Huyện Vĩnh Cửu quyết tâm giữ vững và phát triển danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới

BVR&MT – Được Thủ tướng công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 4/2018, huyện Vĩnh Cửu – tỉnh Đồng Nai đang từng ngày xây dựng huyện nhà phát triển, theo mô hình phát triển kinh tế bền vững. Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi Trường có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Phi – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai.

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong việc xây dựng và phát triển danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Vĩnh Cửu đã có những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Võ Văn Phi: Về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, huyện Vĩnh Cửu có vị trí địa lý kinh tế thuận lợi (nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam). Khí hậu ôn hòa, không có các hạn chế về thời tiết (bão, lụt, gió lạnh, sương muối…) Nguồn tài nguyên khá phong phú đặc biệt là tài nguyên rừng rất lớn; diện tích hồ Trị An rộng lớn, luôn giữ vai trò cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt dân cư cho huyện và tỉnh.

Tuy nhiên, huyện Vĩnh Cửu nằm ở vị trí thượng nguồn sông Đồng Nai và là huyện có tiềm năng phát triển du lịch đã đặt ra cho Vĩnh Cửu thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển đó là phát triển bền vững kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước.

PV: Trước khi được thủ tướng chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã có những chuẩn bị như thế nào?.

Ông Võ Văn Phi: Đây là niềm vui cũng là thách thức cho huyện Vĩnh Cửu, chúng tôi phải dồn hết sức vào việc hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng…để chuẩn bị cho huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung vào những việc chính như công tác chỉ đạo do Bí thư huyện Ủy làm trưởng ban, Chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (từ đất lúa kém hiệu quả, đất trồng mì; trồng các loại cây trồng mang lại hiệu quả thấp) sang chuyên canh trồng bưởi, cam, quýt, chăn nuôi hươu nai, những mô hình có giá trị kinh tế cao.

Chỉ đạo việc thực hiện Đề án phát triển du lịch của huyện gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững, chỉ đạo phát động cuộc thi “Ấp-khu phố văn hóa sáng, xanh, sạch, đẹp” để tạo ra các tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, nhận thức về môi trường sống của các tầng lớp nhân dân ở địa bàn dân cư từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện. Thường xuyên làm việc với UBND các xã để đánh giá, rà soát các tiêu chí chưa hoàn thành, các hạng mục cần đầu tư, xác định nguồn vốn cần bổ sung để thực hiện đạt các tiêu chí, kịp thời chỉ đạo các ngành hỗ trợ các địa phương để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, còn tăng cường công tác truyền thông, đào tạo tập huấn và huy động nguồn lực để phát triển huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện Vĩnh Cửu đã trải qua 70 năm hình thành và phát triển.

PV: Trong huyện có các công ty, nhà máy, xí nghiệp nào đang hoạt động, quy mô như thế nào?

Ông Võ Văn Phi: Hiện nay, huyện Vĩnh Cửu có 01 khu công nghiệp, 06 cụm công nghiệp và 01 cụm nghề có tổng diện tích khoảng 525 ha. Ngoài ra, huyện còn quy hoạch các điểm sản xuất kinh doanh tại các địa phương, tính đến đầu năm 2018 hiện có khoảng 500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Một số doanh nghiệp tiêu biểu tại huyện như Công ty TNHH Changshin Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực giày da với khoảng 23.000 công nhân, Công ty TNHH Tuấn Lộc đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ với khoảng 700 công nhân, Công ty Cổ phần Gạch men Phương Nam đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch men và đồ sứ với khoảng 400 công nhân,…

Toàn thể huyện Vĩnh Cửu cùng nhau quyết tâm xây dựng và giữ vững danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

PV: Với số lượng doanh nghiệp cũng như có nhiều danh lam thắng cảnh thuận lợi cho việc phát triển du lịch, huyện Vĩnh Cửu đã có những biện pháp gì để vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường?

Ông Võ Văn Phi: Huyện xây dựng kế hoạch cụ thể và tiến hành việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các công ty, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm và người dân trên địa bàn huyện nắm rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về phòng chống cháy rừng, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Để bảo vệ rừng và môi trường mang tính bền vững, lâu dài, nhiều năm qua, huyện luôn thực hiện chủ trương tăng cường trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc với diện tích rừng năm sau luôn tăng so với năm trước; đến nay toàn huyện có diện tích rừng các loại đạt trên 109.570,60 ha, chiếm 66% tổng diện tích tự nhiên của huyện.

Về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững: Huyện chú trọng thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiến tiến, thân thiện với môi trường; từng bước sắp xếp lại các ngành nghề vừa phù hợp với quy hoạch, vừa đảm bảo việc xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh được thuận lợi và đạt kết quả cao nhất.

PV: Mục tiêu tiếp theo trong tương lai của huyện Vĩnh Cửu là gì?

Ông Võ Văn Phi: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, tập trung thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 3/11 xã trên địa bàn huyện hoàn thành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 1753/QĐ-UBND ngày 23/05/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai, góp phần đảm bảo Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn luôn phát triển ổn định và bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hữu Vũ