Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi

BVR&MT – Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng tập trung là một chủ trương đúng nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản xuất theo chuỗi, gắn với thị trường. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại cũng cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhất là giải quyết thách thức về ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra.

Trang trại chăn nuôi của ông Phạm Minh Thoại.

Thời gian gần đây, người dân thôn An Bồ, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) phản ánh về việc các trang trại nuôi lợn trên địa bàn xả thải ra môi trường gây mùi hôi thối, ô nhiễm… Chúng tôi đã trực tiếp về cơ sở để tìm hiểu và được biết, thôn An Bồ được quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung với tám trang trại. Hiện, năm trang trại nuôi lợn đã đi vào hoạt động với quy mô bình quân 600 con/trang trại, được bố trí ở phía giáp đê, xa khu dân cư. Theo đánh giá bước đầu, các trang trại chăn nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải còn bất cập, nhất là khi các trang trại mở rộng quy mô chăn nuôi, cần sớm được khắc phục để bảo đảm sản xuất bền vững, an toàn dịch bệnh và an toàn môi trường…

Tại trang trại của ông Phạm Minh Thoại, một trong những trang trại lớn ở khu vực này, đang nuôi 1.500 con lợn trên diện tích 10 nghìn m2. Ông Thoại cho biết, ông đã tổ chức chăn nuôi từ năm 2016 đến nay với số vốn đầu tư gần một tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn cho nên việc đầu tư hạ tầng cơ sở không được tiến hành cùng lúc. Năm 2019, ông đã đầu tư hệ thống xử lý bi-ô-ga để giảm ô nhiễm, mới đây mua thêm máy ép phân lợn. Với máy ép này, toàn bộ phần bã từ phân lợn thải ra được thu gom để bán lại cho nông dân làm phân bón cây trồng. Phần nước thải còn lại được thu vào hầm chứa bi-ô-ga xử lý, qua ao lắng mới thải ra môi trường… Tuy nhiên, trên thực tế, tại trang trại của ông Thoại, chiếc hầm bi-ô-ga, hạng mục quan trọng nhất nhằm xử lý phần nước thải từ phân lợn để giảm ô nhiễm đã bị xẹp lép. Mặt bạt cao-su của hầm bị thủng lỗ chỗ, mùi hôi thối từ đó bốc ra nồng nặc. Ông Thoại giải thích, gần đây, hầm bi-ô-ga bị chuột cắn thủng cho nên xảy ra tình trạng nêu trên. Ông đã liên hệ với đơn vị thi công hầm để sửa chữa nhưng chưa thực hiện.

Ở trang trại của ông Phạm Văn Xuân, người quản lý trang trại là anh Lương Văn Xưởng cho biết, trang trại vừa xuất chuồng hơn nghìn con lợn, giờ đang tập trung vào khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường của hầm bi-ô-ga. Trang trại này phải hủy bỏ hầm bi-ô-ga cũ do nhỏ, không bảo đảm dung lượng xử lý chất thải. Thay vào đó, cơ sở đầu tư hơn 200 triệu đồng để lắp đặt bể bi-ô-ga lớn hơn, đồng thời cải tạo hệ thống ao lắng và thoát thải cho phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến Vũ Viết Hải, các trang trại được quy hoạch, xây dựng từ năm 2015 và đến năm 2016 đi vào hoạt động. Trong thời gian gần đây, các trang trại mở rộng quy mô chăn nuôi và một số chủ trang trại chưa thật sự quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, để xảy ra sự cố gây ô nhiễm. Trước tình hình đó, UBND xã đã yêu cầu các chủ trang trại khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng xả thải gây ô nhiễm.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Bảo Đào Nguyên Chính cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của người dân, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chính quyền xã Dũng Tiến kiểm tra thực tế và yêu cầu khẩn trương khắc phục. Các ngành chức năng đã lập biên bản và UBND xã Dũng Tiến đã xử lý phạt hành chính hơn 13 triệu đồng đối với bốn chủ trang trại nuôi lợn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Bảo Vũ Xuân Quang, từ sự việc này, UBND huyện đã tập trung tăng cường công tác quản lý các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn, nhất là việc chấp hành bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. UBND huyện đã yêu cầu các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền 30 xã, thị trấn thành lập các tổ công tác rà soát, kiểm tra thực tế việc tuân thủ quy trình bảo vệ môi trường theo dự án được phê duyệt của toàn bộ 224 trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn. Đối với các trường hợp vi phạm, UBND huyện chỉ đạo xử lý nghiêm, đồng thời yêu cầu các tổ công tác hướng dẫn, hỗ trợ chủ các trang trại, gia trại biện pháp xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường…

Từ vụ việc nêu trên cho thấy, vấn đề môi trường đã và đang trở thành thách thức đối với hoạt động sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Để tránh những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ các trang trại và tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, chính quyền các địa phương cần rà soát lại tất cả các trang trại chăn nuôi hiện có để bảo đảm phát triển theo đúng quy hoạch và khắc phục ngay những thiếu sót, nhất là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, chỉ cho phép các trang trại chăn nuôi tập trung hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu đặt ra như: Đủ khoảng cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu môi trường, trồng cây xanh cách ly và các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh… Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm, để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục… Các cơ quan chức năng chuyên ngành cũng cần thực hiện việc kiểm tra, quan trắc môi trường định kỳ theo quy định đối với các khu chăn nuôi tập trung lớn để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm và công khai các chỉ số môi trường cho người dân tham gia giám sát… Đồng thời, có chính sách, cơ chế hỗ trợ các vùng chăn nuôi tập trung, các chủ trang trại trong việc xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường về kỹ thuật cũng như về cơ sở hạ tầng xử lý chất thải…