Kênh nhà Lê bị “bức tử” bởi các xưởng sản xuất đá

BVR&MTCả đoạn kênh nước trắng xóa, bột đá lắng đọng dày đặc. Đó là thực trạng đang diễn ra nhiều năm qua tại kênh nhà Lê đoạn chảy qua phường An Hưng và phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa).

Kênh nhà Lê (hay còn gọi là Sông nhà Lê), được đào và khơi vét vào các đời Tiền Lê, Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, kênh nhà Lê được biết đến như một tuyến giao thông đường thủy quan trọng. Ngoài ra, kênh nhà Lê góp phần tiêu úng cho cả một vùng rộng lớn đồng bằng Thanh Hóa. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua con kênh này đang phải “gồng mình” gánh chất thải từ hoạt động của làng nghề sản xuất đá.

“Bức tử” môi trường trong thời gian dài…

Nhiều nay qua, quá trình chế tác đá mỹ nghệ của các xưởng sản xuất đá ở phường Quảng Thắng và phường An Hưng (TP.Thanh Hóa) đã gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, lẫn ô nhiễm tiếng ồn, khiến người dân sống dọc hai bên bờ kênh nhà Lê vô cùng bức xúc. Đặc biệt, nước thải trong quá trình mài, cắt, xẻ đá không được xử lý chảy trực tiếp ra con kênh trong thời gian dài, làm cho lòng kênh bị bồi lắng một lớp bột đá dày đặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu úng trong mùa mưa lũ.

Theo người dân sinh sống quanh khu vực sản xuất, chế biến đá tại phố Phù Lưu 2, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa, nước sông đổi màu trắng là do nước thải kèm bột đá trong quá trình mài, cắt, xẻ đá tại các xưởng sản xuất đá thải trực tiếp ra sông. Đến thời điểm hiện tại không còn sự sống của các loài thủy sinh dưới dòng sông này. Trước thực trạng trên người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri thế nhưng sự việc trên vẫn tiếp diễn và tồn tại nhiều năm qua.

 “Tình trạng ô nhiễm này diễn ra nhiều năm rồi, nhưng thời gian gần đây tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Trước đây, dưới sông này nhiều tôm, tép lắm, nhưng hai đến ba năm trở lại đây không còn con nào sống cả…chúng tôi nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng không thấy tình trạng ô nhiễm này được giải quyết” – một số người dân phố Trần Hưng bức xúc.

Theo quan sát, dọc tuyến kênh chảy qua địa phận phường Quảng Thắng và phường An Hưng. Nhiều ống nước ngầm đang “xối xả” nước thải xuống con kênh, làm cho nước tuyến kênh đổi màu nước trắng đục (do bột đá).

Có mặt tại làng nghề đá tại phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), nhiều thiết bị máy móc mài, cắt, xẻ đá đang hoạt động “náo nhiệt”, tiếng cắt, xẻ đá “đinh tai nhức óc”. Công nhân làm việc tại đây không được trang bị bất kỳ đồ bảo hộ lao động nào.Tại đây, nước thải trong quá trình mài, cắt, xẻ đá được dẫn vào một hố nước tập trung (các chủ cơ sở gọi là hố lắng), sau đó nước tràn chảy theo các rãnh trực tiếp ra kênh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn, ông Phạm Văn Tới, phó chủ tịch UBND phường Quảng Thắng phân trần: “Hiện nay, làng nghề có 9 hộ đang sản xuất đá tại đây, về công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của các hộ chưa đảm bảo, xả thải gây ô nhiễm cho dòng sông nhà Lê.

Hàng năm UBND phường cũng lập đoàn kiểm tra, phát hiện và xử lý các hộ vi phạm, yêu cầu các hộ chấp hành nghiêm các biện pháp xử lý nước thải, bảo vệ môi trường nhưng thực trạng vẫn chưa đảm bảo”– Ông Tới cho biết thêm.

Cần xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm

Được biết, làng nghề  chế tác đá mỹ nghệ Quảng Thắng đi vào hoạt động từ năm 2010, thu hút được 13 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và chế biến đá trên địa bàn phường vào sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn 9/13 cơ sở hoạt động.

Theo thông tin từ chính quyền phường Quảng Thắng, từ khi đi vào hoạt động phường cũng đã kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở hoạt động xả thải trước tiếp nước thải ra sông, gây ô nhiễm môi trường. Phường cũng đã lập nhiều biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhiều cơ sở gây ô nhiễm tại đây.

Ngày 22/3, UBND phường Quảng Thắng đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt đối với 5 cơ sở sản xuất và chế biến đá (gồm hộ ông Trương Sỹ Dũng; Phạm Văn Tiến; Trương Sỹ Đồng; Lê Ngọc Tùng và Nguyễn Văn Trình). Các cơ sở này đã lắp đặt đường ống để xả thải bột đá không qua xử lý xuống sông nhà Lê (sông Vinh, kênh nhà Lê) với số tiền 1,5 triệu đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả.

Tại các quyết định xử phạt trên cũng nêu rõ: “Buộc các đơn vị phải vận hành đúng quy trình đối với việc xử lý nước thải trong sản xuất đá của gia đình; buộc tháo dỡ các công trình, thiết bị đường ống nước thải được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường. Tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy tại khu vực xả thải xuống sông nhà Lê”.

Cũng tại quyết định trên, nếu quá thời hạn mà các hộ không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 14/4, theo quan sát của phóng viên, tình trạng xả thải vẫn tiếp diễn, các đường ống vẫn “xối xả”, cả tuyến kênh vẫn nhuộm màu trắng xóa. Người dân vẫn kêu than, dư luận vẫn bất bình, các đơn vị vẫn hoạt động xả thải bất chấp các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Trước thực trạng trên, UBND TP. Thanh Hóa, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm ảnh hưởng đến kênh nhà Lê


Thức Bá