Hướng đi mới cho mô hình chợ truyền thống

BVR&MT – Hiện cả nước có khoảng 9.000 chợ (trong đó chỉ có từ 15% – 20% chợ loại I và loại II, còn lại là chợ loại III và nhỏ lẻ). Theo dự báo, số lượng chợ truyền thống có xu hướng giảm dần để nhường chân cho các kênh bán lẻ hiện đại. Vì thế, để không bị xóa sổ, biến mất trước sự phát triển nhanh chóng các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) đòi hỏi chợ truyền thống phải có những thay đổi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa của người tiêu dùng, đồng thời hướng tới xu thế phát triển hiện đại.

Người dân mua hàng rau, củ, quả tại chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa).

Nhân rộng điểm sáng

Sự phát triển của xã hội đã hình thành nên những mô hình, phương thức kinh doanh mới, đưa các chợ truyền thống vượt ra khỏi chức năng đơn thuần mua bán hàng hóa, thay vào đó là những tổ hợp chợ, trung tâm mua sắm sang trọng được tích hợp các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng. Khảo sát tại một số địa phương cho thấy, sau khi được đầu tư xây mới, nhiều chợ truyền thống vẫn được duy trì, khai thác hiệu quả bằng cách xây dựng với quy mô phù hợp nhu cầu thực tiễn của người dân.

Nếu có xây lại cũng chỉ xây từ một đến hai tầng, ra vào chợ thuận tiện, không bị khống chế về không gian, hàng hóa phong phú, giá cả phù hợp hơn so với TTTM nên vẫn giữ được nét văn hóa riêng, đáp ứng nhu cầu của những người dân có thu nhập trung bình thấp. Liên quan vấn đề này, Trưởng ban Quản lý chợ Hà Lầm (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) Nguyễn Trọng Cảnh cho biết, chợ được xây dựng vào năm 2005, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, chợ có 272 gian hàng đã thu hút đông đảo các hộ vào kinh doanh, buôn bán và đáp ứng khoảng 70 đến 80% nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn. Ðể chợ phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới cần đầu tư, nâng cấp chợ theo hướng văn minh, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng phát triển.

Tương tự, chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, có gần 500 hộ kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng, từ quần áo, đồ gia dụng đến các loại nông sản, thực phẩm. Các ki-ốt được quy hoạch rộng rãi, lắp đặt hệ thống chống cháy tự động đến tận quầy; các quầy kinh doanh thực phẩm sống, hàng ăn, đều có hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải nhằm tạo thuận lợi cho tiểu thương trong quá trình sinh hoạt. Doanh nghiệp (DN) quản lý chợ cũng bố trí các gian hàng, lối đi hợp lý, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) đã giúp các tiểu thương kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân khi đi chợ được ngắm nghía và thoải mái lựa chọn các mẫu hàng hóa đa dạng đang được bày bán. Việc thực hiện văn minh thương mại của gần 500 hộ kinh doanh trong chợ cũng thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Nhờ vậy, chợ Tây Thành được xem là đơn vị tiên phong của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung thực hiện việc bán hàng theo giá niêm yết, được NTD đánh giá cao. Theo Bộ Công thương, đây là một trong những tỉnh làm tốt công tác chuyển đổi mô hình hoạt động của chợ, được đánh giá đi đầu cả nước về kêu gọi, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ.

Phó Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa Lữ Minh Thư khẳng định, xu hướng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động của các chợ truyền thống là cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chuyển đổi tất cả các chợ thành siêu thị, TTTM mà phải xem xét, đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp. Có những chợ nếu được chuyển đổi sẽ hoạt động tốt nhưng cũng có những chợ chỉ nên cải tạo, nâng cấp và giữ nguyên chức năng vốn có của nó sẽ hiệu quả hơn. Ðến hết năm 2019, toàn tỉnh có 125 trong số 398 chợ được thực hiện đầu tư chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh. Hầu hết các chợ sau khi được chuyển đổi đều tổ chức quản lý, đầu tư khang trang và hoạt động có hiệu quả, bảo đảm trật tự xã hội, an toàn, văn minh thương mại, bố trí sắp xếp ngành hàng, mặt hàng cụ thể theo khu vực, thuận tiện cho người mua và người bán, góp phần giải tỏa hoạt động của các chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn, góp phần xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện.

Hướng đến văn minh, hiện đại

Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thống Nhất Trần Quốc Cường cho biết, đơn vị đang quản lý chợ Phùng Khoang 1 và 2 (Hà Nội) với tổng diện tích hơn 13.500 m2 với gần 600 hộ kinh doanh buôn bán. Do lượng hàng dồi dào, khai thác sử dụng hết công năng của chợ nên đơn vị luôn đạt lợi nhuận mong muốn. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng chợ Phùng Khoang theo kế hoạch mất khoảng 110 tỷ đồng cho hai chợ sẽ khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Nếu bổ đầu vào các hộ kinh doanh, giá cao họ sẽ bỏ chạy, còn đối với DN sẽ mất lãi và phải khấu hao trong nhiều năm. Do đó, cần phải tính toán đầu tư, cải tạo chợ ở mức độ phù hợp, theo từng nấc đầu tư. Bên cạnh lợi thế về giá hàng hóa bày bán cạnh tranh, đơn vị còn cải tạo hạ tầng, bố trí 10 lối ra vào chợ để phòng tránh, xử lý tình huống hỏa hoạn, đồng thời tạo thông thương cho NTD và tiểu thương thuận lợi trong mua bán hàng hóa. Khách vào chợ không phải gửi xe, tiện lợi trong việc di chuyển, lựa chọn sản phẩm. Chính điểm nhấn điều hòa thu nhập qua 10 cửa này khiến chợ luôn đông đúc, sầm uất nhất khu vực từ trước đến nay. Tuy vậy, trước sự phát triển của xã hội, mỗi ngày việc kinh doanh buôn bán ở chợ sẽ văn minh lên. Do đó phải giảm người bán, tăng khoản đóng góp nhằm tăng diện tích kinh doanh. Nâng cấp chợ bằng cách xây dựng các hình thức kiến trúc cho phù hợp với các quy định của Nhà nước. Các loại rau củ quả phải sơ chế rồi mới được đem vào chợ bán, bảo đảm văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tiến tới niêm yết giá, các thực phẩm đã rõ nguồn gốc cần phải có chứng chỉ chứng nhận chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm,…

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, vai trò của Nhà nước trong việc quy hoạch, cải tạo và xây dựng phát triển chợ là hết sức quan trọng. Ðứng trước thực trạng chợ đang dần bị các kênh bán lẻ hiện đại lấn át, rất cần phải có những cơ chế, chính sách thỏa đáng, hợp lý, mang tính khả thi để tiếp tục gây dựng lại bộ mặt của kênh thương mại truyền thống đang sa sút. Cần lưu ý sau khi cải tạo và xây dựng chợ, phải có bộ máy tổ chức mạnh, đủ các quy chế, quy định để có thể tự chủ trong việc hạch toán, quản lý chi phí trong chợ. Coi trọng việc tổ chức nguồn hàng, có nguồn gốc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Xây dựng văn hóa kinh doanh chợ để nâng cao năng lực cạnh tranh với các kênh bán lẻ có ưu thế hơn. Ngoài chợ dân sinh phục vụ ở các địa bàn, cần xây dựng một số chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố lớn, có nhu cầu tiêu thụ cao cả về số lượng và chất lượng. Khi đó, chợ đầu mối sẽ góp phần kích thích những nhu cầu về đầu tư, du lịch của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, thúc đẩy sản xuất vùng và sản xuất tại chỗ của địa phương phát triển.

Thực tế cho thấy, phần lớn chợ truyền thống hiện vẫn đang kinh doanh hiệu quả và có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, TTTM, chuỗi cửa hàng tiện lợi về chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán”,… Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả, mô hình bán lẻ truyền thống như chợ sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mô hình bán lẻ hiện đại. Vì vậy, tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh thương mại phải hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm,… Việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – tiểu thương – DN và đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi xã hội hóa, chủ đầu tư cũng cần công khai và thống nhất với tiểu thương về phương thức quản lý, vận hành. Quan hệ giữa chủ đầu tư dự án chợ và tiểu thương cũng phải theo quy luật cung – cầu, có cơ chế quản lý phù hợp với sự phát triển của thị trường. Có như vậy, chợ truyền thống mới phát triển bền vững, không bị tụt hậu và xóa sổ trong tương lai.

Có thể thấy, đã qua cái thời “trăm người bán, vạn người mua”. Muốn chợ truyền thống có sức hút trở lại, các tiểu thương cần nỗ lực đổi mới tư duy và cách làm trong việc thực hiện văn hóa kinh doanh, tạo lòng tin và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD. Phải bán những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, quan tâm hơn đến cách bài trí hàng hóa sao cho đẹp mắt, tiện lợi; trang bị cho mình kỹ năng bán hàng theo hướng văn minh, lịch sự, tạo môi trường kinh doanh thân thiện. Ngoài ra, cần áp dụng các chương trình khuyến mại, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương cần quyết liệt xử lý, dẹp bỏ các chợ tự phát, tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa để bảo đảm sự công bằng trong kinh doanh. Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và chất lượng hàng hóa, từng bước thực hiện văn minh thương mại…