Hướng tới mục tiêu là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ

BVR&MT – Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết này, Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Tuy nhiên, hướng tới mục tiêu là trung tâm kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ, tỉnh cần những giải pháp cụ thể để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam góp phần tạo bước phát triển cho kinh tế-xã hội tỉnh Nghệ An. (Ảnh QUANG DŨNG)

Nhìn lại gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% quy mô kinh tế cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Riêng năm 2022, đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện hơn 21.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư đạt gần hai tỷ USD, trong đó thu hút FDI gần một tỷ USD.

Lần đầu tiên Nghệ An lọt vào tốp 10 địa phương trong cả nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, như y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính-ngân hàng… Ðời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. Những thành quả ấy có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển của tỉnh những năm tới.

Nhìn lại gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% quy mô kinh tế cả nước.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, quá trình thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị vẫn còn tồn tại, hạn chế. Ðó là chất lượng nền kinh tế của Nghệ An hiện chưa cao, sức cạnh tranh, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững; liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị chưa đạt yêu cầu; đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm. Dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh. Nghệ An chưa tạo được sự đột phá trong phát triển du lịch.

Việc huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư tại Nghệ An hiệu quả chưa cao. Chưa thu hút được những dự án lớn mang tính động lực, tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách. Quy mô doanh nghiệp đa số còn nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ còn hạn chế…

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu, chưa có cảng biển nước sâu và sân bay xứng tầm. Hạ tầng khu vực miền tây Nghệ An, hạ tầng và dịch vụ logistics phát triển chậm, chưa kết nối đồng bộ giữa các loại hình dịch vụ vận tải. Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp; hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, nhất là giao thông đô thị. Thành phố Vinh phát triển chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng, chưa có bước đột phá vượt trội so với các đô thị trong khu vực, nhất là khả năng liên kết vùng. Việc mở rộng địa giới hành chính và không gian phát triển của thành phố còn chậm; còn thiếu các điều kiện, yếu tố để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ. Khu vực miền tây tỉnh phát triển còn chậm, một số tiềm năng, thế mạnh khai thác hiệu quả chưa cao…

Thành phố Vinh, Nghệ An phát triển hướng tới một đô thị thông minh, năng động. (Ảnh LÊ THẮNG)

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã đưa ra các nhóm giải pháp toàn diện cho cả Vùng cũng như Nghệ An nhằm tháo gỡ vướng mắc, hạn chế, tạo cơ hội đột phá phát triển kinh tế. Trong đó, hai giải pháp căn cốt với Nghệ An là tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh biển và quan tâm đầu tư khu vực đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nghệ An có 82km bờ biển cùng hệ thống cảng biển khá lớn, do đó phát huy thế mạnh kinh tế biển là một hướng đi tất yếu. Hiện tỉnh đang chú trọng cho nhiệm vụ phát triển hệ thống cảng biển gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp liên quan. Từ vài cầu cảng Cửa Lò, đến nay Nghệ An đã có hệ thống cảng biển Cửa Lò, cảng The Visai Nghi Thiết, cùng hệ thống cảng sông. Tỉnh đã quy hoạch, mở rộng thêm hệ thống cảng nước sâu Cửa Lò và Ðồng Hồi.

Nhờ tập trung thu hút nhà đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ, hoàn thiện về hạ tầng, mặc dù trong những năm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhưng Nghệ An vẫn đón trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư mới. Các khu công nghiệp: VSIP, WHA, Hoàng Mai I đã thu hút thành công nhiều nhà đầu tư FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, với tổng vốn đầu tư đạt 1,23 tỷ USD, tạo nền tảng và cơ sở quan trọng để hình thành một trung tâm công nghệ, điện tử của khu vực Bắc Trung Bộ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Goertek Vina, Zhang Jian Hua cho biết, công ty chuyên sản xuất các dòng sản phẩm điện tử, linh kiện thiết bị mạng có hàm lượng trí tuệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời thúc đẩy nhanh ngành công nghiệp sạch cho địa phương và khu vực. Công ty vừa quyết định tăng vốn thêm 400 triệu USD vì nhận thấy môi trường đầu tư khá thuận lợi, mong muốn xây dựng khu sản xuất ngoài nước lớn nhất tại Việt Nam.

Về cảng nước sâu, hiện nay, hệ thống cảng biển tổng hợp ở Nghệ An chưa thu hút được các hãng tàu quốc tế. Nhận thức được vấn đề này, năm 2023, tỉnh Nghệ An dành gần 4.000 tỷ đồng để mở rộng cảng nước sâu Cửa Lò và sân bay Vinh. Do chưa có cảng nước sâu đúng nghĩa nên đây có thể là một trong những nguyên nhân chính chưa thu hút được các dự án có tính động lực để tạo sự đột phá cho tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Nguyễn Ðức Trung cho biết: Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ để tạo dư địa mới thu hút nhà đầu tư. Ðó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, ngoài quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Ðông Nam, tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Ðông Nam, chính quyền cơ sở và sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trọng điểm liên quan đến mở rộng các khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2,…

Ðể tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch biển, Nghệ An đang nâng cấp, mở rộng các khu du lịch biển; bắt đầu từ khu đô thị biển Cửa Lò đến các khu du lịch biển Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc… Tỉnh gắn du lịch biển với du lịch sinh thái, các khu di tích lịch sử, du lịch tâm linh tạo nên chuỗi các tour tham quan, du lịch hấp dẫn, hằng năm thu hút hàng triệu du khách. Tuy nhiên, điểm yếu của Nghệ An vẫn là du lịch một mùa, đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm mới chưa quảng bá đến được với nhiều du khách quốc tế.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Nghệ An phải đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, ngành du lịch Nghệ An cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó nhấn mạnh kết hợp khai thác, kết nối giữa vẻ đẹp phong phú được thiên nhiên ưu đãi với các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống đặc sắc và chú trọng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Không chỉ có đường biển dài, Nghệ An là tỉnh có vùng núi rộng lớn với gần nửa triệu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập trung ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh. Khu vực này đang gặp khó khăn, khi số hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn. Ðể vượt qua rào cản này, tỉnh Nghệ An xác định phải làm tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đề ra: Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thời gian qua, Trung ương, tỉnh dành nhiều nguồn lực cho khu vực này. Trong 5 năm, từ năm 2017 đến 2022, thông qua 17 chính sách từ Trung ương và 5 chính sách của tỉnh, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn được hỗ trợ hơn 6.120 tỷ đồng phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian tới, tỉnh quyết tâm tạo đột phá cho khu vực này bằng tập trung các nguồn lực giúp đồng bào phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng các quy trình, công nghệ mới; chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với sự phát triển của công nghiệp dược liệu và các vùng dược liệu. Với những giải pháp này, tỉnh kỳ vọng kinh tế khu vực miền núi Nghệ An không chỉ phát triển ổn định, bền vững mà còn đóng góp lớn vào mục tiêu đưa tỉnh sớm trở thành trung tâm kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ.

Tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, sớm ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” giúp Nghệ An có cơ sở trong triển khai các giải pháp đột phá, vươn lên phát triển nhanh, bền vững ■

Nghệ An có 82km bờ biển cùng hệ thống cảng biển khá lớn, do đó phát huy thế mạnh kinh tế biển là một hướng đi tất yếu.
NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ