Hữu Lũng – Lạng Sơn: Cải thiện đời sống đồng bào DTTS từ xây dựng thương hiệu vùng cao

BVR&MT – Từ năm 2016 – 2020, UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp theo đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm bước đầu cho những kết quả thành công nhất định. Hiện nay, diện mạo nông thôn mới huyện Hữu Lũng đang chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn được giảm đáng kể, tỷ lệ người dân tộc thiểu số có trình độ giáo dục cao đẳng, đại học ngày một tăng, nhận thức và hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc theo đó cũng ngày một nâng cao.

Đến hết năm 2019, từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững lồng ghép với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Hữu Lũng và các xã đã chủ động xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nhà văn hóa thôn, làm cho diện mạo nông thôn nơi đây thay đổi hơn so với gần 5 năm trước.

Về phát triển sản xuất, UBND xã chủ động xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm mỗi xã, hiện tại đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình trồng na, trồng cây giống lâm nghiệp, xây dựng mô hình du lịch văn hóa cộng đồng Hữu Liên. Ngoài ra tổ chức hỗ trợ bà con hộ nghèo chương trình bò giống.

Xây dựng mô hình giống cây lâm nghiệp và đặc sản vùng miền

Xác định việc đưa được giống cây tốt vào trồng rừng là biện pháp quan trọng để phát triển rừng, do đó, từ năm 2019, các cấp, ngành ở huyện Hữu Lũng đã triển khai chương trình hỗ trợ cải tạo giống cây lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giống cây  lâm nghiệp trên địa bàn. Sau một năm thực hiện, việc hỗ trợ cây keo giống F1 cho bà con bước đầu cho hiệu quả.

Toàn huyện Hữu Lũng hiện có 757 vườn cây con giống lâm nghiệp  phân bố ở 10 xã, thị trấn với tổng diện tích khoảng 150 ha.

Để nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn, từ năm 2019, UBND huyện Hữu Lũng đã triển khai chương trình hỗ trợ cải tạo giống cây lâm nghiệp tại các xã: Hòa Thắng, Hồ Sơn, Sơn Hà, Minh Sơn và thị trấn Hữu Lũng.

UBND huyện Hữu Lũng sẽ hỗ trợ phân bón và theo dõi chỉ đạo kỹ thuật sát sao hơn để xây dựng được những mô hình vườn cây giống điểm, chuẩn, chất lượng, giúp bà con có nguồn giống cây lâm nghiệp tốt để trồng rừng. Thành công của chương trình sẽ là tiền đề để huyện triển khai thêm các loại giống cây lâm nghiệp khác, tiến tới xây dựng thương hiệu giống cây lâm nghiệp chất lượng cao của huyện.

Cùng với đó, nhiều đặc sản vùng, miền của Lạng Sơn đã khai mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, huyện Hữu Lũng còn triển khai các giải pháp nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Từ đó, giá trị cây ăn quả được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Xác định cây na là một trong những cây ăn quả thế mạnh của huyện  trong những năm qua, phòng chuyên môn đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Việc sản xuất na theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt được người dân tích cực hưởng ứng tham gia và đã đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh tập trung trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, để nâng cao giá trị cây ăn quả, huyện Hữu Lũng còn tập trung hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm như: xây dựng nhãn hiệu tập thể quả tươi Hữu Lũng, hỗ trợ tem nhãn truy xuất nguồn gốc, bao bì; quảng bá sản phẩm thông qua ngày hội hoa quả tươi cũng như quảng bá, trưng bày sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh.

Du lịch sinh thái cộng đồng trên thảo nguyên xanh Hữu Liên

Cùng với hệ sinh thái tự nhiên, trên địa bàn Hữu Lũng còn có một nơi hoang sơ hữu tình Hữu Liên. Hoạt động bảo tồn loại hình văn hóa đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự và trải nghiệm du lịch.

Làng du lịch sinh thái cộng đồng xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) nằm ở phía tây nam tỉnh Lạng Sơn. Hữu Liên được bao bọc xung quanh là núi đá vôi, ở giữa là rừng núi đất thấp và những thung lũng đồng ruộng.

Với tiềm năng về văn hóa lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh độc đáo, nơi đây trở thành điểm tham quan lý tưởng dành cho những ai yêu thích du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch khám phá.

Danh thắng Đồng Lâm cách trụ sở UBND xã Hữu Liên đi về phía Bắc khoảng 3km có diện tích hàng trăm héc ta với cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, trên núi có hang, giữa có cánh đồng cỏ bằng phẳng và dòng suối chảy qua; cánh đồng cỏ rộng lớn kết hợp thảm thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng tạo nên một thảo nguyên xanh mát.

Khu du lịch sinh thái Đồng Lâm, Hữu Liên.

Phần lớn khách du lịch khi đến Hữu Liên ngoài việc tìm hiểu bản sắc văn hóa – đời sống xã hội của địa phương, khám phá các khu rừng nguyên sinh… vẫn thường kết hợp dựng trại nghỉ để thưởng ngoạn phong cảnh.

Tại đây có một hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên đó là 2 mùa rõ: Mùa Xuân sẽ là một thảm cỏ thực vật rộng lớn như thảo nguyên Mông cổ; hai là khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, bước vào mùa mưa, nước dâng cao phủ kín cánh đồng cỏ rộng lớn, tạo nên một không gian tự nhiên kỳ vĩ của non nước, một số khách du lịch đến để được tham quan và trải nghiệm các hoạt động như câu cá thư giãn, chèo mảng, và thưởng thức không khí trong lành và ẩm thực đặc sắc.

Văn Trì