Hồng Kông sẽ cấm buôn bán ngà voi vào năm 2021

BVR&MT – Vừa qua, chính phủ Hồng Kông công bố kế hoạch ba bước nhằm thực hiện việc cấm buôn bán ngà voi vào cuối năm 2021.
Ảnh minh họa.

Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hồng Kông, ông KS Wong, cho rằng: “Hồng Kông đã quyết tâm ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp. Các biện pháp triển khai sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới công đồng quốc tế về quyết tâm của Hồng Kông đối với công cuộc kiểm soát tình trạng buôn lậu ngà voi.”

Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cấm thương mại quốc tế ngà voi vào năm 1989 với việc xếp voi nằm trong Phụ lục I của Công ước. Tuy nhiên, Công ước không yêu cầu các quốc gia phải đóng cửa thị trường ngà voi trong nước.

Sau lệnh cấm, Hồng Kông đã ban hành giấy phép sở hữu ngà voi cho các thương nhân, cho phép thương mại tự do đối với ngà voi có trước năm 1976 (trước khi Công ước CITES áp dụng đối với voi) và giao dịch trong lãnh thổ Hồng Kông đối với ngà voi nhập khẩu trước năm 1990 (trước khi có lệnh cấm buôn bán ngà). Tuy nhiên, các nhóm vận động như WildAid chỉ ra rằng các thương nhân vẫn đang lợi dụng những kẻ hở của luật pháp, sử dụng giấy chứng nhận để giao dịch ngà voi bất hợp pháp mới săn bắt trộm gần đây.

Chính phủ Hồng Kông đã đưa ra kế hoạch ba bước nhằm mục đích chấm dứt hoàn toàn thị trường ngà voi trong nước trong vòng 5 năm tới. Đề xuất sửa đổi luật pháp để thực hiện lệnh cấm này sẽ được đệ trình lên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông trong nửa đầu năm 2017.

Bước một của kế hoạch sẽ là một lệnh cấm ngay lập tức việc nhập khẩu và tái xuất tất cả các chiến lợi phẩm từ hoạt động săn voi và các sản phẩm từ ngà voi sau năm 1976, khi các Quy định của Công ước CITES đã áp dụng đối với voi.

Bước thứ hai sẽ là cấm nhập khẩu và tái xuất khẩu của tất cả các sản phẩm ngà voi trước năm 1976. Thương mại ngà voi “tiền Công ước” hiện tại đa phần là hợp pháp.

Bước ba sẽ là cấm sở hữu tất cả các sản phẩm từ ngà voi cho mục đích thương mại, bao gồm cả sản phẩm từ năm 1976 đến năm 1990. Giai đoạn cuối cùng này sẽ có hiệu lực vào 31 tháng 12 năm 2021, khi đó tất cả các giấy phép sẽ hết hạn.

Hiện nay một số thương nhân Hồng Kông vẫn lập luận rằng 5 năm không đủ thời gian để họ thanh lý số tài sản ngà voi đang sở hữu và yêu cầu được bồi thường. Tuy nhiên, chính phủ Hồng Kông bác bỏ yêu cầu này và cho rằng 5 năm là quãng thời gian ân hạn đủ dài cho các thương nhân.

Chính phủ Hồng Kông cũng đang xem xét tăng hình phạt tối đa cho hoạt động buôn lậu và kinh doanh trái phép các loài bị đe dọa từ 5 triệu HKD (0,6 triệu USD) và hai năm tù lên 10 triệu HKD (1,3 triệu USD) và 10 năm tù giam.

“Chúng tôi kêu gọi các nhà lập pháp có các động thái để thông qua lời hứa của chính phủ nhằm chấm dứt các giao dịch tàn bạo này càng sớm càng tốt và áp dụng các hình phạt nặng hơn đối với tội phạm động vật hoang dã. Lệnh cấm buôn bán cần được áp dụng sớm ngày nào hay ngày đó.” Ông Gavin Edwards, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Quốc tế (WWF) tại Hồng Kông nói.

Bích Ngọc (Theo Mongabay.com)