Hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng 2023 với chủ đề: “Rừng và Sức khỏe”

BVR&MT – Năm 2012, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 21 tháng 3 là Ngày Quốc tế về Rừng, là một ngày hành động quốc tế nhằm luôn nhắc nhở chúng ta trong việc nâng cao ý thức về tầm quan trọng của các khu rừng. Vào ngày này hằng năm, các quốc gia đều được khuyến khích tổ chức các hoạt động liên quan về cây và rừng, chẳng hạn như Chiến dịch trồng cây xanh,… và chủ đề cho 2023 sẽ là “Rừng và Sức khỏe”.

Quản lý rừng bền vững và cách sử dụng tài nguyên rừng một cách hiệu quả là chìa khóa giúp ta chống lại biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Không những thế, theo Liên Hợp Quốc, rừng còn đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm sự nghèo đói và giúp đạt được các thành tựu trong Mục tiêu phát triển bền vững.

Hơn nữa, rừng luôn chăm sóc sức khỏe con người trực tiếp hay gián tiếp. Chúng giúp ích cho tất cả mọi người cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, rừng giúp thanh lọc không khí và nguồn nước, cung cấp con người những dược liệu thiên nhiên quý giá. Bên cạnh đó, việc dành thời gian hòa mình vào rừng cây xanh sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm huyết áp và giúp tâm trí con người thư giãn, đây được gọi là liệu pháp “tắm rừng”.

Rừng thanh lọc nước và không khí

Như chúng ta đã biết các khu rừng góp vai trò lớn trong việc thanh lọc và cải thiện hàm lượng oxy trong không khí bằng cách hấp thụ khí CO2 và thải ra khí O2. Điều này hỗ trợ duy trì mức nhiệt độ ổn định hơn.

Ngoài ra, rừng còn có thể giúp ngăn chặn sự ô nhiễm nước gây ra bởi xói mòn đất do mưa lớn. Cây cối trong rừng sẽ giữ vai trò làm giảm tác động của mưa xuống đất, giúp đất có khả năng hấp thụ nước tốt hơn.

“Trồng cây gây rừng”.

Cung cấp dược liệu

Rừng chứa vô vàn loại cây thuốc quý giúp chữa bệnh và tăng cường sức khỏe con người. Ví dụ như Cà gai leo giúp chữa nhức xương, đau lưng, cầm máu, trị rắn cắn hay hỗ trợ điều trị viêm gan,… Hoặc cây Hà thủ ô giúp trị xơ cứng mạch máu, huyết áp cao, cholesterol cao hay giúp người dùng khỏe gân xương,…

Tắm rừng

Theo các nghiên cứu, thực vật và cây cối có khả năng tiết ra hợp chất thơm Phytoncides. Khi được hít vào, hợp chất này có khả năng thúc đẩy các thay đổi sinh học và sức khỏe tương tự như liệu pháp mùi hương (aromatherapy). Không chỉ vậy, hoạt chất phytoncide trong không khí trong rừng còn hỗ trợ tăng cường chức năng hệ miễn dịch của cơ thể.

Liệu pháp tắm rừng giúp thư giãn tâm trí và tăng cường hệ miễn dịch.

Song, dù cho rừng có mang lại nhiều lợi ích vô giá cho sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe, chúng vẫn luôn trong tình trạng bị đe dọa bởi những hoạt động khai thác trái phép, hỏa hoạn, sâu bệnh, hạn hán và những vụ cháy rừng.

Vì chúng ta đã nhận được các món quà quý giá từ rừng nên đã đến lúc ta góp sức hành động bảo vệ các khu rừng. Thông điệp 2023 kêu gọi chúng ta hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại, vì bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn.

Hậu Thạch