BVR&MT – Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội truyền thống của người Mông. Đây là một trong những lễ hội hiếm hoi còn giữ được những giá trị truyền thống, nguyên sơ, độc đáo và đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Hà, Lào Cai.
Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “địa điểm chơi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có hoàn cảnh như nêu trên cùng tổ chức. Lễ hội được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền – mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc.
Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.
Năm nay, lễ hội Gầu Tào được xã Bản Phố đăng cai tổ chức. Theo lịch, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 08/02 đến ngày 10/02/2019 (tức mùng 4-6 tết). Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là năm thứ 11 lễ hội Gầu Tào được tổ chức. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, thể hiện hình ảnh thu nhỏ trong đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần – vật chất của đồng bào dân tộc Mông.
Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần, mở đầu là phần lễ, ông chủ Hội, đồng thời là thầy mo và các già làng, trưởng bản có uy tín nhất sẽ làm lễ cúng. Ông chủ hội cúng mời tổ tiên về dự hội, cầu cho năm mới mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, cuộc sống của đồng bào Mông ấm no, may mắn, hạnh phúc. Sau phần lễ là phần hội, với các hoạt động văn hóa – văn nghệ dân gian, thể thao dân tộc diễn ra hết sức tưng bừng, sôi nổi…
Trung tâm của lễ hội sẽ là nơi diễn ra hội thi hát dân ca Mông. Nơi được người dân đến xem đông đảo nhất. Theo phong tục, các cụ ông, cụ bà, người trung tuổi mở đầu cho hội hát, tiếp đó là trai gái trong các bản Mông… Chủ đề là những bài dân ca về tình yêu nam nữ, mùa xuân, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương, Đất nước.
Bên cạnh khu hội hát là hội thi múa được tổ chức liên tục trong dịp lễ hội diễn ra. Các trai bản, thôn nữ lần lượt thử tài nhau qua các điệu múa sênh tiền, múa khèn, múa kiếm, múa võ tay không, múa mác, múa gậy… Ở lễ hội, trên những bãi đất rộng các trò chơi thể thao dân tộc như: bắn nỏ, đánh quay, đẩy gậy, kéo co, đá bóng… càng khiến cho không khí lễ hội càng thêm phần rôm rả tưng bừng, nhộn nhịp.
Đến khi màn đêm buông xuống là khoảng thời gian dành cho các chàng trai thi thố, thổ lộ tâm tình, tình cảm của mình với người bạn gái qua tiếng đàn môi, tiếng sáo dặt dìu nơi vách đá, hay những lời tâm tình kín đáo qua hát ống.
Lễ hội gầu tào được tổ chức vào dịp tết không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh, vui vẻ ngày tết mà còn là điểm đến hấp dẫn khách du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống nguyên sơ, độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất và người vùng cao Bắc Hà, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần xóa nghèo, nâng cao đời sống đồng bào Mông.
Tráng Xuân Cường