Khai thác biển sâu đe dọa các loài sinh vật biển

BVR&MT – Liên hợp quốc đã mô tả vùng biển sâu là nguồn gốc lớn nhất của đa dạng các loài và hệ sinh thái trên trái đất.

Cuộc sống dưới đáy đại dương đặc biệt phát triển mạnh trên những vùng biển rộng lớn được gọi là đồng bằng thăm thẳm, giữa những ngọn núi ngầm mọc lên từ biển và xung quanh những dòng hải lưu siêu nóng.

Sự khắc nghiệt của nhiệt độ và áp suất chứng tỏ không có trở ngại nào đối với các sinh vật nơi đây. Tuy nhiên, các kế hoạch khai thác thương mại dưới đáy biển thì khác – chúng là mối đe dọa nghiêm trọng cho sự sống còn của các loài dưới đáy đại dương.

Đồng bằng biển thẳm là những nơi bằng phẳng nhất trên hành tinh và là chốn cư ngụ của nhiều loài sinh vật biển như cá, lươn, động vật giáp xác, động vật thân mềm, bọt biển, hải sâm, sao biển và sao giòn. Có hơn 800 loài cá đã được phát hiện tại các khu vực này cùng với các vườn san hô và bọt biển thu hút vô số loài giáp xác, động vật thân mềm và hải sâm.

Các loài động vật ngoài biển như cá ngừ, cá mập và rùa biển cũng thường xuyên ghé thăm. Hơn 500 loài đã được phát hiện ở các hệ sinh thái miệng phun thủy nhiệt bao gồm các loài hến, cua, tôm hùm ngồi xổm, sên biển, giun vảy, cá vược và bạch tuộc.

Tuy nhiên, các công ty khai khoáng đang rất háo hức với việc khai thác triệt để nguồn tài nguyên kim loại dưới đồng bằng biển thẳm, bao gồm các mỏ sunfua giàu kim loại tại các miệng phun thủy nhiệt. Hoạt động này không chỉ trực tiếp tiêu diệt nhiều loài sinh vật mà còn khuấy động trầm tích và phá hủy bọt biển cùng các rạn san hô.

Đến nay, chỉ có 5% đáy đại dương được khám phá. Các nhà khoa học cho rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu cuộc sống phi thường ở đây cũng như tầm quan trọng của nó đối với đại dương cùng các tác động từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Miếng bọt biển màu vàng bập bềnh ở độ sâu 2.479 mét dưới đáy đại dương thuộc vùng biển Sibelius Seamount ở trung tâm Thái Bình Dương. Thực vật không thể tồn tại ở những vùng biển có độ sâu không ánh sáng này trong khi động vật tồn tại chủ yếu bằng cách ăn vật chất hữu cơ chìm từ trên cao xuống (Ảnh: NOAA).
Bạch tuộc ma đẻ trứng trên thân của bọt biển vốn bám chặt vào các thân quặng kim loại. Các nhà khoa học chỉ phát hiện ra loài không có sắc tố này vào năm 2016 tại Quần đảo Hawaii ở độ sâu 4.290 mét dưới mực nước biển và chúng được đặt biệt danh là “Casper”. (Ảnh: NOAA).
Một con sao giòn quấn vào san hô tre. Loài này thường bò dọc theo đáy biển với năm cánh tay trông như roi da, có thể dài tới 60 cm. Bức ảnh này được chụp ở vùng biển  trung tâm Thái Bình Dương – nơi các thân quặng kim loại đã được phát hiện. (Ảnh: NOAA).
Loài san hô mềm Iridogorgia với hình dạng xoắn ốc đặc biệt trong vịnh Mexico. San hô cung cấp môi trường sống cho nhiều sinh vật như bọt biển, tôm và giun. Hai con tôm hùm ngồi trong tư thế như đang trèo lên đám san hô. (Ảnh: NOAA).
Một con tôm hùm ngồi giữa đám san hô mềm Victorgorgia gần Quần đảo Phoenix thuộc trung Thái Bình Dương (Ảnh: Viện Đại học Schmidt).
San hô nấm mềm ở độ sâu 1.470 mét dưới đáy đại dương. Một số san hô biển sâu có thể sống vài nghìn năm, là một trong những sinh vật lâu đời nhất trên hành tinh. (Ảnh: NOAA).
Một con cá dơi trong tư thế tấn công đáng sợ ở khu vực có nhiều thân quặng kim loại dưới Đại Tây Dương. Là loài bơi lội vụng về, cá dơi có xu hướng điều khiển di chuyển bằng vây ngực và xương chậu. (Ảnh: NOAA).
Một con hải quỳ, có nhiều nét tương đồng với loài ruồi Venus, ở đáy biển ngoài khơi California. (Ảnh: NOAA).
Một con Siphonopore thanh tao được ghi hình ở độ sâu 3.700 mét dưới đáy biển Vịnh Mexico. (Ảnh: Viện Đại học Schmidt).
Các vi khuẩn màu xanh và trắng trên một miệng phun thủy nhiệt ở lưu vực Pescadero thuộc Vịnh Mexico. Khi không có ánh sáng mặt trời, các vi khuẩn này dựa vào quá trình tự tổng hợp hóa học để tồn tại. Nhiều sinh vật, bao gồm cả giun đũa nhìn thấy bên phải, ăn chúng. (Ảnh: Viện Đại học Schmidt).
Các nhà khoa học của NOAA không chắc chắn lý do tại sao những con tôm thủy nhiệt ở Mariana Arc có các màu sắc như vậy. Những con tôm này được tìm thấy ở độ sâu 3.500 mét, trên miệng phun thủy nhiệt có nhiệt độ 365C. Nhiều loài động vật khác cũng được tìm thấy ở đây như trai, sên biển, hải quỳ và giun lông. (Ảnh: NOAA).
Một con hải sâm đang nhảy múa ở độ sâu khoảng 1.500m ngoài khơi Kona, Hawaii (Ảnh: NOAA).

Bích Ngọc (Theo chinadialogueocean.net)