Khai thác khoáng sản ảnh hưởng tới đời sống của người dân

BVR&MT – Bạn đọc tại tỉnh Bắc Kạn phản ánh, trên địa bàn có nhiều mỏ khoáng sản đã được phê duyệt, nghiệm thu cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ nhưng vẫn còn nhiều đá, sỏi, hố sâu, thậm chí tồn dư chất độc hóa học. Một số mỏ đang hoạt động cũng thường xuyên gây ảnh hưởng đời sống người dân.

Hố sâu do khai thác mỏ tại thôn Phia Khao, xã Bản Thi, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn).

Nhiều hệ lụy

Những ngày này, người dân ở chung quanh khu vực mỏ Nà Diếu, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn hết sức lo lắng khi biết khu vực mỏ này có chất cực độc xyanua. Dù mỏ Nà Diếu đã xác nhận hoàn thổ được hơn hai năm, nhưng đến nay vẫn tồn dư chất độc. Vụ việc chỉ được phát hiện từ ngày 4/4 đến 8/4/2019, khi có sáu con trâu, bò của người dân các thôn Nà Kéo, Cò Luồng bị chết sau khi uống nước tại một vũng nước nhỏ trong khu vực mỏ.

Theo phân tích của Công ty cổ phần Kỹ thuật và Phân tích môi trường, mẫu đất trên diện tích khu vực trâu, bò chết có mùi khó chịu, mầu xanh; thông số tổng xyanua là 58,3 ppm; thông số xyanua hoạt động là 41,2 ppm. So sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại (QCVN 07:2009/BTNMT), thông số xyanua hoạt động cao hơn ngưỡng cho phép. Nhiều vị trí lân cận cũng phát hiện chất xyanua và a-sen. Trong khi đó, theo mẫu bệnh phẩm của Công an huyện Ngân Sơn, do Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) phân tích, các mẫu chất trong dạ dày, nội tạng của sáu con trâu, bò chết đều phát hiện chất xyanua. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao mỏ đã đóng cửa nhưng khu vực lán, trại, khu chứa chất hóa học phục vụ ngâm, ủ quặng lại chưa được tháo dỡ, vệ sinh? Chưa kể, trên đỉnh núi còn có nhiều bể ngâm, ủ quặng dung tích lớn, chứa đầy nước hiện vẫn chưa được lấp đi, trở thành “bẫy” với người và gia súc. Liệu có còn chất hóa học nào tồn dư trong các bể này không?

Bí thư Ðảng ủy xã Thượng Quan Hoàng Văn Ngân cho biết, trong khu vực mỏ trước đây, Công ty TNHH Hoàng Ngân sử dụng nhiều hóa chất phục vụ ngâm, ủ quặng đa kim. Tuy nhiên, xã không rõ việc đóng cửa mỏ tại đây thực hiện ra sao. Do vậy, xã đã kiến nghị lãnh đạo huyện và tỉnh cần rà soát, làm rõ mức độ, xử lý ô nhiễm hóa chất để người dân yên tâm sinh sống.

Tương tự, tại khu vực mỏ sắt Sỹ Bình, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, Công ty Vạn Lợi sau khi khai thác, vận chuyển đi bán vài chục nghìn tấn quặng, đã đóng cửa mỏ nhưng vẫn để lại nhiều hố sâu hun hút, mặc cho người dân liên tục kiến nghị phải làm các thủ tục hoàn thổ theo quy định của pháp luật. Một khu đất thuộc các thôn Nà Cà và 3A trước đây là đồi cỏ, người dân vẫn chăn thả gia súc. Khai thác xong, công ty chỉ lấp được vài hố, để lại hơn 30 hố, trung bình mỗi hố sâu hơn 10m tiềm ẩn nguy cơ tai nạn với người và gia súc. Trưởng thôn 3A Ðinh Quang Hoàng cho biết, trong khu vực mỏ này đã có hơn 10 con trâu, bò của người dân chết vì rơi xuống hố. Ðất khu vực mỏ trước đây vẫn trồng ngô, xoan nhưng nay không còn canh tác được. Người dân rất mong mỏi các cấp chính quyền chỉ đạo hoàn thổ, trả lại mặt bằng để người dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất.

Nhiều mỏ chưa hết hạn, đang khai thác cũng tạo nên nhiều vị trí nguy hiểm, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Tại xã Bản Thi, huyện Chợ Ðồn, Công ty TNHH MTV Kim loại mầu Bắc Kạn khai thác chì, kẽm tại nhiều điểm trên núi. Sau khai thác, những hố đã đào sâu hun hút không được lấp lại, trở thành những “giếng bẫy”. Lên thôn Phia Khao, không khó để thấy những hố sâu vài chục mét, phía dưới lổn nhổn đá sắc; nhiều hố, cây, cỏ che lấp miệng. Hầu như năm nào cũng có trâu, bò chết vì rơi xuống hố gây thiệt hại về kinh tế đối với người dân. Trưởng thôn Phia Khao Phùng Thị Huyền cho biết, có rất nhiều khu vực chưa được hoàn thổ trên núi. Công ty chỉ hứa chung chung là sẽ khắc phục nhưng đến nay ở khu vực Tây Bó Luông và Bó Luông 8 vẫn còn rất nhiều hố sâu.

Cần sớm chấn chỉnh

Theo quy định, trước khi đi vào khai thác, doanh nghiệp được cấp mỏ phải lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường để cấp thẩm quyền phê duyệt. Khi hết hạn khai thác, phải lập đề án đóng cửa mỏ căn cứ theo đề án cải tạo, phục hồi môi trường và thực tế tại mỏ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Tiếp đến, doanh nghiệp thi công theo đề án được duyệt, ngành chức năng nghiệm thu, đạt thì lập hồ sơ đóng cửa mỏ và trả lại đất cho địa phương quản lý. Theo quy trình này, từ năm 2015 tới nay, Bắc Kạn đã thực hiện đóng cửa 20 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác. Tuy nhiên, chất lượng thực hiện theo các đề án đóng cửa mỏ phần lớn đều rất thấp, như: chậm hoàn thành đóng cửa mỏ, đóng cửa mỏ không đạt chất lượng, nhiều diện tích sau đóng cửa mỏ khó canh tác, cơ quan chức năng, chính quyền đùn đẩy trách nhiệm cho nhau…

Quá trình đóng cửa mỏ, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn còn lúng túng, sai sót, thiếu chặt chẽ, chậm xử lý triệt để. Thí dụ, đối với mỏ Nà Diếu, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, khu vực phụ trợ tồn dư chất độc xyanua và các bể ngâm ủ quặng dù thuộc khu vực mỏ, phục vụ hoạt động của mỏ nhưng không hiểu sao lại nằm ngoài phạm vi thực hiện đề án đóng cửa mỏ và không phải đóng cửa mỏ. Hệ quả dẫn tới, còn nhiều bể chứa lớn vẫn nằm trên đỉnh núi, để tồn dư chất độc, ảnh hưởng đời sống người dân.

Các doanh nghiệp sau khi khai thác khoáng sản thì phớt lờ việc thực hiện các biện pháp theo đề án đóng cửa mỏ. Tại huyện Ngân Sơn, Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico có hai mỏ ở Thượng Quan và thị trấn Nà Phặc hết hạn từ lâu nhưng chây ỳ đóng cửa, đến nay, vẫn chưa hoàn trả đất cho địa phương. Sáu mỏ vàng sa khoáng ở Na Rì, doanh nghiệp “đãi” hết đất bãi bồi, khi hoàn thổ (bù đất lại các vị trí đã khai thác khoáng sản) không đủ lượng đất màu. Các doanh nghiệp đều không hoàn thổ, gia hạn nhiều lần, kéo dài nhiều năm. Ðến nay, mới đóng cửa xong nhưng chất lượng hoàn thổ không cao, dân khó canh tác. Mỏ sắt Sỹ Bình, huyện Bạch Thông nhiều năm trước cấp cho một công ty khai khoáng. Sau đó, được tỉnh cấp cho Công ty Vạn Lợi kèm yêu cầu công ty phải có trách nhiệm hoàn thổ cả những hố sâu do công ty trước để lại. Tuy nhiên, với những hố do mình tạo nên, công ty này còn không xử lý triệt để, những hố do doanh nghiệp trước tạo ra thì không đả động đến.

Trên địa bàn Bắc Kạn hiện có tám mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác. Do khai thác lộ thiên cho nên các mỏ này thường tạo ra các hố sâu, nhưng các doanh nghiệp không lấp ngay để bảo đảm an toàn. Thí dụ, mỏ chì, kẽm Chợ Ðiền, xã Bản Thi, huyện Chợ Ðồn cấp cho Công ty TNHH MTV Kim loại mầu Bắc Kạn từ năm 1985. Khi người dân phản ánh, tỉnh kiểm tra, công ty cũng thừa nhận trên đỉnh núi khu vực thôn Phia Khao có rất nhiều hố sâu sau khai thác quặng ô-xít. Tỉnh nhiều lần yêu cầu công ty rào chắn, san lấp những hố này nhưng công ty chỉ làm lấy lệ. Vì vậy, đến nay, vẫn còn nhiều hố nguy hiểm khiến người dân bức xúc. Phần lớn các mỏ kể cả do Bộ lẫn tỉnh cấp phép đều không thực hiện nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Chủ trương của Bắc Kạn là doanh nghiệp phải có dự án nhà máy chế biến sâu tại địa bàn mới được xem xét cấp mỏ. Các doanh nghiệp do vậy đều “vẽ” ra những dự án chế biến hoành tráng. Khi có giấy phép khai thác rồi thì báo cáo trong thời gian xây dựng nhà máy xin tỉnh cho phép vận chuyển một số quặng đi bán để thêm vốn đầu tư. Tuy vậy, sau khi bán quặng, doanh nghiệp không hoàn thổ mỏ. Điển hình như, Công ty Vạn Lợi khai thác xong mỏ sắt Sỹ Bình đã bỏ dự án xây hai nhà máy chế biến tại Khu công nghiệp Thanh Bình; Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico khai thác xong hai mỏ ở Ngân Sơn nhưng vẫn không triển khai xây dựng nhà máy chế biến ở Thượng Quan…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn Nông Văn Kỳ thừa nhận, chất lượng thực hiện đóng cửa các mỏ khoáng sản hết hạn ở địa bàn không cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Quá trình nghiệm thu còn thiếu sót, chưa chính xác, như mỏ sắt Sỹ Bình ở huyện Bạch Thông còn nhiều hố chưa được lấp… Khó khăn là do phần lớn các mỏ khoáng sản tại địa bàn đều khai thác lộ thiên, việc tìm đủ đất để lấp tất cả các hố cũng rất khó. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp các địa phương kiểm tra, rà soát các vị trí chưa đạt yêu cầu ở cả mỏ đã đóng cửa và đang hoạt động để yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay”, ông Kỳ cho biết.

Trước thực tế nêu trên, tỉnh Bắc Kạn cần kiểm tra, rà soát, yêu cầu doanh nghiệp xử lý dứt điểm các vị trí chưa đạt yêu cầu theo đề án đóng cửa các mỏ khoáng sản hết hạn và các điểm gây nguy hiểm ở các mỏ còn đang hoạt động để bảo đảm không ảnh hưởng tới đời sống, an toàn của người dân.