Khai thác tiềm năng du lịch ở miền tây Quảng Trị

BVR&MT – Quảng Trị là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đẹp. Đây là lợi thế để tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch. Miền núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị còn có các điểm đến mới, lạ, nguyên sơ như: suối Tà Lao, đền thờ vua Hàm Nghi, thác Tà Puồng… đang thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Nhờ đó góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Khách du lịch trải nghiệm ở suối Tà Lao, xã Tà Long, huyện miền núi Đa Krông (Quảng Trị).

Có dịp dẫn một người bạn ở Hà Nội vào miền tây Quảng Trị thăm chiến trường xưa, sau khi dâng hương ở các điểm di tích lịch sử, chúng tôi có cơ hội trải nghiệm điểm du lịch suối Tà Lao ở xã Tà Long, huyện miền núi Đakrông. Suối Tà Lao hiền hòa, hoang sơ hiện ra giữa đại ngàn Trường Sơn.

Người sáng lập tua du lịch trải nghiệm này là chị Hồ Thị Thương, người dân tộc Bru – Vân Kiều. Năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc thi tìm hiểu ý tưởng khởi nghiệp. Chị Thương viết bài dự thi bằng tất cả khát vọng về ý tưởng xây dựng vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên trở thành một điểm đến trải nghiệm mới của du lịch Quảng Trị. Bài thi của chị như một dự án phát triển du lịch cộng đồng tại suối Tà Lao và đoạt giải cao. Chị Thương đã quyết tâm biến bài dự thi trên giấy thành hiện thực. Và rồi tua du lịch trải nghiệm suối Tà Lao hấp dẫn ra đời với giá chỉ có 199.000 đồng. Du khách có thể tắm suối; trải nghiệm bắt cá, bắt cua bằng dụng cụ truyền thống của dân bản rồi chế biến ăn ngay bên suối hay được mặc những bộ trang phục dân tộc để “hóa thân” thành cô gái, chàng trai Bru – Vân Kiều. Đồng thời còn có thể tham quan nhà sàn, tìm hiểu văn hóa của người Bru – Vân Kiều.

Ngoài ra, nằm giữa chiến khu xưa thuộc vùng Cùa của huyện Cam Lộ có điểm đến mới là đền thờ vua Hàm Nghi ở di tích thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính) được Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đưa vào khai thác nhằm giáo dục giới trẻ hiểu thêm về vị vua yêu nước cuối thế kỷ 19. Năm 1885, thành Tân Sở là nơi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên giúp vua chống giặc Pháp xâm lược. Cùng với tua này, du khách còn được đến tham quan trang trại nuôi gà Cùa nổi tiếng bằng công nghệ sinh học và thưởng thức các món ăn từ gà Cùa, một loại gà xưa dùng tiến vua.

Thời gian gần đây, một địa điểm du lịch mới tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đang thu hút rất đông khách du lịch mang tên Năm mùa Bungalows. Anh Trần Hữu Hoàng Thông, chủ nhân của điểm đến mới này cho biết: “Xã Hướng Phùng có khí hậu bốn mùa rõ rệt, đồng bào DTTS sinh sống ở nơi đây rất hiền hòa, thân thiện. Ban đầu, tôi xây dựng một căn nhà nhỏ tại thôn Xa Ry để cuối tuần đến nghỉ dưỡng. Bạn bè đến thăm nhà, ai cũng choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ mà bí ẩn của núi rừng”. Nhen nhóm ý tưởng xây dựng mô hình du lịch nhà vườn, anh Thông xây dựng thêm ba ngôi nhà nữa để đón khách. Mỗi ngôi nhà tuy có diện tích nhỏ, kiến trúc đơn giản nhưng sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Ở lại với Năm mùa Bungalows, buổi sáng thức dậy giữa núi rừng khiến du khách ai cũng có cảm xúc thư thái. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm không gian thanh khiết của núi rừng Trường Sơn, thưởng thức các món ngon của người dân tại địa phương và khám phá những rẫy cà-phê xanh mướt…

Nhiều du khách lâu nay chỉ mới biết đến Quảng Trị qua những di tích quen thuộc như địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị… Giờ đây, miền tây Quảng Trị còn nhiều điểm đến mới, lạ, mang vẻ đẹp hoang sơ. Nếu du khách muốn tìm hiểu thời tiền sử thì đến động Brai ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Từ cầu Sê Băng Hiêng ở xã Hướng Lập, đi dọc theo bờ sông thêm khoảng 20 phút là lên đến cửa động. Động có nhiều hình thù rất đẹp, thích hợp tổ chức các đoàn khách tham quan, du lịch mạo hiểm và khám phá. Một điểm đến hấp dẫn khác là thác Tà Puồng của xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Thác có chiều cao khoảng 15 m, có nhiều chỗ nước sâu, lòng suối rộng tạo thành chỗ tắm lý tưởng cho du khách. Cùng với đó là thác Ba Vòi độc đáo ít nơi có được. Ngoài ra, ở huyện Hướng Hóa còn có thác Chênh Vênh ngay dưới chân đèo Sa Mù, thuộc địa phận xã Hướng Phùng. Thác đổ xuống từ độ cao khoảng 20 m qua sườn núi. Dưới nắng mặt trời, thác tựa như một bức tranh sắc mầu pha lê lung linh, huyền ảo.

Dư địa phát triển du lịch miền tây tỉnh Quảng Trị còn rất lớn với hệ sinh thái ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa nổi trội các loại hình thiên nhiên, mạo hiểm, tìm hiểu thời tiền sử trong các hang động, rừng sâu… là lợi thế khác biệt của Quảng Trị so với các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, “nút thắt” trước tiên cần phải tháo gỡ để phát triển tiềm năng du lịch là tư duy của con người và nguồn vốn đầu tư. Hiện việc đầu tư, khai thác du lịch khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng để mang lại hiệu quả phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cùng đoàn công tác đã đi khảo sát một số điểm du lịch tại huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông nhằm tìm hiểu những điểm đến mới tại khu vực miền tây để khởi động kích cầu du lịch nội địa. Đây là một giải pháp cấp thiết phục hồi du lịch trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và là cơ hội vàng để du khách nội địa khám phá nhiều điểm đến mới an toàn, độc đáo chưa được biết đến của tỉnh. Đồng chí Hoàng Nam cho biết, muốn khai thác tốt các danh thắng này, trước hết cần có sự đầu tư ban đầu của tỉnh, biến những nơi này trở thành điểm đến của du khách, nhất là tiến hành quy hoạch các điểm du lịch một cách cụ thể. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành liên quan lập hai dự án đầu tư xây dựng đường vào hai điểm du lịch và bãi đỗ xe thác Ba Vòi và Tà Puồng, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông và quảng bá du lịch các địa điểm đến mới này một cách hiệu quả nhất. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm trong những năm tới của tỉnh cho nên cần được quan tâm, chú trọng đầu tư một cách bài bản để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch phong phú và độc đáo mà Quảng Trị đang sở hữu.