Hơn 05 ha rừng phòng hộ, đặc dụng rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái

BVR&MT – Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội có Báo cáo số 509/BC-BQLR, về rà soát, đánh giá hoạt động du lịch sinh thái tại các khu rừng và gần rừng do Ban quản lý.

Hơn 5ha rừng phòng hộ, đặc dụng rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Ảnh minh họa

Theo báo cáo, diện tích do Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội quản lý, bảo vệ hơn 5.160ha, trong đó: Rừng phòng hộ Sóc Sơn hơn 1.744ha, rừng đặc dụng Hương Sơn hơn 3.416ha. Cả 2 khu rừng này đều có điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Khu rừng phòng hộ Sóc Sơn có vị trí gần trung tâm thành phố, gần sân bay quốc tế Nội Bài. Hệ thống giao thông từ trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận đi lại rất thuận tiện. Địa hình vùng đồi gò huyện Sóc Sơn là hệ thống núi thấp và đồi gò, là một phần kéo dài về phía Đông của dãy núi Tam Đảo, có độ cao trung bình từ 200 – 300 mét so với mặt biển. Trong khu rừng có rất nhiều hồ nước như: Đồng Quan, Hàm Lợn, Hoa Sơn, Thanh Trì… tạo nên cảnh quan thiên nhiên rất đẹp.

Còn khu rừng đặc dụng Hương Sơn là nơi du lịch tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước, khu rừng gắn liền với quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương, hằng năm thu hút 1,4 – 1,5 triệu lượt khách vào rừng tham quan thắng cảnh du lịch. Bên cạnh đó, khu rừng là nơi hội tụ nhiều loài động, thực vật đa dạng bao gồm hệ sinh thái đặc trưng của rừng núi đá. Rừng núi Hương sơn có cấu tạo đá mẹ là đá vôi, núi đá hiểm trở hùng vĩ chiếm trên 80%, xen kẽ các dãy núi đá vôi là các thung đất. Có hệ thống hồ, đập, suối với những cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Hồ Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn rộng khoảng trên 200ha, kéo dài gần 10km.

Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội.

Với tiềm năng hiện có, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái đang tạo ra nhiều sản phẩm như: Du lịch thể thao (chạy bộ, đánh golf), cáp treo, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch tâm linh, dịch vụ ăn uống, cho thuê lều, bạt, bếp nướng, bếp gas mini, buôn bán đặc sản vùng miền… Trong mùa lễ hội chùa Hương và lễ hội đền Gióng có nhiều hộ dân làm dịch vụ du lịch như bán đồ lưu niệm, nghỉ trọ, kinh doanh ăn uống trên các tuyến đường hành lễ.

Đối tượng thực hiện kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái gồm có tổ chức và cá nhân. Các tổ chức bao gồm các ban quản lý khu di tích, các doanh nghiệp; cá nhân gồm có người dân sống gần rừng và người ở nơi khác đến lập nghiệp lâu dài.

Trong quá trình hoạt động, các tổ chức, cá nhân làm kinh doanh luôn chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, phối hợp tốt với đơn vị trong quá trình quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng như báo cháy kịp thời, tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra, báo tin khi phát hiện các hành vi xâm hại đến tài sản rừng.

Qua khảo sát cho thấy, khách du lịch đến với rừng có xu hướng tăng về số lượng người và số lượng đoàn, đông nhất vào mùa hè, ngày nghỉ lễ, cuối tuần. Mục đích của khách đến với rừng là khám phá thiên nhiên, đi bộ trong rừng, đi đền, chùa (đền Gióng, chùa Hương), tổ chức ăn uống tại các nhà hàng sinh thái…

Hoàng Tôn