Huyện đầu tiên, duy nhất ở Đất Mỏ không còn hộ nghèo
BVR&MT – Đảo ngọc Cô Tô đã hoàn thành thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, về đích trước 1 năm so với kế hoạch và trở thành huyện đầu tiên và duy nhất ở Đất Mỏ Quảng Ninh đến thời điểm này không còn hộ nghèo.
Nếu như năm 2016, toàn huyện Cô Tô có 56 hộ nghèo (3,19%), thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đã được đưa về con số 0%. Chính sách giảm nghèo được huyện đảo thực hiện một cách thiết thực, để người nghèo thoát nghèo bền vững, huyện xác định giúp họ “cần câu” hơn là chỉ cho “con cá”.
Chính vì thế, hàng năm huyện đều có chính sách đào tạo nghề ở nông thôn cho hàng trăm người/năm và ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia các lớp học. 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có yêu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở, vay vốn để phát triển sản xuất, được hỗ trợ tiền điện… Để người nghèo được “an cư lạc nghiệp”, trong khi nhiều gia đình nhà cửa xập xệ, năm 2019, huyện đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ cho 4 hộ gia đình có người khuyết tật, trẻ em mồ côi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện nhà ở. Tổng kinh phí hỗ trợ 308 triệu đồng/4 nhà, gồm tiền mặt và vật liệu xây dựng (gạch, ngói, xi măng). Hiện nay các ngôi nhà đều đã hoàn thành, các hộ được hỗ trợ nhà đều đã thoát nghèo.
100% hộ nghèo được tiếp cận với các mô hình hỗ trợ thoát nghèo, phù hợp với điều kiện sống và hoàn cảnh của mỗi người, giúp họ có phương tiện sản xuất (như hỗ trợ bò, ngư cụ đánh bắt cá). Việc hỗ trợ phù hợp đã giúp các hộ nghèo phát huy tốt hơn khả năng của mình được vươn lên.
Theo báo cáo của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cô Tô, để đưa số hộ nghèo trên địa bàn về con số 0%, trong 5 năm, tổng kinh phí hỗ trợ đã lên con số gần 4,94 tỷ đồng, thực hiện các mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Một công việc thiết thực nữa, Chương trình y tế biển đảo được thực hiện triệt để. Hàng năm, 100% người dân đủ điều kiện được hỗ trợ bảo hiểm y tế với 6.696 thẻ Bảo hiểm y tế, trong đó 223 thẻ người nghèo, 259 thẻ cho người cận nghèo. 100% trạm y tế trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế, được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giúp người dân có sức khỏe tốt phát triển sản xuất.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, một trong những quyết sách chiến lược để Cô Tô vươn mình là khi Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô với tổng mức đầu tư 1107 tỷ đồng được khánh thành đưa vào vận hành từ cuối năm 2013.
Có ánh sáng điện lưới quốc gia, cùng với cơ sở hạ tầng đường, trường trạm, bến cảng, đường giao thông xuyên đảo, hồ chứa nước được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư… đảo ngọc vươn mình trỗi dậy. Từ một đảo vắng, xa xôi cách trở, Cô Tô trở thành một trong các điểm hút khách nhất của Quảng Ninh, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới.
Năm 2019, tổng lượng khách đến Cô Tô đạt 280.000 lượt – gấp gần 50 lần tổng dân số của huyện đảo. Các dịch vụ có dịp phát triển. Người dân Cô Tô đa phần vốn chỉ biết nghề biển thì nay nhiều người đã biết đến homestay, là chủ những nhà nghỉ, khách sạn quy mô, sang trọng.
Năm năm qua, tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 15,65%, cao hơn so với bình quân chung giai đoạn 2011 – 2015 (13,35%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với thương mại – dịch vụ chiếm 60,8%; công nghiệp – xây dựng chiếm 15,5%; nông, lâm, thủy sản chiếm 23,7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2.500 USD năm 2015 lên 4.000 USD năm 2020 – hoàn thành chỉ tiêu Đại hội V đề ra. Và điều đặc biệt là kể từ tháng 7/2019 đến thời điểm này, Cô Tô là huyện đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo.