Hữu Lũng Xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển kinh tế

BVR&MT – Hữu Lũng – Lạng Sơn là một huyện miền núi, được sự đồng lòng xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao. Năm 2020, các địa phương nỗ lực gây dựng NTM gắn liền với phát triển kinh tế sản phẩm OCOP, tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất, mở rộng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo thêm nguồn lực nội sinh nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào NTM.

Hữu Lũng – Lạng Sơn Xây dựng nông thôn mới.

Phát triển kinh tế tái cơ cấu nông nghiệp

Đối với các mô hình phát triển kinh tế sản xuất trên địa bàn huyện Hữu Lũng, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, bền vững. Hiện, hình thành các vùng sản xuất tập trung để tạo ra sản lượng hàng hóa quy mô lớn, ổn định trên cơ sở phát huy lợi thể tự nhiên từng loại cây trồng, vật nuôi của từng địa phương; đồng thời gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất đối với các nông sản có hiệu quả kinh tế cao với các nhà doanh nghiệp; tăng cường công tác tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của toàn huyện.

Xem thêm:

Hữu Lũng – Lạng Sơn: Cải thiện đời sống đồng bào DTTS từ xây dựng thương hiệu vùng cao

Hữu Lũng – Lạng Sơn: Đẩy mạnh nghề ươm cây giống lâm nghiệp

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNN) đã chủ động tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân một cách hiệu quả và bền vững.

Hữu Lũng Xây dựng nông thôn mới với nhiều thế mạnh cho phát triển du lịch tại xã Yên Thịnh
Hữu Lũng Xây dựng nông thôn mới với nhiều thế mạnh cho phát triển du lịch tại xã Yên Thịnh.

Cụ thể, UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNN huyện phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện tham mưu cho UBND huyện giao vốn cho 7 xã thực hiện gồm: Xã Vân Nham được phân bổ 350 triệu để thực hiện dự án hỗ trợ trồng cây ăn quả (cây Thanh Long); Xã Đồng Tân được phân bổ 300 triệu để thực hiện dự án chăn nuôi gà thương phẩm thả vườn và Hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây ăn quả; Xã Sơn Hà được phân bổ 290 triệu để thực hiện mô hình phát triển cây giống lâm nghiệp; Xã Cai Kinh được phân bố 400 triệu để thực hiện dự án trồng khoai tây và hỗ trợ chăm sóc cây bưởi diễn; Xã Hòa Lạc được phân bổ 300 triệu để thực hiện dự án trồng khoai tây; Xã Nhật Tiến được phân bổ 460 triệu để thực hiện dự án hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả (cây Bưởi).

Ngoài ra, huyện còn Tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Thành phố Hải Phòng cho 44 đồng chí cán bộ các đơn vị chuyên môn, lãnh đạo và cán bộ phụ trách NTM một số xã trên địa bàn huyện.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp

Theo Hạt kiểm lâm huyện Hữu Lũng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các ngành trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, nổi bật là tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật vệ bảo về và phát triển rừng.

Thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND huyện về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, thực hiện trách nhiệm về quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Năm 2020, tuyên truyền lồng ghép 19 cuộc họp, thông qua hội nghị với 1.634 lượt người tham gia. Thường xuyên đôn đốc các xã có rừng quản lý, bảo vệ tốt, không có cháy rừng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng có hơn 40.000 ha đất có rừng, trong đó, có hơn 8.000 ha rừng đặc dụng, 20.000 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Những năm trước đây, trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Để hạn chế tình trạng đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân trên địa bàn.

Trên địa bàn đang được đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp, các hợp tác xã đã liên kết lại thành các mô hình vườn ươm cây giống. Theo Hạt kiểm lâm huyện Hữu Lũng, số lượng cây trồng ước đạt 196.760 cây chủ yếu là cây Keo hom. Phối hợp với UBND các xã kiểm tra, nghiệm thu cây trồng phân tán, đã thực hiện nghiệm thu trồng cây năm 2020 với 7/24 xã. Khu vực khoanh nuôi 60 ha, chăm sóc rừng trồng 1.200 ha.

Phát triển kinh tế rừng tại Hữu Lũng Lạng Sơn.

Đối với các đơn vị đang thực hiện kiểm tra với tổng số cơ sở là 43 cơ sở; trong đó, 3 cơ sở có giấy chứng nhận về nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp là Công ty TNHH MTV Cửu Long Lạng Sơn, Công ty TNHH MTV giống cây trồng Hữu Lũng, Công ty TNHH MTV LN An Phú Hữu Lũng. Ngoài ra các cơ sở chưa có giấy chứng nhận về nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp là 40 cơ sở.

Việc chú trọng tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng đã góp phần nâng cao nhận thức, đối với giá trị kinh tế rừng. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện đang xây dựng thực hiện mô hình phát triển cây giống lâm nghiệp, từ đó phần nào hạn chế hiện tượng chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng; các vụ vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn giảm. Cụ thể: từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 14 vụ vi phạm về vận chuyển gỗ trái phép, giảm 4 vụ  so với cùng kỳ năm 2019.

Chia sẻ với Phóng viên Tạp Chí Bảo Vệ Rừng và Môi trường, Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Hữu Lũng phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí. Để huy động sức dân, UBND huyện, các xã trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, từ đó huy động tốt nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch xây dựng NTM đề ra.

Ngoài bố trí kịp thời, sử dụng hiệu quả nguồn Trung ương phân bổ theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm nay, các địa phương hiện nỗ lực thực thi các giải pháp đồng bộ, nhất là liên kết trong sản xuất hàng hóa, xây dựng các sản phẩm OCOP, nhằm tạo thêm nguồn lực nội sinh, xây dựng, phát triển NTM bền vững.

Văn Trì.