười, hỏi “đi chớ?”. Già bước nhẹ nhàng, mà hóa ra rất nhanh, thỉnh thoảng chúng tôi phải chạy gằn theo mới kịp.

Bạn đã đi trong rừng nguyên sinh lúc sáng sớm bao giờ chưa? Và nếu đó là rừng lá kim như trong vương quốc pơ mu này sẽ càng đặc biệt. Thời gian không biết bao nhiêu năm đã phủ lên mặt đất những lớp lá dày làm thành những tấm đệm khổng lồ êm ái dưới chân, chỉ đi bình thường mà như đang nhún nhảy theo nhạc. Nhạc rừng. Những vòm lá cao và thưa rẽ đường cho từng chùm tia nắng từ trời tuôn xuống.

Đang “mơ màng nghe chim hót trên cao”, chúng tôi giật mình, vì suýt xô phải con quái thú đang ngồi thù lù trước gốc cây. Thì ra đây là cây pơ mu có tên Ngũ Hổ! Đường kính của cây cỡ 7-8 m, cao dễ đến hơn 20 m, thân cây nhô ra cái bướu khổng lồ như đầu con hổ, có cả thân hổ và hai chân trước! Đi thêm một quãng nữa chúng tôi gặp cây Rồng. Rễ cây nhô lên trên mặt đất làm thành những bộ râu khổng lồ to gấp ba, bốn lần bắp chân người… Cứ thế chúng tôi đi miên man trong rừng, như quên thời gian, quên ngày tháng, thán phục sức sáng tạo phi thường của thiên nhiên kỳ vĩ.

Lúc này hồi tưởng lại chuyến đi chưa lâu trước khi làn sóng thứ tư đại dịch Covid-19 bùng phát, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác ngất ngây, lòng trào lên niềm tự hào thành thực và ngưỡng mộ vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của vương quốc pơ mu mà mình may mắn được tận thấy. Cùng với nỗ lực của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ bị đánh bại.

Mong ngày bình an sớm đến với đất nước chúng ta trong đó có bà con dân tộc Cơ Tu Tây Giang, để họ tiếp tục thực hiện giấc mơ của rừng bằng những dự án du lịch tuyệt vời. Để thật nhiều người dân nước Việt cùng du khách quốc tế có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp vô song của vương quốc pơ mu, của thiên nhiên rừng Tây Giang.

Già làng Hốih’ Mia chỉ cho tôi dòng chữ trên tấm biển nhỏ bên đường, như lời nhắn nhủ của người dân Cơ Tu dành cho du khách lúc chia tay, đó là hãy “Không lấy gì ngoài những bức ảnh. Không để lại gì ngoài những dấu chân”… Hãy cùng chúng tôi bảo vệ vương quốc pơ mu đẹp mãi, trường tồn.