Hội nông dân Vĩnh Phúc: Gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển môi trường bền vững

BVR&MT- Hiện nay, việc lạm dụng các loại phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và quá trình xử lý các phụ phẩm, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi chưa triệt để đã gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Bởi vậy, việc thay đổi theo sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là biện pháp bắt buộc để thực hiện một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trụ sở Hội nông dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và trực tiếp đe dọa đến sức khỏe của con người. Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đặc biệt là tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với xây dựng và phát triển nền nông nghiệp – nông thôn bền vững.

Để góp phần nâng cao vai trò của người nông dân trong việc bảo vệ môi trường song song với công tác sản xuất nông nghiệp, Hội nông dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng các ban ngành, địa phương triển khai các mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường trong hội viên, nông dân; trong đó, nổi bật là xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi xanh – sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng rau quả theo quy trình VietGAP, lắp đặt túi ủ biogas trong chăn nuôi heo, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn GAP (nuôi thủy sản sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm)…

Chủ tịch Hội Nông dân Vĩnh Phúc đang hướng dẫn kỹ thuật cho Chủ tịch Hội cơ sở.

Ông Trịnh Đình Mao, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân với công tác BVMT; nhân rộng các mô hình hiệu quả về BVMT; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường . Thì việc lựa chọn nhà phân phối giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón là việc hết sức quan trọng. Mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi đều được lấy mẫu đi kiểm tra hàm lượng kháng sinh một cách cụ thể. Ngoài ra, Hội còn lấy mẫu đất, nước của từng khu vực để phân tích hàm lượng chọn ra vùng sản xuất rau sạch phù hợp với từng địa phương. Bên cạnh đó Hội còn hướng dẫn người dân xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hình thức hầm bioga, sử dụng các phương pháp sinh học để tạo ra phân hữu cơ cung cấp trực tiếp trong việc sản xuất rau sạch tại địa phương.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận người dân giữ thói quen đổ rác không đúng nơi quy định, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón trong canh tác nông nghiệp làm suy thoái đất, gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học cũng như môi trường sống ở khu vực nông thôn. Để cải thiện tình trạng này, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, gắn sản xuất kinh doanh với công tác BVMT. Điển hình như mô hình Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long tại xã Nguyệt Đức (Yên Lạc – Vĩnh Phúc) đã áp dụng hầm ủ Bioga cho việc xử lý chất thải. Đồng thời tiến hành ủ phân theo phương pháp ủ nóng tao ra sản phẩm phân hữu cơ phục vụ trực tiếp cho người dân trong khu vực trồng rau sạch ở nơi đây.

Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn là việc làm cần được chú trọng để mang lại hiệu quả lâu dài.

Bài, ảnh: Đông Nghi