Họp báo chung kết cuộc thi Phụ nữ Việt Nam và làng nghề

BVR&MT – Tiếp nối những thành công của Chương trình Gây quỹ “Chắp cánh những giấc mơ bên khung cửi”, chiều ngày 5/9, Ban tổ chức dự án Empower Women Asia đã tổ chức họp báo công bố kết quả cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề”. Đây cũng là dịp trao đổi, giao lưu chính thức giữa các nhóm đạt giải với Ban Giám khảo cuộc thi cùng các đại sứ và nhà thiết kế của dự án thông qua hình thức trực tuyến.

Cuộc thi trực tuyến với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề” diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7/2021 dưới hình thức sáng tác video/nhóm ảnh với thời lượng từ 3-5 phút. Cuộc thi mang thông điệp quảng bá, bảo tồn các làng nghề truyền thống, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp trong lao động bình dị, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng tại các làng nghề truyền thống.

Một số hình ảnh đẹp từ bài dự thi của nhóm Champasix.

Vượt qua 11 bài thi nổi bật vào vòng chung kết, Ban Giám khảo gồm các nhà báo, biên tập viên, các blogger du lịch và nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã lựa chọn ra 4 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, trong đó giải Nhất thuộc về video “Làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận)” của tác giả Champasix; video “Làng nghề bánh đa cua (Hải Phòng)” của tác giả Nguyễn Thanh Loan đạt giải Nhì; Hai giải ba thuộc về các tác phẩm “Làng quạt Chàng Sơn (Hà Nội)” của GEN và video “Làng nón Chuông (Hà Nội)” của Jelly Potatoes. Ngoài ra, Giải truyền thông thuộc về video được yêu thích nhất “Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá (Hà Nội)” của Le.morq.

Với tác phẩm Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) đạt giải nhất, đại diện nhóm Champasix cho biết: “Điều mình thấy đẹp nhất ở một đất nước không chỉ là những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nét văn hoá truyền thống, là con người – những nét đẹp lao động đơn sơ giản dị nhưng cũng chất chứa nhiều niềm vui và câu chuyện ở trong đó. Chính vì vậy, dọc miền đất hình chữ S nhỏ bé này, chúng mình có cơ duyên được biết đến nghề dệt thổ cẩm đã được hình thành lâu đời tại làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp và nghệ nhân Thuận Thị Trụ – người đã đưa thổ cẩm đến với hơn 20 quốc gia trên thế giới và đạt kỷ lục Guinness.

Ở đây, dệt thổ cẩm không chỉ là nét văn hoá của một dân tộc mà nó còn là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình. Ấy thế mà, dịch Covid bùng nổ, kinh tế gặp nhiều khó khăn, làng nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc sống của những người con làng nghề bấp bênh. Được tận mắt chứng kiến cảnh làng nghề dần bị bỏ quên, nét văn hoá truyền thống đẹp đẽ đó dần bị mai một bởi thời gian, người dân làng nghề ngày càng khó khăn về kinh tế, chúng mình nghẹn ngào mà không giấu được những giọt nước mắt tiếc nuối cho một làng nghề từng hưng thịnh là thế, không những vậy nó còn là 1 nét đẹp văn hoá đơn sơ của cả 1 dân tộc. Chính vì thế, chúng mình muốn góp một chút công sức nhỏ bé để gìn giữ và phát huy ngành nghề dệt Thổ cẩm Chăm Pa này để giữ trọn vẹn lại một tâm hồn của một dân tộc.”

Diễn ra trong khuôn khổ nội dung buổi họp báo, các nhóm dự thi cũng sôi nổi thảo luận vấn đề mà các bạn quan tâm trong quá trình đi thực địa để xây dựng nội dung cho tác phẩm như hiệu quả kinh tế và vấn đề gìn giữ môi trường tại các làng nghề truyền thống. Tác giả Nguyễn Thanh Loan với video “Làng nghề bánh đa cua (Hải Phòng)” đạt giải nhì từ cuộc thi cho biết: “Trong quá trình sản xuất bánh đa, có thể gây ảnh hưởng môi trường là khói đen do các nồi hơi chưa đảm bảo kỹ thuật dẫn đến nguyên liệu không được đốt cháy hoàn toàn, muội đen và nước thải chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên hiện nay các
công cụ đã được cải tiến và ý thức bảo vệ môi trường nâng cao đã góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Về vấn đề kinh tế hiện tại mặc dù dịch Covid nhưng việc sản
xuất và lượng bánh đa cua vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.”

“ Khi chọn các làng nghề chúng mình đã ưu tiên chọn các sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường. Tre được sử dụng để làm chuồn chuồn tre có thể tự phân hủy sinh học 100% có tính kháng khuẩn và gần gũi thân thiện với Việt Nam. Qua trao đổi với nghệ nhân, chuồn chuồn tre được trao đổi đi nhiều nước. Tuy nhiên đầu ra vẫn là một vấn đề lớn đối với làng nghề, bởi vì trẻ em hiện nay thích các thiết bị điện tử hơn. Chúng mình muốn thông qua video để hi vọng chuồn chuồn tre có thể trở thành một phần tuổi thơ của các bạn nhỏ. Xin cảm ơn”. Đại diện nhóm Le’morg với tác phẩm “Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá (Hà Nội)” cho hay.

Quỳnh Anh

Dự án Empower Women Asia. Dự án được thành lập tháng 5 năm 2019, dưới sự bảo trợ của của tổ chức phi chính phủ KIBV – Keep It Beautiful Vietnam với mục đích hỗ trợ các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt Việt Nam nâng cao kĩ năng, nhận thức và sự hiểu biết trong quá trình sản xuất sản phẩm vải bền vững, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, dự án cũng mong muốn lan tỏa những giá trị bền vững, giá trị bản sắc dân tộc mà các sản phẩm dệt thổ cẩm đến với mọi người.