Hội nghị Môi trường toàn quốc lần V: Bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

BVR&MTSáng 4/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V. Đây là một trong những sự kiến lớn của ngành Tài nguyên Môi trường được tổ chức 5 năm/lần để nhìn nhận những bài học kinh nghiệm và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, giải pháp bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Hài hòa phát triển kinh tế và Bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Kể từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Bên cạnh những thành công đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận những thành tích to lớn trong công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam, qua đó, đã từng bước tranh thủ được những thuận lợi, nắm bắt kịp thời thời cơ để vượt qua những khó khăn, thách thức, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ rõ những thách thức to lớn đối với công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Ở trong nước, ô nhiễm môi trường một số nơi có nguy cơ vượt ngưỡng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội và sức khỏe của nhân dân. Đa dạng sinh học vẫn có xu hướng bị suy giảm. Nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Nguồn lực tại các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn chưa tương xứng. Việc huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế; công tác quy hoạch chưa được chú trọng. Cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý môi trường chưa theo kịp yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường.

Để biến những tồn tại, thách thức nêu trên thành cơ hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, các giải pháp đã được thảo luận, lấy ý kiến của các đơn vị và các địa phương. Tập trung 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020, quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đặc biệt là quản lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa.
Việt Nam đã tham gia vào cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng mà ngành Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cần thực thi. Trong đó, việc thực thi pháp luật, tăng cường áp dụng các cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường sẽ phải được đẩy mạnh.

Thực hiện: Quỳnh Anh – Đình Trà – Tuyết Lan