Khai thác quản lý tốt di sản văn hóa là sức mạnh tiềm tàng

BVR&MT – Nguồn lực về di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc nếu được quản lý tốt sẽ không chỉ là sức mạnh tiềm tàng mà còn là yếu tố tạo nên ấn tượng và sự khác biệt của du lịch các địa phương…

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Ngày 24/11, tại Sơn La, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay như: Hệ thống chính sách, thực tiễn vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay; thành tựu cũng như các thách thức đặt ra trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở các dân tộc thiểu số…

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết: Trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam nói chung và ở các dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt nhiều thành tựu. Trong đó, sự thay đổi quan trọng nhất là nhận thức, mối quan tâm về di sản của cả xã hội. Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức và cộng đồng đều đã ưu tiên đầu tư cả nguồn lực vật chất và nguồn lực con người vào công tác bảo vệ và phát huy di sản. Công tác truyền dạy, phục hồi, tư liệu hóa, vinh danh nghệ nhân cũng như hoạt động quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh nhằm bảo vệ di sản văn hóa bền vững.

Tuy nhiên, vẫn còn bất cập về quan điểm tiếp cận và nhìn nhận di sản văn hóa. Việc nhìn nhận giá trị của một di sản cùng với đó là việc thiết kế các mô hình, hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn bị chi phối khá nặng bởi quan điểm nhìn nhận văn hóa có sự cao – thấp, có giá trị và phản giá trị. Bên cạnh đó là định kiến của người dân đối với chính di sản văn hóa của họ. Trong một thời gian dài, những đánh giá, nhìn nhận chưa đúng về di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đã làm nhiều cộng đồng, tộc người, đặc biệt là ở giới trẻ mặc cảm, xem thường. Sự mặc cảm, tự ti làm cho người dân thụ động trong việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa từ bên ngoài trong bối cảnh hội nhập cũng như chủ động tham gia vào bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của chính cha, ông để lại.

PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Di sản văn hóa tộc người của các dân tộc thiểu số vô cùng đặc sắc và phong phú, góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trong tiến trình hội nhập phát triển, di sản văn hóa tộc người đã khẳng định và thể hiện là một tài sản văn hóa lớn của đất nước. Khi tham gia vào quá trình hội nhập trong nước và quốc tế qua con đường du lịch, văn hóa giữ vai trò quyết định. Nguồn lực về di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc được hội tụ và tích lũy qua bề dày lịch sử nếu được tổ chức khai thác, quản lý tốt sẽ không chỉ là sức mạnh tiềm tàng mà còn là yếu tố tạo nên sự duyên dáng, hấp dẫn, tạo nên ấn tượng và sự khác biệt để phát triển du lịch…