Kênh Youtube đăng video làm thịt động vật hoang dã

BVR&MT – Ngày 10/04, trên kênh Youtube có tên Ẩm Thực Tam Mao đăng tải một video mang tên “14 NGÀY CÁCH LY – Ngày Thứ Chín : Qua Đêm Trong Ống Cống”. Trong nội dung video được đăng tải hai nhân vật này thực hiện bẫy một con chim được cho là chim Bìm bịp để làm thịt. Loài chim này là một trong những loài chim hoang dã được bảo vệ của Việt Nam.

Sau khi 2 anh em Tam Mao đăng tải video bẫy động vật hoang dã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Ảnh chụp màn hình

Trong nội dung video, 2 anh em Tam Mao chia sẻ trong video, trong thời gian thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ đã mượn được một cái bẫy chim. Sau đó 2 anh em tiến hành đi bẫy chim Bìm bịp để làm nội dung đăng tải lên Youtube. Sau khi bẫy được một con chim Bìm bịp thì một trong 2 thành viên đã vặt lông sống con chim Bìm bịp này để ăn thịt.

Ngay sau khi đăng tải lên YouTube, video này thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận của cộng đồng mạng. Nhiều người còn tỏ ra hào hứng, thích thú với hành động của 2 anh em Tam Mao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Bìm bịp là động vật hoang dã, có tên khoa học là Centropus sinesis, là một loài chim thuộc chi Bìm bịp. Bìm bịp lớn phân bố ở Nam Á, Bangladesh, Bhutan, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Con trống và con mái có màu lông giống nhau. Chim non có lông màu nâu chấm đen phủ toàn thân. Ở con trưởng thành, phần đầu mỏ, cổ và ngực cũng như đuôi có màu đen lợt. Mình và hai cánh có màu nâu đỏ. Cặp mắt của chúng màu đỏ au, đôi chân đen bóng. Bìm bịp lớn là loài loại chim định cư, thích ở bụi rậm, lau sậy um tùm gần sông suối, đầm lầy. Chúng thường dựa vào thủy triều để kiếm ăn và đi từng cặp. Loài chim này là loài ăn thịt, chúng thích ăn mồi sống như ếch, cá, nhất là rắn.

Hình ảnh vặt lông sống được 2 anh em Tam Mao cho là con chim Bìm bịp sau khi đã bẫy được. Ảnh cắt từ video

Theo tìm hiểu, Ẩm Thực Tam Mao là kênh YouTube thu hút rất nhiều người xem hiện nay do 2 anh em Tam Mao quản lý. Người có biệt danh “Mao Đại Ca” tên thật Lê Mạnh Cường (SN 1991) còn “Mao Đệ Đệ” tên thật Nguyễn Văn Dũng (SN 2000), hai anh em Tam Mao trú ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Được biết, ngày 5/3/2019, kênh YouTube Ẩm thực Tam Mao cũng do 2 anh em Tam Mao quản lý đăng tải video làm thịt một con chim được cho là diều hoa Miến Điện – giống chim quý bị cấm săn bắt. Sau khi đăng tải video lên đã bị cộng đồng mạng phản ứng rất gay gắt. Sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính anh em kênh Ẩm Thực Tam Mao số tiền 1,5 triệu đồng sau nghi vấn làm thịt chim quý có trong sách đỏ rồi quay clip lên mạng câu like. Vì mọi vật chứng như lông chim, xương chim đã bị đốt bỏ, phi tang nên cơ quan chức năng không xác định được loài chim anh em Tam Mao đã làm thịt có phải loài Diều hoa Miến Điện (loài chim quý trong sách đỏ như thông tin tố cáo trên mạng xã hội) hay không.

2 anh em Tam Mao đang ăn con thịt con chim được cho là Bìm bịp. Ảnh cắt từ clip

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phản ánh, kiến nghị nêu tại bài báo, theo thẩm quyền chủ động có các biện pháp ngăn chặn các hành vi săn bắt, giết thịt trái phép động vật hoang dã; đề xuất nội dung chỉ đạo về việc này tại dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã (giao tại Công văn số 1744/VPCP-KGVX ngày 06/3/2020); hoàn thiện dự thảo Chỉ thị bảo đảm sát thực tế, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ sớm.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương có các biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, phát tán phim, đoạn phim (video, clip) về việc săn bắt, giết thịt trái phép động vật hoang dã theo quy định của pháp luật.

Việc buôn bán, tiêu thụ và giết mổ động vật hoang dã là hoạt động bị cấm tại Việt Nam, những hành vi trên nếu bị phát hiện sẽ xử phạt rất nặng và thậm chí là phạt tù. Cần phải xử lý triệt để trong thời điểm hiện nay, nhất là được các tổ chức khuyến cáo, động vật hoang dã được cho chính là nguyên nhân lây lan bệnh dịch Covid-19.

Trả lời báo chí về quy định xử lý các hành vi săn bắt, giết thịt động vật hoang dã trên không gian mạng, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi săn bắt, giết động vật rừng được căn cứ theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp và Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, hành vi vi phạm về săn bắt, giết động vật rừng trái quy định pháp luật thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm để xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 234, 244 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong việc quảng cáo trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, tại điểm a khoản 4 Điều 4 và điểm đ khoản 1 Điều 50 quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất phim có nội dung có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Hành vi đăng tải các thông tin quảng cáo nhằm mục đích để bán cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm của động vật hoang dã thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Trong lĩnh vực Lâm nghiệp: Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Theo đó, tại điểm đ khoản 4 Điều 16 quy định xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo để kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật.

Đình Tưởng