“Khai tử” tàu giã cào để giữ sinh thái biển

BVR&MT – Những con tàu từng được mệnh danh “cỗ máy quét”, tàn phá hệ sinh thái vùng biển ven bờ sẽ không còn, chúng dần được chuyển đổi công năng đánh bắt theo hướng thân thiện với môi trường.

Cảng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), những ngày tháng 7-2021, không khí vắng lặng. Hàng trăm con tàu tiền tỉ hành nghề giã cào – vốn là niềm tự hào của người dân Sa Huỳnh đang nằm bờ, hư hỏng. Nhiều con tàu treo biển bán kèm số điện thoại để khách mua liên hệ.

Giã cào không còn đất sống

Cách đây 5-6 năm, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng tàu giã cào hùng mạnh nhất ở miền Trung. Trên khắp các vùng biển ven bờ từ vịnh Bắc Bộ vào hết dải đất miền Trung đều in đậm “tàn tích” của những đoàn “giã cào bay” này.

Ngư dân Nguyễn Thanh Trung, ngụ phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, cho hay Sa Huỳnh từng là “cái nôi” của nghề giã cào với những chuyến biển thu lợi tiền tỉ. “Vì nghề giã cào ăn nên làm ra nên cách đây 4-5 năm, nhiều gia đình cầm cố nhà cửa, đầu tư hàng chục tỉ đồng đóng những đôi tàu giã cào bề thế lên đến cả chục tỉ đồng. Nhưng giờ đây, nghề giã cào không còn đất sống, càng làm càng lỗ. Rất nhiều gia đình đã phải bỏ nhà đi biền biệt vì không có tiền trả nợ vay ngân hàng để đóng tàu hoặc vay tín dụng đen” – ông Trung nói.

Một ngư dân thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) xem xét cải hoán con tàu giã cào này thành tàu đánh bắt hải sản thân thiện với môi trường.

Hơn 30 năm đi biển, trong đó có trên 10 năm đi bạn, gắn bó với nghề giã cào, vợ chồng ông Trung cùng hùn vốn với 2 người khác sắm đôi tàu giã cào trị giá 8 tỉ đồng. Tàu vừa đóng xong, ra khơi được vài chuyến đã liên tục thua lỗ, hải sản đánh bắt được quá ít so với chi phí bỏ ra. Ông Trung cho biết chuyến nào ra khơi cũng lỗ khoảng 200-300 triệu đồng nên đành neo tàu ở cảng, chờ tình hình biến chuyển. Thế nhưng, càng neo lâu tàu càng hư hỏng, trong khi mỗi ngày trôi qua lại có thêm rất nhiều tàu khác cùng cảnh ngộ vì nguồn hải sản cạn kiệt. Không đành chứng kiến tài sản nhiều tỉ đồng bỏ hư hỏng, ông Trung cũng treo biển bán tàu nhưng người mua chỉ trả đôi tàu của ông chưa tới 1 tỉ đồng.

Ông Lê Trung Thành – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ – cho biết hiện ở cảng Sa Huỳnh có khoảng 200 tàu giã cào neo đậu và đang hư hỏng. “Số tàu này chỉ là số ít đang neo đậu ở đây. Nhiều con tàu giã cào của ngư dân địa phương không về cảng Sa Huỳnh mà neo ở các cảng cá khác, bỏ hư hỏng. Rất nhiều bà con ngư dân từng là chủ tàu ở đây giờ cũng chuyển nghề, giã từ nghề biển, người đi làm thuê, người lại đi bạn với các tàu cá khác” – ông Thành thông tin.

Phá sản là tất yếu

Ông Võ Thu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Thạnh, cho rằng nghề giã cào lâu nay đánh bắt theo kiểu tận diệt thủy sản ven bờ, tàn phá môi trường sinh thái nên phá sản là điều tất yếu. “Chỉ riêng ở Phổ Thạnh, toàn xã có 1.200 tàu cá, trong đó đã có 800 tàu hành nghề giã cào, chưa kể ở rất nhiều địa phương trong tỉnh khác cũng có số lượng tàu giã cào lên đến hàng ngàn chiếc… Với công cụ đánh bắt là những tấm lưới mành, lỗ rất nhỏ, giăng hàng ngang “quét” tất cả loại hải sản ven bờ… thì tôm, cá nào có thể sinh sôi kịp?” – ông Thu nhấn mạnh.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi khi hàng trăm con tàu giã cào của người dân nơi đây neo đậu ở bờ nhiều tháng qua. Bà Hồ Thị Lệ Thu – Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi – cho hay xã này có 700 tàu giã cào thì 3/4 tàu đã nằm bờ nhiều năm qua.

Hàng trăm tàu giã cào nằm bờ ở cảng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, tỉnh này có trên 5.500 tàu đánh bắt hải sản, trong đó tàu đánh bắt bằng giã cào là hơn 1.600 chiếc, chiếm khoảng 35% số lượng, chủ yếu ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi), phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ)… Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi đã cảnh báo những hệ lụy của nghề giã cào gây ra nhưng ngư dân vẫn ồ ạt đóng tàu, tận diệt cá tôm, tàn phá hệ sinh thái biển… Khi nguồn hải sản cạn kiệt, nghề giã cào cũng “chết” theo.

Gỡ khó giúp dân

“Vì tàu giã cào có thiết kế rất đặc thù so với các tàu đánh bắt thủy sản khác nên muốn chuyển đổi nghề, bắt buộc ngư dân phải cải hoán tàu. Song, kinh phí cải hoán rất cao, phải tầm 400-500 triệu đồng nên rất nhiều chủ tàu không còn khả năng tài chính” – ngư dân Nguyễn Thanh Trung phân tích.

Ông Nguyễn Văn Mười cho biết để phần nào gỡ khó cho chủ tàu giã cào, đồng thời khuyến khích ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác thân thiện với môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh trình HĐND, UBND tỉnh xem xét. Theo đó, các ngư dân chuyển đổi từ nghề giã cào sang nghề ít tổn hại nguồn lợi thủy sản sẽ được hỗ trợ từ 50 – 150 triệu đồng/tàu, xóa đăng ký tàu giã cào sẽ được hỗ trợ từ 50 – 100 triệu đồng/tàu, tùy theo chiều dài tàu. Tuy nhiên, ngân sách của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên chính sách này chưa được phê duyệt.