Kêu gọi dừng tất cả dự án thủy điện Mê Công sau vụ vỡ đập tại Lào

Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) gồm các tổ chức phi chính phủ, các nhóm cộng đồng và các công dân quan tâm đến tình hình khu vực Mê Kông vừa qua đã phát đi tuyên bố bày tỏ sự bàng hoàng và mối quan ngại đến sự cố vỡ đập mới đây tại khu vực dự án thủy điện Xe Pian – Xe Nam Noy tại Lào.

Theo StM, sự cố vỡ đập tại thủy điện Pian Xe – Xe Nam Noy không phải là một thảm họa tự nhiên, mà là thảm họa do sai sót của các nhà thầu xây dựng đập thủy điện.

Liên minh này cũng cho rằng, với kế hoạch xây dựng 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong và 120 dự án đập khác trên các phụ lưu đến năm 2040 thì nhiều cộng đồng Lào và cộng đồng sống ven sông Mê Kông sẽ ngày càng dễ bị tổn thương trước những thảm họa tương tự và bị đe dọa bởi các các vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Trước khi xảy ra thảm họa này, việc dự án thủy điện Xe Pian Xe Nam Noy chuyển nước từ sông Xe Pian đến hồ chứa thủy điện đã gây ra những tác động nghiêm trọng phía hạ lưu. Những thay đổi về chất lượng nước và thủy văn đã gây thiệt hại đến nghề cá địa phương, song người dân sinh sống dọc theo sông Xe Pian không nhận được bất kì khoản đền bù hỗ trợ nào cho những mất mát về sinh kế. Khu Bảo tồn quốc gia Xe Pian nằm ngay cạnh sông Xe Pian cũng bị tác động tiêu cực bởi dự án thủy điện này.

Theo Liên minh StM, Dự án thủy điênh Xe Pian-Xe Nam Noy được xây dựng theo phương thức phổ biến mà các dự án thủy điện ở Lào và trong khu vực đang theo đuổi, bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra doanh thu mà thiếu các tham vấn ý kiến ​​của các cộng đồng bị ảnh hưởng hoặc các bên liên quan một cách thỏa đáng về các thiệt hại về xã hội và môi trường. Vì vậy, phần lớn lợi ích và lợi nhuận từ các dự này đều rơi vào tay các chủ xây dựng và nhà đầu tư trong khi người dân địa phương phải gánh chịu các ảnh hưởng và rủi ro.

Liên minh cho rằng, các nhà phát triển, các đơn vị cung cấp tài chính và nhà đầu tư cho dự án này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thiệt hại do dự án thủy điện Xe Pian Xe Nam Noy gây ra, bao gồm cả những thiệt hại xảy ra ở hạ nguồn sông tại Campuchia. Ngoài ra, để minh bạch, các thỏa thuận chuyển nhượng giữa công ty và chính phủ có quy định rõ trách nhiệm của công ty phải được công bố rộng rãi….

Trước sự cảnh tỉnh từ thảm họa vỡ đập, Liên minh Cứu sông Mê Kông cũng kêu gọi chính phủ các nước hạ lưu sông Mê Kông tạm dừng các dự án thủy điện  trong khu vực để tiến hành đánh giá một cách toàn diện, độc lập và minh bạch; đồng thời tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế và chính sách phát triển bền vững.

Thủy điện Xe Pian – Xe Nam Noy là dự án gây tranh cãi từ khi mới bắt đầu xây dựng. Năm 2013, các nhà hoạt động xã hội dân sự đã lên tiếng về dự án này do quá trình tham vấn không thỏa đáng, báo cáo đánh giá tác động môi trường không đầy đủ, thiếu các đánh giá tác động xuyên biên giới, các tiêu chí về môi trường – xã hội không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Các giai đoạn lập kế hoạch của dự án thiếu thông tin về tác động tiềm ẩn và thiếu các phương án giảm thiểu thiệt hại do dự án gây ra cho cộng đồng địa phương. Tại khu tái định cư thủy điện này, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến ​​cảnh người dân gặp khó khăn về nguồn lương thực, nước và đất canh tác.

 

Bạch Dương

CHIA SẺ