Hơn 50% số loài cây bản địa châu Âu có nguy cơ tuyệt chủng

BVR&MT – Trong bản cập nhật Sách Đỏ mới nhất về những loài cây nguy cấp, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết 42% trong số 454 loài cây bản địa ở châu Âu có nguy cơ biến mất khỏi Lục địa Già.

42% trong số 454 loài cây bản địa ở châu Âu có nguy cơ biến mất.

Hơn 50% số loài cây thân gỗ đặc trưng của châu Âu, trong đó có cây hạt dẻ ngựa, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đây là cảnh báo của các nhà hoạt động vì môi trường quốc tế đưa ra ngày 27/9.

Trong bản cập nhật Sách Đỏ mới nhất về những loài cây nguy cấp, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết 42% trong số 454 loài cây bản địa ở châu Âu có nguy cơ biến mất khỏi Lục địa Già.

Ngoài ra, 58% số loài cây đặc trưng châu Âu, tức là chỉ có ở châu Âu, thuộc diện bị đe dọa tuyệt chủng.

Đáng lo ngại hơn, 15% số loài cây bản địa ở châu Âu, tương đương 66 loài, bị xếp vào tình trạng “vô cùng nguy cấp”, hoặc bên bờ tuyệt chủng.

Ông Craig Hilton-Taylor, phụ trách Sách Đỏ của IUCN, nêu rõ cây rất cần thiết cho sự sống trên Trái Đất, trong đó các loài cây châu Âu là nguồn thức ăn và nơi trú ẩn cho vô số loài động vật như chim và sóc, đồng thời đóng vai trò kinh tế quan trọng.

Tuy nhiên, các loài cây bản địa châu Âu đang có nguy cơ biến mất do các sinh vật ngoại lai xâm hại, trong đó có loài sâu ăn lá có nguồn gốc từ vùng Balkan nhưng đang sinh sôi nhanh chóng ở châu Âu.

Ngoài ra, nạn khai thác gỗ bừa bãi, cháy rừng, khai thác du lịch và phát triển đô thị không bền vững cũng là những nguyên nhân.

Cùng với các loài cây thân gỗ, gần 50% số loài cây bụi ở châu Âu và 20% số loài động vật thân mềm trên cạn như ốc sên cũng không tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

IUCN cho biết những loài này thường không được lưu tâm nhưng đóng vai trò rất quan trọng đối với các hệ sinh thái cung cấp thực phẩm và không khí cho con người.

Báo cáo của IUCN được đưa ra trong bối cảnh lời kêu gọi giải quyết tình trạng suy thoái môi trường toàn cầu đã trở thành vấn đề cấp thiết.

Hồi tháng Năm vừa qua, Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường sống bị hủy hoại và nhiều yếu tố khác đang đẩy 1 triệu loài thực vật và động vật đến bờ tuyệt chủng.