Hướng đi tiềm năng cho đồng bào vùng cao

BVR&MT – Lai Châu hiện có trên 487.000 ha rừng với tỷ lệ che phủ đạt 51,5%. Tận dụng tiềm năng dưới tán rừng, ngoài phát triển dược liệu và bảo vệ rừng để hưởng thụ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hướng đi này đang trở thành hướng đi tiềm năng của nhiều hộ dân và địa phương trong tỉnh.

Mô hình nuôi ong lấy mật tại Lai Châu. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Khai thác tiềm năng sẵn có

Tại huyện Than Uyên, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít ở bản Khoang, xã Mường Mít đã chú trọng đầu tư, phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hợp tác xã được thành lập từ đầu năm 2022 với 9 thành viên. Ngay sau khi thành lập, hợp tác xã đã ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố và sử dụng máy hạ thủy phần nhằm lọc sạch cặn bẩn, nhộng, sáp ong và tách nước, đảm bảo thu được sản phẩm mật ong nguyên chất.

Đây cũng là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sản xuất mật ong, nhằm đảm bảo sản phẩm mật ong cung cấp ra thị trường đạt tiêu chuẩn 3 không (không chất bảo quản, không phụ gia, không hương liệu), có thể lưu trữ, bảo quản lâu dài.

Chị Lò Thanh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít chia sẻ, Mặc dù chỉ mới thành lập một năm nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít đã xây dựng thành công sản phẩm mật ong Thanh Xuân tạo được uy tín trên thị trường. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản, Hợp tác xã còn chú trọng xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm và tận dụng các nền tảng công nghệ số quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu đến người tiêu dùng.

Hiện nay, hợp tác xã có 200 thùng ong với 100% giống ong tự nhiên đưa về thuần hóa. Năm 2022, hợp tác xã đã đưa ra thị trường hơn 2.000 lít mật, bán với giá 150.000 đồng/lọ 350ml, tạo thu nhập ổn định cho mỗi hộ gia đình liên kết từ 50 – 60 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, cuối tháng 11 vừa qua, sản phẩm mật ong Thanh Xuân đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực để hợp tác xã và bà con nhân dân Mường Mít tiếp tục liên kết xây dựng và phát triển mật ong Thanh Xuân nhằm vươn ra thị trường.

Tương tự, khai thác mật ong trên rừng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và bán làm hàng hóa từ lâu được coi là nghề truyền thống của nhiều hộ dân ở xã Pha Mu, huyện Than Uyên. Có lẽ do điều kiện tự nhiên nên mật ong nơi đây đạt chất lượng cao, có vị ngọt dịu, mùi thơm đặc trưng.

Nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, ông Thào A Tu ở bản Pá Khoang, xã Pha Mu quyết định làm 13 thùng gỗ đưa ong về nuôi lấy mật. Tùy từng thời điểm ông Tu có thể di chuyển lên khu rừng của bản hoặc để ở vườn nhà. Mỗi năm, gia đình ông bán mật thu về gần 10 triệu đồng.

Ông Thào A Tu chia sẻ: Gia đình tôi nuôi hơn chục thùng ong. Trước chỉ để trên rừng thi thoảng lên lấy mật về ăn, giờ nuôi ong lấy mật làm hàng hóa. Mỗi lần bán cũng được 6 đến 7 triệu đồng, thu nhập cũng có đồng ra đồng vào, ổn định hơn trước.

Tại huyện Tân Uyên, năm 2006, anh Giàng A Phình ở bản Suối Lĩnh, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên bắt đầu nuôi ong trong rừng để lấy mật. Khi thấy hiệu quả kinh tế cao, môi trường thuận lợi để ong phát triển, vài năm trở lại đây, anh Phình đã nhân đàn và duy trì trên 100 thùng ong. Để đảm bảo chế độ chăm sóc và đa dạng nguồn mật anh Phình kết hợp nuôi trong rừng và nuôi tại nhà.

Anh Phình tâm sự: Với số lượng cả nghìn tổ ong trong toàn xã thì lượng mật cung cấp ra thị trường hàng năm rất lớn. Được sự khuyến khích, định hướng của chính quyền địa phương, trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Hoàng Liên để các hộ nuôi ong liên kết với đơn vị cung ứng mật.

Đến nay, sản phẩm mật ong Hố Mít của Hợp tác xã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực để anh và nhiều hộ dân tiếp tục tận dụng lợi thế từ rừng, phát triển đàn ong theo hướng bền vững.

Nghề nuôi ong lấy mật hiện không chỉ là hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân ở huyện Than Uyên, Tân Uyên mà các huyện biên giới như Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn và các huyện khác cũng đang tận dụng lợi thế từ đồi rừng để phát triển nghề này.

Liên kết để phát triển bền vững

Sản phẩm mật ong Thanh Xuân. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Nuôi ong đang được tỉnh Lai Châu xác định là hướng kinh tế mới, bền vững để chuyển đổi phương thức sản xuất và là một trong những giải pháp nâng cao ý thức, nhận thức giữ rừng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Theo đó, trong Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 đã có thêm nội dung hỗ trợ nghề nuôi ong.

Đây là điều kiện để các huyện, thành phố khuyến khích thành lập, thu hút hợp tác xã tham gia đầu tư, liên kết nuôi, thu mua sản phẩm mật ong; đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Ông Lò Văn Hương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 1.800 lồng ong. Trong số đó, có khoảng 800 lồng được hưởng nguồn hỗ trợ của tỉnh, quá trình triển khai thực hiện rất hiệu quả. Những nơi tập trung nuôi ong lớn hiện nay của huyện gồm xã Pha Mu, Mường Mít.

Các hợp tác xã nuôi ong hiện nay liên kết với người dân rất tốt, sản phẩm mật ong của các hợp tác xã đều đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian tới, huyện sẽ cố gắng tiếp tục tuyên truyền vận động bà con tham gia liên kết với hợp tác xã để nâng cao giá trị nuôi ong lấy mật dưới tán rừng cũng như có đầu ra ổn định.

Trên địa bàn huyện Tam Đường hiện nay có 2.246 đàn ong. Trong số đó, Hợp tác xã Ong Vàng liên kết với người dân thực hiện 738 đàn ong tại xã Thèn Sin, Giang Ma, Bản Hon. Hiện, đơn vị phát triển lên 846 đàn. Ngoài ra, nhân dân tự nuôi khoảng 1.400 đàn.

Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Hợp tác xã Ong Vàng, xã Bản Hon, huyện Tam Đường cho hay: Để mô hình liên kết thành công, chúng tôi chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi dưỡng, tách đàn cho các thành viên và hộ dân. Với trên 840 đàn ong, mỗi năm đơn vị thu về 1.200 lít mật với doanh thu trên 500 triệu đồng. Năm 2021, sản phẩm mật ong của Hợp tác xã đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lai Châu nên thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn.

Có thể thấy, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, giá trị kinh tế cao cùng với chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh Lai Châu mà nghề nuôi ong lấy mật đã và đang được nhân dân trong tỉnh đồng tình, tích cực thực hiện. Thông qua việc hỗ trợ trên 4.000 thùng ong của tỉnh Lai Châu, đến nay tổng số đàn ong toàn tỉnh có gần 10.000 đàn.

Hầu hết các sản phẩm mật ong ở từng huyện đều đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm mật ong đã trở thành sản vật đặc trưng của các địa phương tỉnh Lai Châu và đem lại giá trị kinh tế cho người dân.

Để phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật, thời gian tới tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố cần khuyến khích người dân phát triển nuôi ong theo hướng trang trại, gia trại kết hợp với trồng trọt. Chú trọng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong.