Khai mạc Hội thảo quốc tế Linh trưởng châu Á lần thứ 8

BVR&MT – Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8 đã chính thức được khai mạc ngày 14/11 tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức tại Việt Nam. 

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 Nhà khoa học, Nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành tới từ 20 quốc gia: Đức, Pháp, Anh, Bỉ, Cộng hoà Séc, Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Malaysia, Úc, … Về phía khách mời quốc tế có ông Jake Brunner – Trưởng đại diện tổ chức IUCN tại Việt Nam. Về phía khách mời Việt Nam có: TS. Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp; TS. Văn Ngọc Thịnh – Giám đốc tổ chức WWF Việt Nam.

GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, Việt Nam là quốc gia có số lượng loài linh trưởng cao nhất Đông Nam Á, với 24 loài và 26 phân loài, tiếp theo là Lào với 18 loài, Thái Lan và Myanmar với 17 loài, Campuchia với 13 loài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng quốc gia có số loài và phân loài đang có nguy cơ tuyệt chủng hàng đầu trên thế giới cần được ưu tiên bảo vệ. Theo Danh lục Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thế giới (IUCN), Việt Nam có 7 loài linh trưởng rất nguy cấp, 9 loài nguy cấp, 7 loài sẽ nguy cấp. Điều này có nghĩa là 90% các loài linh trưởng của Việt Nam đang có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng. Có 5 loài linh trưởng của Việt Nam đã lọt vào danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp hàng đầu trên thế giới gồm: Voọc mũi hếch, Voọc mông trắng, Voọc Cát Bà, Chà vá chân xám và Khỉ đuôi dài Côn Đảo.

ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp.

Cũng trong phiên khai mạc, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Trong 60 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Chính phủ đang ngày càng tăng cường đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học, trong đó, có các loài linh trưởng của Việt Nam và thế giới. Hiện, đã có rất nhiều Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn, Trung tâm cứu hộ được lập ra để cứu hộ, cũng như bảo vệ nghiêm ngặt sinh cảnh và môi trường sống của một số quần thể linh trưởng đặc biệt như Voọc Cát Bà, Voọc Mông trắng,…

Ông Jake Brunner, Trưởng đại diện tổ chức IUCN tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Về phía đại biểu quốc tế, các chuyên gia hàng đầu đến từ tổ chức bảo tồn Three Monkeys Wildlife Conservancy, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)… cũng đã có những tham luận về tính nguy cấp cũng như sự cần thiết của công tác bảo vệ các loài linh trưởng tại Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung.

Hội thảo diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 năm 2022 bao gồm nhiều phiên thảo luận chuyên môn như: Trình bày kết quả các nghiên cứu, ý tưởng, kinh nghiệm đến từ các chuyên gia về công tác bảo tồn các loài linh trưởng châu Á; đi thực địa tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long. Bên cạnh đó, Hội thảo còn trưng bày triển lãm ảnh, tranh vẽ và ấn phẩm về sự đa dạng linh trưởng tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng; các hoạt động bên lề nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức tham dự Hội thảo nhằm thúc đẩy tính hiệu quả và sự phát triển công tác bảo tồn linh trưởng châu Á cũng sẽ được tổ chức.

Hậu Thạch