Hợp tác kiến tạo môi trường phát triển bền vững trong khu vực

BVR&MT – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị cấp cao lần này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với chiến lược hợp tác khu vực, nhấn mạnh vai trò của hợp tác trong ứng phó với các thách thức chung.

Tổng thống Myanmar Win Myint, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi chụp ảnh chung hợp tác môi trường phát triển tại Lễ khai mạc hội nghị CLMV..
Tổng thống Myanmar Win Myint, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc hội nghị CLMV..

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Samdech Techo Hun Sen Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 9 (ACMECS-9), Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 10 (CLMV-10) và Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 11 (CLV-11) được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 9/12/2020.

Nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách

Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) còn được gọi là Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế (ECS), là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và hợp tác song phương để khai thác, phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách.

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong thành lập tháng 11/2003 (mang tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong). Tháng 11/2004, Việt Nam chính thức tham gia tại Hội nghị Bộ trưởng Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 1 tại Thái Lan.

Đến nay, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong có 8 lĩnh vực hợp tác gồm: Thương mại-đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp-năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; môi trường, tương ứng với 8 lĩnh vực hợp tác đó là 8 nhóm công tác được thành lập.

Tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 2, các nước nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong giữa kỳ dưới hình thức không chính thức giữa hai Hội nghị cấp cao chính thức kế tiếp và tổ chức bên lề các Hội nghị cấp cao ASEAN.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị.

Tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 8 (15-16/6/2018, Bangkok, Thái Lan) với chủ đề “Hướng tới một Cộng đồng Mekong kết nối và hội nhập,” lãnh đạo các nước đã thống nhất cơ cấu lại 8 lĩnh vực hợp tác và bổ sung một số hợp tác mới.

Lãnh đạo các nước nhất trí hướng tới xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh thông qua: Thúc đẩy kết nối đa phương diện (về hạ tầng, kỹ thuật số, thể chế, con người).

Trong giai đoạn trước mắt ưu tiên xây dựng các tuyến đường còn thiếu thuộc các tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây và phía Nam; tăng cường hài hòa hóa các quy định và thủ tục thương mại, đầu tư; phát triển nguồn nhân lực và công nghệ; bảo đảm an ninh, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước các dòng sông xuyên biên giới, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023, định hướng chiến lược thời gian tới xoay quanh ba trụ cột chính: Tăng cường kết nối hạ tầng cứng thông qua phát triển vận tải đa phương thức, hạ tầng kết nối điện tử và hạ tầng kết nối năng lượng; thúc đẩy kết nối hạ tầng mềm thông qua tăng cường hợp tác về thương mại-đầu tư và hợp tác về tài chính; phát triển kinh tế thông minh và đầu tư bền vững thông qua phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước.

Về huy động nguồn vốn, tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 8, Thái Lan đề xuất thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác cơ sở hạ tầng ACMECS với mục tiêu tạo kênh tài chính mới huy động vốn cho các dự án của ACMECS.

Năm 2019, Thái Lan đã vận động các nước, tổ chức quốc tế trở thành đối tác phát triển của ACMECS. Đến nay, 6 quốc gia đã chính thức trở thành đối tác phát triển của ACMECS gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ.

Thúc đẩy hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản tháng 12/2003 tại Tokyo, Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đã nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 1 vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 10 (tại Vientiane, Lào, tháng 11/2004).

Việc hình thành cơ chế hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN. Các lĩnh vực hợp tác của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam gồm: Thương mại, đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp, năng lượng; giao thông; du lịch, phát triển nguồn nhân lực.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 1 thông qua Tuyên bố Vientiane về tăng cường hợp tác kinh tế và hội nhập trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mekong, ASEAN và khu vực; kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 2 thông qua Chương trình hành động nhất trí bốn nước phối hợp với Thái Lan nghiên cứu khả năng hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong nhằm tránh trùng lặp và nâng cao hiệu quả hợp tác.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 3 ghi nhận các thỏa thuận về kết hợp Chương trình hành động Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam, Chương trình hành động Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mekong…

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 4 nhất trí định hướng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam, bao gồm thương mại, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, du lịch, phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp các nước vào tiến trình hợp tác.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 5 thông qua Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác giữa bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 6 nhất trí về một số định hướng lớn bao gồm: Nâng cao hiệu quả điều phối hợp tác; đẩy mạnh hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch; tăng cường kết nối thông qua đẩy mạnh hợp tác phát triển các hành lang kinh tế; đẩy mạnh hợp tác phát triển nhân lực…

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 7 nhất trí tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa bốn nước: phối hợp xây dựng các chính sách mới về tạo thuận lợi cho lưu thông thương mại, các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết.

Tại Hà Nội, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 đã diễn ra, các nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp triển khai các nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực giao thông, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, công nghiệp, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.

Tại Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 9 tại Thái Lan, các nhà lãnh đạo đều đánh giá hợp tác có những bước phát triển, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, triển khai còn chậm, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chất lượng lao động còn thấp.

Hội nghị thống nhất ưu tiên các biện pháp giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy du lịch và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đối với việc huy động nguồn lực, lãnh đạo các nước nhất trí cần đa dạng hóa kênh vận động tài trợ, không chỉ qua Ban Thư ký ASEAN mà cả các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế; nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân tham gia các dự án, thúc đẩy hợp tác công-tư.

Xây dựng khu vực tam giác phát triển CLV bền vững, thịnh vượng

Tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia-Lào-Việt Nam được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999 gồm 10 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia.

Mục tiêu của việc hình thành tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. Hợp tác tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: An ninh-đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…

Bên cạnh các Hội nghị cấp cao, ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam đã nhất trí thành lập Ủy ban điều phối chung tam giác phát triển (với bốn tiểu ban: Kinh tế, xã hội-môi trường, địa phương, an ninh-đối ngoại). Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch Ủy ban và Ủy viên Ủy ban điều phối gồm đại diện các bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong tam giác. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam giữ vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Hội nghị Cấp cao Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10, lãnh đạo ba nước đã ghi nhận những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại, duy trì hòa bình, ổn định khu vực và hỗ trợ quá trình phát triển tình hình kinh tế, xã hội ở mỗi nước.

Tại Hội nghị này, các nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2030. Đây là tài liệu về tầm nhìn hợp tác và định hướng thực hiện các kế hoạch cụ thể nhằm đưa tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam trở thành một cực tăng trưởng của ASEAN.

Đồng thời, lần đầu tiên, Hội nghị Cấp cao Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam thu hút được sự tham gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và ASEAN với tư cách đối tác phát triển, qua đó cam kết thúc đẩy hợp tác, xây dựng các nền kinh tế khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam hội nhập, bền vững, thịnh vượng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị cấp cao lần này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với chiến lược hợp tác Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong; hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam; hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; nhấn mạnh vai trò của các hợp tác trong ứng phó với những thách thức chung, hợp tác nguồn nước, thương mại và đầu tư, thúc đẩy sự liên kết về lợi ích giữa các nước trong khu vực.

Đồng thời, Việt Nam khẳng định cam kết đối với các hợp tác, đề cao cơ chế hợp tác giúp kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam./.