Ít nhất 35% diện tích đất ngập nước đã biến mất

BVR&MT – Đất ngập nước là các hệ sinh thái như hồ, sông, đầm lầy và than bùn cũng như các vùng biển, ven biển bao gồm rừng ngập mặn và rạn san hô. Tuy nhiên, nghiên cứu do Công ước về các vùng đất ngập nước toàn cầu thực hiện gần đây cảnh báo các vùng đất ngập nước trên thế giới đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng. Gần 35% diện tích đất ngập nước trên toàn thế giới đã bị mất trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 2015, trong đó, châu Mỹ Latinh mất nhiều nhất, chiếm xấp xỉ 60% trong khi tỷ lệ này ở châu Phi là 42%.

Các vùng đất ngập nước có vai trò như hàng rào phòng vệ tự nhiên và hoạt động như một miếng bọt biển khổng lồ giúp hấp thụ, tích trữ lượng nước mưa cũng như sóng bão nên việc để mất các khu vực này khiến nhiều thành phố trên thế giới rơi vào tình trạng ngập lụt sâu mỗi khi thời tiết cực đoan xảy ra.

Được biết, việc bảo tồn các vùng nước này ở các khu vực đô thị là trọng tâm của một hội thảo quốc tế về các vùng đất ngập nước vừa được tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Theo đó, để kiểm soát lũ lụt và các lợi ích khác, hội thảo đã phát động đề án công nhận cho các thành phố bảo tồn vùng đất ngập nước và theo đề án này, 18 thành phố trên khắp thế giới dự kiến sẽ được công nhận là bảo tồn vùng đất ngập nước.

Việc mở rộng diện tích tại các thành phố hiện nay thường xâm lấn vào các vùng đất ngập nước bởi vì những khu vực này thường được xem là đất hoang để sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn như nơi đổ rác. Điều đáng ngại là khoảng một nửa dân số thế giới hiện nay sống ở khu vực đô thị và dự kiến sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050.

Một vùng đất ngập nước ở Nam Phi (Ảnh: BBC)

Do đó, theo chuyên gia về đất ngập nước Lew Young, “ý tưởng công nhận các thành phố nhằm giúp những nơi này nhận ra giá trị của đất ngập nước và tích hợp chúng vào quy hoạch đô thị. Lợi ích của việc có đất ngập nước là tăng khả năng chống chịu trước thiên tai, kể cả sóng thần”.

Trước đây, giới khoa học cũng đã nhiều lần cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ gây ra lượng mưa cực lớn và các cơn bão biển mạnh có thể làm ngập lụt các thành phố. Tuy nhiên, chính những hồ, đầm và bãi ngập ven sông sẽ giúp hấp thụ lượng mưa vượt ngưỡng, đặc biệt các bãi lầy ngập mặn và rừng ngập mặn còn có tác dụng như một lớp đệm chống lại sóng bão. Đáng chú ý là một số chuyên gia cho rằng vùng đất ngập nước nội địa còn có giá trị kinh tế gấp năm lần rừng nhiệt đới.

Không chỉ cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp gần như tất cả nguồn nước ngọt của thế giới, vùng đất ngập nước còn là nguồn sinh kế dồi dào và là nơi cư trú lý tưởng của nhiều loài động thực vật. Báo cáo gần đây của Công ước Đất ngập nước cho thấy hơn một tỷ người sống phụ thuộc vào các vùng đất ngập nước và có tới 40% các loài động thực vật trên thế giới sống và sinh sản trong vùng đất ngập nước.

Vậy nhưng trong kế hoạch quốc gia của các nước thì các vùng đất ngập nước vẫn bị đánh giá thấp bởi những người ra quyết định/hoạch định chính sách.

Nhật Anh (Theo BBC)